PNTB: Mình không được biết đến cái bản dự thảo này nhưng thấy Như Thổ nói vậy thì khó tin quá. Quả thật nếu thế, những người làm giáo dục bây giờ dù có dốt đặc cán mai táu cũng không đến nỗi làm vậy nếu không 'điếc đặc' trước dư luận xã hội. Họ cố tình làm ra những sản phẩm giáo dục 'phản giáo dục' đến thế là cùng! Họ đang ở cung giăng?
Chẳng lẽ những người soạn thảo ra chương trình này không hiểu biết gì về ý nghĩa của việc dạy và học lịch sử? Không ! Họ biết rất rành đấy chứ, nhưng họ phải làm thế vì có chỉ đạo và áp lực...... Gót Phiêu Du .
Gần đây dư luận lại xôn xao về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được công bố để lấy ý kiến nhân dân.
Tôi đã tò mò đọc bởi đinh ninh rằng, dự án này sẽ rút kinh nghiệm được những gì mà ngành giáo dục đã loay hoay trong mấy chục năm chưa tìm được lối thoát.
Nhưng khi đọc xong thì tôi hoàn toàn thất vọng và không thể hiểu nổi tư duy của những người biên soạn ra dự thảo này (mặc dù họ có nói rằng, tham khảo sách giáo khoa và cách giáo dục của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới).
Nếu nói dự thảo này là một dự thảo “phản giáo dục” cũng hơi quá, nhưng có lẽ họ “phản giáo dục” thật khi gạt Lịch sử ra khỏi chương trình giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và trung học) và biến môn học cơ bản này thành môn tự chọn. Và thậm chí còn ghi rõ ràng: “Nếu chọn môn Khoa học Xã hội thì không chọn các môn Lịch sử, Địa lý…”.
Tôi cam đoan là những người tham gia soạn thảo ra chương trình này, khi đăng đàn ở đâu đó để nói về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, họ sẽ nói cực hay và chắc họ cũng sẽ không quên trích dẫn câu “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” của Bác Hồ.
Họ cũng sẽ xoen xoét nói rằng, phải dạy trẻ con biết lễ phép, biết nghe lời, chăm học, biết giúp cha mẹ, biết thương yêu đồng bào…
Ấy vậy mà, việc họ đang muốn làm tiêu biến một môn học mà từ xưa được coi là quan trọng và là môn cốt lõi bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc nâng cao tinh thần yêu nước và góp phần hình thành nhân cách của mỗi con người.
Hình như những người này đã mang nặng “tư duy tiền”. Nghĩa là những môn học nào có thể giúp học sinh “kiếm tiền” được thì đưa vào chương trình học bắt buộc, còn những môn học nào chưa chắc có thể giúp học sinh “kiếm cơm” được thì coi nhẹ, thậm chí gạt bỏ.
Điều gì sẽ xảy ra, nếu như các thế hệ người Việt tới đây không biết gì về lịch sử nước nhà, hoặc nếu biết thì cũng chỉ biết lơ mơ, đại khái. Và rồi suốt ngày nhặt nhạnh các thông tin về lịch sử đã bị xuyên tạc trên các trang mạng, sách báo phản động. Và câu chuyện thuộc sử nước ngoài nhưng sử ta thì không biết, không hay cũng sẽ còn được nói dài dài.
Đây quả là điều không thể hiểu nổi.
Chẳng lẽ những người soạn thảo ra chương trình này không hiểu biết gì về ý nghĩa của việc dạy và học lịch sử?
Chẳng lẽ họ không biết rằng, giáo dục lịch sử là giáo dục về văn hóa, truyền thống, lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Dạy lịch sử còn là dạy làm Người, dạy giữ gìn phẩm giá, nhân cách cho con người; đồng thời và góp phần quan trọng vào việc nâng cao “phông” văn hóa cho học sinh. Học lịch sử còn là để biết giá trị của ngày hôm nay và từ đó biết ý nghĩa của câu “uống nước nhớ nguồn”.
Không biết làm toán… thì có lẽ chỉ khó khăn chút chút khi… cộng trừ tiền lương. Còn không biết lịch sử thì… điều gì xảy ra, khi con cái không biết cha mẹ, ông bà mình ai? Không biết quá khứ của gia đình, địa phương và cả của Quốc gia.
Nếu như không dạy lịch sử một cách tử tế thì chưa biết chừng, đến một lúc nào đó, chính thế hệ được dạy bằng chương trình này sẽ quay lưng lại với cha ông. Bởi lẽ các thế lực thù địch, muốn xóa đi một nề văn hóa, thì điều đầu tiên phải làm là xóa đi lịch sử. “Nếu anh bắn quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác” - câu nói này của Nhà văn Xôviết Rasul Gamzatop cho đến nay vẫn nguyên giá trị - Nếu không trân trọng và thấu hiểu quá khứ, tương lai sẽ đối xử với anh còn tệ bạc hơn.
Rồi nữa, họ lại còn vẽ ra chương trình giáo dục âm nhạc cho học sinh với mục tiêu, yêu cầu như thế này: “Giai đoạn giáo dục cơ bản: Học sinh được trải nghiệm, khám phá thể hiện bản thân mình trong môi trường âm nhạc, thông qua các hoạt động: ca hát, nghe nhạc, vận động, nhảy múa, chơi nhạc cụ, tập đọc nhạc, trình diễn, sáng tạo âm nhạc. Học sinh nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc, mối liên hệ giữ âm nhạc với văn hóa, lịch sử và các loại nghệ thuật, học sinh nghe có ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống”.
Giời ơi là giời!
Tôi cam đoan rằng, không một nhà trường nào ở Việt Nam hiện nay có thể dạy được cho học sinh biết ký xướng âm một bài hát đơn giản, chứ đừng nói là có đủ giáo viên dạy được theo tiêu chí trên (tất nhiên là trừ một số nhạc viện và các trường năng khiếu nghệ thuật).
Đúng là một cách “vẽ” ra, đọc cho vui, điều đó thấy rằng, chúng ta giáo dục con trẻ rất “toàn diện”, mà không biết liệu có làm được hay không?
Thật là kỳ quặc khi đến bây giờ họ vẫn ôm đồm, vẫn muốn áp đặt học sinh cái gì cũng phải biết, thế mới là “toàn diện”.
Chính cách soạn chương trình giáo dục như hiện nay đã làm nảy sinh ra các thế hệ người Việt “có chữ” nhưng “ít văn hóa”. Và chỉ riêng những người có trách nhiệm soạn thảo chương trình này, không đưa lịch sử vào chương trình học bắt buộc, cũng là những người… khó có thể gọi là… có văn hóa!
Chúng tôi khẩn thiết mong các vị lãnh đạo của ngành giáo dục hãy xem xét một cách cực kỳ cẩn trọng dự thảo này, đặc biệt hãy lắng nghe dư luận cũng như những ý kiến phản biện.
Lê-nin từng dạy rằng: “Muốn đạt được mục tiêu lớn, thì phải bắt đầu từ mục tiêu nhỏ”.
Vì thế, ngành giáo dục đừng nên tham lam, ôm đồm và cố nhồi nhét vào đầu học trò đủ mọi thứ kiến thức. Đối với con trẻ, phải làm thế nào có một chương trình giáo dục, mà chúng thấy vui khi đến trường, không phải lo ngày lo đêm đi học thêm, không phải cõng cái balô nặng gập lưng…
Theo tôi, chương trình giáo dục mới nên tách hẳn ra hai giai đoạn giáo dục:
Giai đoạn thứ nhất là ở chương trình tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5.
Giai đoạn này chỉ nên tập trung giáo dục kỹ năng sống và dạy cho học sinh theo 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng. Về kiến thức, không cần nhồi nhét, chỉ cần con trẻ biết viết chữ và đọc đúng chính tả, cộng trừ nhân chia trong phạm vi 100, biết hát biết múa, thậm chí có thể biết ký xướng âm một bản nhạc rất đơn giản thế là đủ.
Giai đoạn thứ hai là giáo dục các kiến thức tự nhiên, xã hội. Lúc này, kiến thức học có thể nâng cao, bởi lúc này, nhân cách, cá tính của các em đã hình thành, việc học có “căng” hơn về kiến thức cũng còn dễ chấp nhận.
Nhưng chương trình muốn đổi mới kiểu gì và dạy gì thì dạy, học gì thì học, nhưng nếu không dạy cho con người ta biết “uống nước nhớ nguồn” thì đó là cái họa lâu dài và thậm chí là cái họa mất gốc.
Tôi thành thật xin lỗi những người đã soạn thảo chương trình này khi đã gọi dự thảo này là “phản giáo dục” nhưng tôi cũng thấy khó dùng từ nào hơn từ này.
Như Thổ/Ptrotimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét