16 thg 9, 2015

Con heo gạo của Trịnh Kim Thuấn/PNTB




Những ngày đầu tháng 5 năm 1975, tôi mới tham gia cách mạng, người ta thường gọi là loại cách mạng 30 (sau 30/4). Nơi công tác của tôi là Phòng Tài chính TX Long xuyên (AnGiang). Lúc ấy, người ít, việc nhiều, tôi nhận lãnh nhiều việc, trong đó có nhiệm vụ quản lý Lò heo Đông An.

Dân Long Xuyên trước và sau 30/4/1975 không mấy ai không rành món cháo lòng heo Đông An. Bởi các tiệm bán cháo lòng ở đây đều gần ngay Lò heo, nên lòng heo vừa ra lò, còn tươi rói, thơm lựng. Cứ từ 2 giờ đêm đến sáng, khu vực này vô cùng nhộn nhịp.

Nhiệm vụ của tôi là phải dậy sớm và có mặt tại Lò heo lúc 4 giờ 30. Lúc ấy số heo đưa vào Lò đã được giết, vừa cạo mỗ xong, treo lên móc. Tôi và anh Tư Hầu, kiểm dịch viên, cán bộ lưu dụng của Ty Nông nghiệp An giang cùng kíp làm việc. 

Vừa đến, Tư Hầu mặc áo choàng trắng, cẩn thận xem xét, kiểm tra từng con heo. Con nào thật sự lành mạnh thì anh lăn dấu màu xanh, con nào bịnh nhưng chưa đến mức ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vẫn còn bán được thì anh lăn dấu màu đỏ. Sự phân biệt nầy để người tiêu dùng “tùy tiền mà biện lễ”. Cái nền nếp đó đã có từ lâu. Còn nhiệm vụ của tôi là đếm xem hôm nay Lò heo mần thịt bao nhiêu con? Số lượng nầy rất có ý nghĩa cho công tác thống kê, nhưng quan trọng là làm cơ sở cho việc thu thuế sát sinh. Cùng ký vào Biên bản có Tư Hầu, tôi và người quản lý Lò heo.

Một hôm, khi kiểm tra heo, anh Tư Hầu kêu tôi lại chỉ vào một con, bảo: “Đây là Con heo gạo”.

Nhớ lại, khi còn đi học tiểu học, có bài dậy về các loại ký sinh trùng đường ruột, trong đó gồm các loại giun, sán (quê tôi gọi là lãi).  Trẻ con thường tiếp xúc môi trường đất cát nên thường xuyên phải uống thuốc sổ lãi. Bệnh giun, sán ở người thế nào thì ở heo cũng vậy. Khi con heo mắc bịnh sán sơ mít, trứng sán chui luồn vào từng thớ thịt và phát triển lên thành ấu trùng nom như hạt gạo! Cắt miếng thịt heo ra, những đốm trắng giống như hạt gạo dầy đặc trong các thớ thịt, nếu người ăn thịt lợn gạo khác nào tiếp nhận vào cơ thể hằng trăm hàng ngàn ấu trùng sán sơ mít, chúng sẽ tiếp tục sinh sôi nẩy nở trong cơ thể con người… các đứa trẻ khi mắc bệnh sẽ gầy còm và chết, vì các thức ăn bị con sán xơ mít nầy ăn hết ... 

Anh Tư Hầu dùng lưỡi dao rạch nhẹ, những “hạt gạo” rớt xuống và nói: “Đây là ấu trùng con sán sơ mít”. Vậy là con heo nầy phải tiêu huỷ, không được phép xuất bán. Người chủ heo xót của nài nỉ mong quản lý thị trường “nương nhẹ” để cứu vãn vốn, nhưng không thể được. Biên bản đã được ký: Ngày …tháng… năm 1975:  Số heo được mổ tại lò là x con, trong đó có 1 con “heo gạo” phải tiêu huỷ.

Về đến cơ quan, vừa tắm rửa xong, hơn 5 giờ 30, đã có điện thoại của chú Chín Thiệt, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng (những ngày đầu giải phóng) thị xã gọi đích danh. Tôi vội vả sang thì gặp Chị Lành (chủ con “heo gạo”) và bà Hai Hậu cần Ty An Ninh (Công an) An giang. Bà Hai là chị ruột của ông Ba Tam, phó trưởng Ty An Ninh.

Hai bà nầy đến gặp ông chủ tịch Chín Thiệt tố cáo chúng tôi áp bức dân nghèo, ra lệnh tiêu huỷ heo thịt vô cớ! Tôi trình bày rành rọt, đây là con heo “gạo” mới phải tiêu huỷ, không ai điên rồ mà mang thịt lợn lành tiêu hủy, nhất là chúng tôi (Thuấn, Tư Hầu và chủ lò mổ) không ai có thâm thù gì với chị Lành. Nếu chúng tôi không “áp bức dân nghèo”, cứ để cho chị Lành mang “heo gạo” bán ra thị trường thì hãng hỏi sẽ gieo rắc bệnh tật nguy hiểm cho biết bao nhiêu người từ con heo gạo nầy? Rồi tiếp tục lây lan ra cả cộng đồng… Thế thì nhà nước trả lương chúng tôi bằng tiền thuế của dân để làm việc có ích cho dân, bằng nuôi báo cô à!

Ông Chín Thiệt hiểu cơ sự, nhưng “vì ông thần phải nể cây đa”, con mẹ Hai -Hậu cần  nầy là chị ruột của vị Phó trưởng ty An ninh, đáng nể lắm, không thể coi thường. Trong công việc còn có lúc “nhìn mặt nhau” chứ. Vậy nên Chín Thiệt đành nói lấy lòng: “Tất nhiên, về nguyên tắc, heo “gạo” thì phải huỷ, không được phép bán. Nhưng cô Lành nầy nghèo, nếu huỷ hết con heo thì tội cho cổ quá. Xem có cách chi gỡ gạc được không, chuyện chuyên môn tôi không biết…”. Tôi nói: “Tôi sẽ xem lại và trả lời trước 7 giờ 30…). Khi ra về, ông Chín Thiệt còn nhắc thêm: “Cố gắng nhe Thuấn, giúp được thì giúp.”

Tôi vội vã chạy lên Ty Nông nghiệp gặp anh Tư Hầu, báo lại sự việc, truyền đạt ý kiến của ông Chín Thiệt…. Anh Tư Hầu đăm chiêu hơi lâu, cuối cùng anh cho ý kiến: “Phần thịt thì không được rồi, phần mỡ thì lóc và được thắng mỡ tại lò heo với sự kiểm soát chặt chẽ mới được, vì mỡ phải thật sôi mới giết chết các ký sinh trùng sán sơ mít, sau đó phải vệ sinh thật kỹ các dụng cụ như dao, thớt và nền lò…” Tôi trở về báo cáo với ông Chín Thiệt cách làm như thế. Chị Lành và bà Hai vẫn ở đó. Cách làm được ‘ô kê’.

9 giờ tôi và anh Tư Hầu có mặt cùng chủ heo để thực hiện phương án. Cẩn thận, tôi mời thêm chú Tư Tranh, trưởng ấp Đông An đến chứng kiên và hỗ trợ việc lóc mỡ heo.

Nhưng, con heo “gạo” vừa được hạ xuống, thì số người do bà Lành thuê đã bâu vào vội vàng cắt xẽ thịt heo ra thành nhiều mãnh rồi ném ra ngoài bức tường của Lò heo. Ở ngoài đã có sẵn một số người đứng chờ, sẵn sàng chụp, nhặt lấy chạy đi tẩu tán… (Đó là “kịch bản” của bà Lành, chủ con heo mà chúng tôi hoàn toàn bất ngờ). Lúc ấy tôi, Tư Hầu và Tư Tranh bất lực, đành ra lệnh ngưng việc lóc mỡ lại tức thì, đồng thời cho đem chôn số thịt còn lại (tiêu huỷ). Chúng tôi nhờ anh em du kích Ấp khiêng số thịt  còn lại đến khu vực cho phép, đào lỗ, rắc vôi bột, thuốc sát trùng, chôn, lấp đất kín lại. Mọi người cùng ký vào Biên bản rồi ra về.

9 giờ 30 lại thấy ông Chủ tịch Chín Thiệt điện thoại kêu qua nữa. Đến nơi được biết, hai bà đã thưa lên chủ tịch là chúng tôi (những cán bộ thị trường) khi chôn con heo đã lợi dụng lấy bớt đi một phần, đề nghị khai quật hố chôn để kiểm tra!... Bị vu oan nhưng chúng tôi đành chấp nhận để làm rõ sự việc. Đầu giờ chiều, 1 giờ 30, đích thân ông Chín Thiệt đến hiện trường chứng kiến cùng anh em chúng tôi và chủ heo…

Khi đào lên, bới hết đất ra, ở độ sâu bốn, năm mươi phân, con heo gạo chỉ còn lại… 2 cái giò, một bên sườn, còn tất cả đã không cánh mà bay! Tôi và anh Tư Hầu bấm tay nhau, hiểu rằng “mình đã thua” hai con mẹ nầy rồi… Biên bản được lập, ông Chín Thiệt lên xe Honda ra về còn nói nhỏ ra điều thông cảm:  “Sơ ý có 1 tí mà hậu quả như thế đấy, Thuấn ạ !”

Trước khi lui gót, tôi bật ra ý nghĩ, ‘khều’ chú Tư Tranh, trưởng ấp, nói nhỏ: cái đám làm heo nầy chú biết hết chúng nó chứ? Chú gật đầu. – “Chú theo dõi xem số thịt heo hồi sáng tụi nó chuyển đi đâu? - Ừ ! tao hiểu rồi, việc nầy tao lo.

Buổi chiều làm việc ở cơ quan, lòng dạ không yên, đang ăn cơm chiều (thuở ấy ăn ở tại cơ quan cả), chú Tư Tranh đi xe Honda đến, vui mừng, móc ra 1 cục thịt luộc bọc trong tờ báo bảo: “Tao bắt được tại trận, chúng nó đang ngồi nhậu tại nhà, hết chối cãi, tao cũng đã lập biên bản bắt ký tên cả rồi. Nhìn miếng thịt luộc đầy gạo tôi rởn gáy, sao họ có thể xem thường sinh mạng đến thế !

Sự việc sáng sớm hôm sau, tôi báo cáo với ông Chín Thiệt, kèm theo Biên bản và số thịt luộc…. Ông Chín Thiệt cũng thở phào, ngay chiều hôm đó, ông cho mời các đương sự đến làm việc tại Văn phòng Ấp Đông An, ông sạc bà Lành, bà Hai một trận ra trò. Sau nầy được biết, bà Hai biết bị bà Lành lợi dụng nên từ đấy cũng nghỉ chơi luôn.

Thời gian như bóng câu, mới đó mà đã hơn 40 năm, lúc ấy, đứa con gái chưa ra đời, nay nó đã là thiếu phụ, đứa cháu ngoại đã học lớp 8.

Sau bốn mươi năm vật đổi sao dời, những vụ việc như “con lợn gạo” năm ấy, bây giờ chỉ là… cái đinh!



Sáng 14/9/2015, tình cờ tôi xem VTV1 có bản tin: tỉnh Quãng Bình hiện có trên 600 điểm giết mổ heo lậu… Phóng viên thâm nhập vào 1 cơ sở tại huyện Bố Trạch trong lúc đang mổ heo, hỏi: “Heo nầy sau khi mổ xong có được cán bộ kiểm dịch đến kiểm dịch hay không?” – “Không, nhưng khi số thịt heo nầy chuyển đến các kệ (sạp) trong chợ huyện, thì cán bộ đến lăn dấu…là xong! Việc mua bán cứ diễn ra bình thường…”. Cô phóng viên đến chợ, mấy mươi kệ thịt heo đang mua bán nhộn nhịp, gặp cô cán bộ kiểm dịch hỏi: “Tại sao không kiểm dịch tại nơi giết mổ,  mà kiểm dịch tại kệ thịt ?” Cán bộ kiểm dịch trả lời: “Trong huyện có đến trên 10 chợ, làm thế nầy còn chả kịp nữa là…”. Cô kiểm dịch lấy con dấu trong cặp ra lăn lấy, lăn để không cần nhìn các miếng thịt heo nầy ra sao ? Sau đó cô thu tiền lăn dấu ..... Vội vả đi ngay ...

Hệ thống truyền thông trong nước, cứ vài hôm lại thấy bản tin, đại thể: bắt được 1 cơ sở giết mổ lậu heo, bò…. Bơm đầy nước vào con vật rồi mới mần thịt, mục đích của việc làm nầy là làm tăng trọng lượng miếng thịt…. người mua phải chịu….có nơi bơm cả nước bẩn (nước ống cống) nữa! Nói thật hầu hết các lò giết mỗ heo trên toàn quốc họ đều bơm nước cả đấy. Xem tivi nhìn cảnh 1 phiên chợ nhỏ ở Từ Liêm – Hà Nội chuyên mua bán thịt ôi, thịt thối ….giá vài ba mươi nghìn đồng 1 kg, hoạt động công khai, nghĩ mà rùng mình. Gần nhất là các trang trại nuôi heo lớn cho heo ăn thức ăn tạo ra loại heo siêu nạc, thức ăn nầy chứa độc tố gấp 600 lần cho phép.

Như vậy, cán bộ kiểm dịch đến chợ, móc con lăn ra… lăn thật nhanh, thu tiền kiểm dịch rồi đi đến điểm khác, còn thịt heo có bệnh hay không, có ô nhiễm hay không, đó là việc của những người mua, người bán với nhau… Sực nhớ ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục VSATTP, khi phát hiện lượng thuốc trừ sâu trong các loại trái cây của Trung quốc  đang bán tại Việt Nam quá mức cho phép.... Ông ta bảo : "Không sao cả , cứ ăn không chết đâu mà lo !"

Hết ý kiến .

Những ngày đầu giải phóng, chúng tôi chưa biết gì, các nền nếp quản lý hành chính  của chánh quyền cũ chúng tôi nương theo đó mà làm.... Nay suy nghĩ : thời ấy họ làm tốt đấy chứ ?

Người tiêu dùng bảo nhau:

Không ăn là chết đứ đừ
Mua về ăn, chết từ từ vẫn hơn!”.


15/9/2015 TRỊNH KIM THUẤN .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog