Suy nghĩ hoài chẳng biết đặt tựa đề gì cho cái note này, tôi đành phải mượn tựa đề của một cuốn sách của tác giả Trần Dân Tiên. Nhưng các bạn yên tâm, tôi chẳng có gì để nói về tôi; tôi chỉ muốn chia sẻ cùng các bạn những cảm nhận và suy nghĩ trong chuyến công tác ở trong nước. Nhớ đến đâu viết đến đấy. Trong thời gian trên dưới 2 tuần qua, tôi đã đi qua Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, và Bà Rịa - Vũng Tàu. Mỗi nơi đi qua đều để lại vài kỉ niệm vui buồn ...
Văn hoá khoa học
Trên chuyến bay từ Sydney về Sài Gòn (SGN) tôi đọc được những tranh luận chung quanh dự án lấn sông Đồng Nai trên Thanh Niên (xem hình). Người ta phát hiện báo cáo khoa học của GS TS Nguyễn Văn Phước là cắt d án từ báo cáo khác. Khi được hỏi bình luận về việc đạo văn này, ông Phước nổi nóng nói là "tầm bậy", vì báo cáo nào cũng giống nhau cả, do "các ĐTM đều thực hiện theo mẫu Thông tư 26/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn". Ông Phước còn tố ngược lại là những người chất vấn dự án là những kẻ phá hoại!
Thế là các vị liên quan phê phán thái độ hằn học của ông GSTS, và cho rằng ông hành xử thiếu văn hoá khoa học. Tôi nghĩ, không biết có đúng không, rằng đây là lần đầu tiên báo chí đại chúng nhắc đến cụm từ "văn hoá khoa học". Đây là chủ đề tôi nêu lên trên tạp chí Tia Sáng khá lâu, nhưng ít ai nhắc đến sau đó, tưởng là người ta quên hay chẳng cần đến văn hoá khoa học. Nay thấy báo chí nhắc đến, tôi thấy vui trong lòng, vì ít ra những gì mình nói hay viết cũng có tác động đến công chúng. Tôi tìm bài báo cũ thì không thấy, mà chỉ thấy một trang web khác đăng lại theo địa chỉ dưới:
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-hoc-ung-dung/van-hoa-giao-duc-khoa-hoc/2094-nguyen-van-tuan-van-hoa-khoa-hoc.html
Đà Nẵng "thay da đổi thịt"
Năm nay, chương trình tập huấn phân tích dữ liệu giáo dục đựợc thực hiện ở Đà Nẵng. Chương trình dài đến 5 ngày, làm việc từ sáng đến chiều. Đây là lần thứ 4 tôi đến Đà Nẵng trong vòng 4 năm qua. Lần nào đến đây cũng thấy Đà Nẵng "thay da đổi thịt" theo chiều hướng có vẻ tốt hơn. Tôi hay đi taxi, và hay nói chuyện với cánh tài xế để lắng nghe ý kiến, nhận định của họ. Người Đà Nẵng quả thật rất tự hào về sự phồn vinh của thành phố. Quả thật, theo World Bank, thì Đà Nẵng là nơi có tỉ lệ nghèo chỉ 1.5%, tức là thấp nhất nước. Do đó, không ngạc nhiên thấy ánh mắt của người Đà Nẵng vừa hài lòng vừa tự tin.
Lần này đến Đà Nẵng tôi có dịp gặp hai người quen trên fb. Một người là thầy giáo, và qua anh ấy, tôi quen một anh thầy giáo khác. Một người khác là một giảng viên trẻ (tạm gọi là T) hiện đang làm việc ở Anh, nhưng em ấy là dân gốc Hội An, xuất thân từ một gia đình có học từ trước 1975. Còn một người khác vốn là người thân ở SGN mà tôi chưa có dịp gặp. Ở Đà Nẵng có 5 ngày, nhưng chiều nào sau giờ làm việc tôi cũng có một người bạn chở đi chơi, và đi ... nhậu. Vì không biết đường đi nước bước, nên tôi phải hỏi các bạn trên fb quán nào ngon. Chỉ vài phút sau, các bạn ấy đưa cả một danh sách dài. Đầu tiên anh bạn Quảng Nam đánh xe xuống Đà Nẵng đi cà phê, cà pháo, và tìm quán nhậu mà tôi đã có một danh sách. Anh bạn tôi thán phục sao tôi rành thế! (Thật ra, tôi có rành gì đâu, chỉ lấy danh sách các bạn fb mách cho). Ở Đà Nẵng người ta có món bê thui rất phổ biến, và cũng rất ngon. Một hôm, chẳng biết do bia hay do gì, mà chỉ mới uống 2 lon bia Đà Nẵng làm tôi ... nôn ói. Thật là một kinh nghiệm rất khó chịu, làm tôi khó ngồi lại với hai anh bạn thầy giáo mới quen. Tôi ngại quá, nhưng đành phải kíu về sớm.
Hai hôm sau thì em T bay từ SGN bay đến Đà Nẵng để làm việc tại một đại học ở đây. T chở tôi đi Hội An, và chúng tôi có một buổi tối rất thú vị. Có "thổ địa" dẫn đường, nên bây giờ biết quán ăn nào ngon (mà rẻ), và biết quán cà phê nào xứng đáng để tiêu thì giờ. Tuy là lần đầu tiên gặp nhau, nhưng T và tôi rất tâm đắc về các vấn đề khoa học và quản lí khoa học ở VN. Chúng tôi đồng ý là tình trạng khoa học ở VN còn kém, hệ thống duyệt tài trợ còn có quá nhiều bất cập, nhưng với thời gian sẽ có thay đổi tích cực hơn. Hiện nay, đã có vài đại học tuy rất trẻ như Duy Tân và Tôn Đức Thắng đã có những cải cách mạnh và năng suất khoa học của họ đã tăng trưởng khá nhanh. Hiện nay, hai đại học này đã đứng trong top 20 đại học có công bố quốc tế nhiều nhất ở VN. Nhưng còn rất nhiều trường chưa chịu làm theo mô hình 2 trường này, nên tình hình cải cách sẽ chậm.
Đà Nẵng và Huế: hai thế giới
Xong chương trình huấn luyện ở Đà Nẵng, tôi phải đi dự một hội nghị quan trọng ngành loãng xương. Thật ra, tôi là một trong 2 người soạn chương trình khoa học cho hội nghị này, nên tôi cũng có vai trò quyết định. Hội nghị lần này đề ra giá trị tham chiếu cho việc chẩn đoán loãng xương ở người Việt. Giá trị này đã được nhóm nghiên cứu của tôi ở SGN và Hà Nội công bố trước đây, và nay là lúc đưa vào ứng dụng lâm sàng. Tôi rất hào hứng với hội nghị này. Hội nghị thu hút hơn 400 bác sĩ từ mọi miền đất nước. Tôi giảng 3 bài trong hội nghị và còn được ... tiền. :-) Tiền không nhiều, nhưng thừa đủ để cà phê cà pháo.
Tôi đi xe từ Đà Nẵng ra Huế. Xe đi được một đoạn tôi chú ý thấy đường xá rất tồi, dân chúng có vẻ lam lũ, xe gắn máy nhiều hơn xe auto, tôi ngạc nhiên hỏi anh tài xế: Mình đang ở khu thuộc Đà Nẵng hả cháu? Anh tài xế nói: không, mình đang ở địa phận của Huế, chú à. Tôi kinh ngạc thốt lên như mặc định: sao khác nhau như hai thế giới thế? Mà, quả thật là rất khác nhau. Một bên là văn minh, hiện đại, tươm tất; một bên là nghèo nàn, lạc hậu, bầy hầy. Một bên là đường xá rất tốt, một bên là đường xá dơ bẩn, xuống cấp nghiêm trọng.
Đến thành phố Huế, tình hình còn tệ hơn nữa. Cũng là khách sạn 5 sao, nhưng Đà nẵng là chuẩn quốc tế, y chang như hay hơn cả Úc, còn ở Huế thì khách sạn 5 sao theo chuẩn của Lào. Đến nỗi họ dùng giấy đi cầu làm giấy tissue trong phòng! Thật là bôi bác! Nhìn chung, đi từ Đà Nẵng sang Huế cứ như là đi từ developed country sang developing country, giống như đi từ Thái Lan sang Lào.
Khách sạn 5 sao mà dùng giấy đi cầu làm giấy tissue. Bôi bác không chịu được!
Khách sạn 5 sao (Huế) mà không có cái móc treo khăn tắm!
Trái cây ăn sáng ở một khách sạn 5 sao tại Huế
Chỉ cách nhau cái biên giới tỉnh mà Đà Nẵng và Huế như hai đất nước trong một đất nước. Tất cả sự khác biệt chỉ do một nhân tố: người lãnh đạo. ĐN có Nguyễn Bá Thanh làm được việc, còn Huế tuy có nhiều "anh hùng" nhưng không làm được việc. Tôi hay trò chuyện với tài xế taxi vì tôi nghĩ họ là nhiệt kế thời sự. Phải nói rằng cánh tài xế taxi rõ ràng là kính trọng Bá Thanh. Họ nói tất cả những thay đổi ở ĐN là xảy ra dưới thời Bá Thanh. Cũng có người không ưa ông ấy, nhưng họ vẫn công nhận ông ấy đã làm "thay da đổi thịt" ĐN, nếu không có Bá Thanh thì nay ĐN chắc cũng xập xệ như Huế thôi.
Đúng là số phận người dân có khi được quyết định bởi biên giới. Và, rõ nét nhất là Đà Nẵng và Huế. Anh tài xế, trước khi chia tay tôi, nói một câu mà tôi thấy rất dễ đồng ý: Huế thừa hưởng di sản tổ tiên mà họ không biết khai thác tốt, nên họ nghèo. Tôi nghĩ nhận xét của anh tài xế cũng có thể áp dụng cho cả nước.
Du lịch Huế: vài hạt sạn
Sau khi xong hội nghị, chúng tôi được một công ti dược là bạn tôi (Bridge Healthcare) tài trợ cho đi thuyền và nghe nhạc trên sông Hương. Đây là lần thứ hai tôi đi du ngoạn trên sông Hương, nhưng cũng như lần trước, vẫn thấy vài "hạt sạn" có thể giải thích tại sao du lịch Huế khó thu hút khách.
Đoàn chúng tôi gồm trên dưới 30 người, kể cả vợ chồng một giáo sư người Úc, lên một chiếc thuyền khá rộng. Chiếc thuyền nói chung là sạch sẽ, nhưng có lẽ vì đi sông nên được thiết kế sơ sài và ... thiếu an toàn cho khách. Ông bạn người Úc thấy tôi ngồi sát mé thuyền nói đùa là coi chừng rớt xuống sông là toi mạng đó (vì không có phao). Tôi nói chắc là sông cạn thôi và tôi thì biết bơi nên khó có thể bỏ mạng ở đây được. Ngồi một lúc, tôi phát hiện ra mùi ... nước đái! Nhưng vì đông quá nên tôi đành chịu trận chứ biết dời đi đâu. Nhưng cái mùi nước đái đó theo đuổi tôi và các khách gần đó suốt chuyến du ngoạn.
Ban nhạc gồm khoảng chục người, do một cô MC kiêm ca sĩ rất xinh và "rất Huế" dẫn đầu. Cô nói vắn tắt về loại nhạc mà ngày xưa chỉ dành cho vua chúa nhưng nay thì dành cho du khách. Sau đó ban nhạc chơi những bài quen thuộc. Trình độ chơi nhạc cũng bình thường, nhưng cũng đem lại những giây phút thoải mái sau một ngày làm việc nhọc nhằn.
Theo "luật chơi", khách mua hoa, rồi dùng hoa đó để tặng cho ca sĩ hay nhạc công nào mà mình thích. Tôi cũng mua hoa, nhưng phân vân chẳng biết tặng ai. Cái nàng MC rất Huế và rất xinh kia là tâm điểm của nhiều bó hoa, nên tôi thấy cô ấy không cần thêm hoa nữa. Cuối cùng thì tôi tặng hoa cho cái nàng chơi đàn tranh, dù không xinh nhưng cũng rất Huế (dịu dàng, ăn nói nhẹ nhàng).
Thoạt đầu tôi tưởng thuyền sẽ chạy ra xa về hướng thượng nguồn của sông, nhưng hoá ra thuyền chỉ ra giữa sông rồi neo ở đó và chơi nhạc. Khoảng 1 giờ thì lại vào bờ. Trong cái thời tiết oi bức của mùa hè, không có gió, mà phải chịu trận 1 giờ như thế thì phải nói là một kinh nghiệm chẳng có gì thoải mái, nếu không muốn nói là một cực hình. Đã thế mà còn bị cái mùi nước tiểu tra tấn thì buổi ca nhạc chẳng có ý nghĩa gì cả. Đến khi lên bờ mấy người ngồi bên kia thuyền cũng phàn nàn cái mùi nước đái và nói đùa rằng nghe nhã nhạc trong cái không gian thum thủm đó rất ư là lạ lùng.
Đến khi lên bờ thì bị đội xe xích lô chèo kéo gần như là khủng bố. Quả thật, tôi nói không quá đâu, vì họ cứ dai dẵng theo chúng tôi nài nỉ đi xích lô. Tôi không phải là típ người có thể ngồi trên xe như thế để người khác cực nhọc đạp cho mình đi ngắm cảnh. Do đó, dù muốn giúp họ, nhưng tôi đành bó tay. Ấy thế mà hết người này đến người khác cứ chèo kéo chúng tôi đi xe họ. Cái giọng Huế dễ thương đó mà chèo kéo một hồi rất dễ làm du khách khó chịu, và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Tôi chợt nhớ đến và so sánh với xích lô Hội An, nơi mà đoàn xích lô được tổ chức bài bản, người hành nghề mặc đồng phục, và tuyệt đối chẳng có khủng bố khách. Chỉ cách nhau độ 3 giờ xe mà phong cách phục vụ và làm du lịch quá khác nhau. Tôi nghĩ đó là lí do tại sao Hội An và Đà Nẵng chiếm lòng du khách, còn Huế thì chỉ là nơi "đi một lần cho biết".
Còn taxi Huế cũng là chuyện đáng nói. Một người bạn đòi tìm chỗ ăn mì, nên anh tìm taxi đi. Hỏi 2 chiếc taxi liền, không ai biết quán mì! Có taxi nghĩ là ... mì gói. Hahaha. Có chiếc taxi kia trờ tới, anh hỏi quán mì nước nữa, nhưng tài xế đề nghị ăn bún bò huế. Anh bạn tôi có vẻ sành điệu phán một câu rất đụng chạm: bún bò huế ở đây dở lắm, bây giờ tôi chỉ tìm quán ăn mì thôi. Anh tài xế dĩ nhiên là không vui, nên cho chúng tôi chờ tiếp. Đến chiếc taxi thứ tư, vẫn không biết quán nào bán mì! Anh bạn Sài Gòn của tôi ngao ngán chép miệng nói với tôi: thôi, mình đi nhậu bia ông à.
Ngồi bên bờ sông Hương thơ mộng nhâm nhi li bia, tôi thấy cũng hay lắm. Huế mà không có con sông này thì không còn là Huế nữa. Nhưng nhìn kĩ sông một chút, tôi thấy rác trôi lềnh bềnh, và tôi chợt sợ đến ngày con sông này -- như bao con sông khác -- đang sắp chết.
Workshop phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội
Một trong những công việc quan trọng trong chuyến đi này là giảng trong lớp "Phương pháp nghiên cứu dành cho khối khoa học xã hội". Do đó, sau hội nghị ở Huế là tôi bay vào Sài Gòn. Với tôi, về SG giống như cá về với nước. Bạn bè nhiều, chuyện hàn huyên cũng nhiều, thời gian gần như không đủ. Nhưng chuyện bè bạn chỉ là bên lề, chuyện quan trọng là phải làm tròn nhiệm vụ của mình trong vai trò chuyển giao kiến thức và kĩ năng.
Đây là lần thứ hai sau vài năm tôi có dịp quay lại giảng về phương pháp định lượng trong nghiên cứu khoa học xã hội. Workshop lần này có hơn 100 bạn từ 11 tỉnh thành về tham dự. Phần đông là từ các tỉnh thành ngoài Bắc. Điều làm tôi cảm động là có nhiều bạn bỏ tiền túi đến dự suốt 6 ngày trời. Hi vọng rằng tôi không làm các bạn thất vọng, và những gì tôi truyền đạt xứng đáng với thời gian các bạn bỏ ra.
Cái workshop này hào hứng và vui hơn các workshop trước đây. Rất nhiều câu hỏi thiết thực, câu hỏi hay đã được hỏi. Có những câu hỏi mà chúng ta đã bàn khá nhiều trước đây về cách tìm bài báo và làm sao nhận ra ai là "good authors", phân biệt tập san dỏm và thật, những hình thức nghiên cứu, cách lấy mẫu, cách trình bày thông tin trong đề cương nghiên cứu, v.v. Qua những trao đổi như thế tôi thấy nhiều bạn đã có thêm kĩ năng đánh giá khoa học.
Ngoài ra, còn có những câu hỏi bên lề về văn hoá khoa học ở Việt Nam. Tôi chỉ có thể bình luận theo những gì mình hiểu và biết, nhưng cũng giúp nhiều cho các bạn ấy hiểu hơn về luật chơi khoa học.
Tôi hơi ngạc nhiên là các bạn trong lớp này rất khá tiếng Anh. Tôi giao một số bài báo khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội cho các bạn ấy đọc, nắm lấy data chính, và báo cáo cho cả lớp nghe. Đây là những bài không dễ "nuốt", vì ý tưởng và phương pháp hơi khó. Nhưng các bạn ấy làm rất tốt, nắm được ý chính, và liên đới đến tình hình và tính khả thi ở Việt Nam. Phải nói là sinh viên mình rất có tiềm năng và học nhanh, chỉ có điều các em ấy không có người hướng dẫn tốt, nên vẫn phải "bơi" trong thế giới khoa học.
Tôi nghĩ qua workshop này các bạn tham dự đã không còn cái suy nghĩ cho rằng KHXH là một lĩnh vực nhạy cảm và khó công bố ở VN. Ngược lại, VN có rất nhiều chủ đề nghiên cứu mà chẳng có gì nhạy cảm. (Hai chữ "nhạy cảm" ở đây thường được hiểu là liên quan đến chính trị). Thật vậy, nhiều vấn đề xã hội và cuộc sống cùng những biến chuyển theo thời gian là những chất liệu rất tốt cho KHXH. Dĩ nhiên, các đề tài liên quan đến giáo dục, y tế, kinh tế, v.v cũng là những đề tài rất lí tưởng cho nghiên cứu khoa học. Nhưng trong thực tế KHXH ở VN rất kém, và công bố quốc tế càng kém hơn.
Vấn đề là các nhà KHXH VN chưa nắm vững các phương pháp định lượng. Nhiều người được đào tạo ở các nước như Nga và Đông Âu cũ không cập nhật được với các phương pháp hiện đại, nên họ lúng túng trước các nghiên cứu mới. Nhiều người chỉ biết đến phần trăm, và không muốn biết gì thêm! Nhưng nếu ai trình bày cách tiếp cận mới thì họ không chấp nhận! Thật là hẹp hòi.
Một lí do khác là tiếng Anh. Như trong các lĩnh vực khác, nhiều nhà KHXH không am hiểu tiếng Anh, nên họ khó có thể viết một bài báo khoa học hoàn chỉnh. Thế là nhắc đến công bố quốc tế là họ trở nên khó chịu, tìm lí do để né tránh.
Workshop này cố gắng trang bị kĩ năng trên và phương pháp cho các bạn làm trong ngành KHXH. Nhưng điều đáng nói là đại đa số học viên tham dự là người trẻ tuổi. Điều này cũng tốt vì thế hệ kế tiếp sẽ "competent" hơn hiện nay. Nhưng cũng có vấn đề vì những người "giữ đền" khoa học không am hiểu phương pháp lại không tham gia. Điều đó sẽ dẫn đến hệ quả là khi các bạn làm theo phương pháp "mới" (và chuẩn) sẽ bị các vị giữ đền làm khó.
Sau workshop này, nhiều người đã ngộ ra nhiều điều và đòi hỏi thêm. Hi vọng cuối năm nay sẽ quay lại với một đề tài tiếp nối và "nâng cao". Tôi chưa biết chừng nào sẽ có một workshop khác vì thời gian eo hẹp quá và công việc khác đang níu kéo. Nếu tôi ở VN toàn thời gian thì dễ, còn đằng này ở xa và lâu lâu mới về một lần nên rất khó.
Tôi định sẽ thực hiện một lớp chuyên đề về bioinformatics vì đây là lĩnh vực VN rất rất cần để hội nhập quốc tế. Thật ra, đây là lĩnh vực mới, đòi hỏi chuyên môn về y sinh, thống kê và khoa học máy tính. Dự định lớp học 10 ngày, nhưng một mình tôi giảng không nổi suốt 10 ngày nên cần hỗ trợ từ các bạn. Tôi đang tuyển giảng viên am hiểu hay đang làm về bioinformatics, và đã có danh sách vài bạn nhưng chưa biết có về VN vào cuối tháng 12 hay không. Bạn nào ok trong thời gian đó nhớ cho tôi hay nhé.
Đi Bà Rịa
Đáng lí ra xong lớp học tôi bay về Sydney, nhưng chẳng hiểu sao VNA không có chuyến bay ngày Chủ Nhật, nên phải thừa cơ hội đi ngao du ở Bà Rịa. Xong lớp học đã 5 giờ chiều, phải đi một mạch, rồi ăn uống dọc đường, mãi đến 11 giờ đêm mới tới khách sạn "The Grand" ở Hồ Tràm. Chỉ mới trải nghiệm một buổi sáng mà chẳng hiểu sao tôi tự thấy mình có vẻ quá ... tâm tư. Thôi thì tôi sẽ viết theo kiểu "vừa đi đường vừa kể chuyện" cho các bạn đọc giải trí.
Trên đường từ Sài Gòn ra đây (Hồ Tràm ở Bà Rịa) mới thấy một góc về nền kinh tế miền Nam. Dọc đường là xe tải chạy liên hồi. Bên kia đường là cả mấy trăm chiếc xe tải đang xếp hàng vào thành phố hay bị kẹt xe, phải đến cả 5 km! Những chiếc xe tải dài và rất bự như ở nước ngoài, với đủ thứ hiệu quen thuộc của các hãng xe bên Mĩ và Âu châu. Nhưng phần lớn các chiếc xe này có vẻ cũ kĩ hay thuộc loại "second hand", hay mới nhưng đã ngã màu "phong sương". Tôi đoán trên xe tải là những hàng hoá chở đi bến cảng để lên đường xuất khẩu.
Những chiếc xa tải đó chính là một bộ mặt kinh tế, là một cỗ máy (có thể là chính?) của kinh tế của VN. Tôi chợt liên tưởng kiểu miên man rằng những chiếc xe tải bị kẹt xe đó giống nền kinh tế VN đang bị kẹt. Đáng lẽ với tính cần cù lao động và [một phần nào đó] sáng tạo của người Việt, nền kinh tế này sẽ còn phát triển hơn nữa, chứ không phải ì ạch như hiện nay. Cái lực cản, theo như một chuyên gia kinh tế có uy tín nhận xét, lại chính là doanh nghiệp Nhà nước. Vị chuyên gia này nói "Doanh nghiệp Nhà nước là nguồn gốc phát sinh méo mó thị trường, rào cản đối với cải cách và phát triển kinh tế quốc gia" (1). Nói ví von, cái "lực lượng" doanh nghiệp nhà nước này nó làm cho nền kinh tế VN bị kẹt đường?
Đến Vũng Tàu đã gần 8 giờ tối, thấy xe cộ ngợp đường. Nhìn biển số xe thì thấy rất nhiều số 51. Tôi đoán có lẽ do ngày Thứ Bảy nên người từ Sài Gòn ra đây để nghỉ ngày cuối tuần. Loay hoay tìm đến một quán nổi tiếng (hình như tên là Gành Hào) để ăn gì lót bụng, thì bảo vệ ngoài quán ra dấu nói hết bàn rồi. Thế là chạy sang quán Gành Hào II (?), đến nơi loay hoay tìm chỗ đậu xe, mới bước vào cửa quán thì người ta cũng nói "hết bàn". Thôi thì đành phải tìm một quán nào gần đó để nạp năng lượng. Hoá ra lại hay, vì cái quán cách đó chẳng xa, nằm ngay bên cạnh bờ biển, có đầy đủ hải sản tươi rói, mà khách thì không quá đông và ồn ào như quán kia. Chúng tôi có một bữa ăn tối rất ngon, mà còn được hóng gió và ngắm biển Vũng Tàu về đêm.
Đường từ Vũng Tàu đến Hồ Tràm coi ngắn vậy mà lắm gian nan. Lí do là không có bảng chỉ đường (như mọi nơi ở VN) nên tài xế đi một chút lại phải hỏi người địa phương. Phải nói những cái bảng chỉ đường ở VN rất đáng ghét, tôi có cảm giác người ta chỉ làm cho có chứ chẳng quan tâm đến sự hữu dụng của chúng. Thói hời hợt, thói tạm bợ, và sự bất tài thể hiện rất rõ trong các bảng chỉ đường ở VN. Tội nghiệp anh tài xế quá. Nhưng bù lại dân địa phương ở đây rất nhiệt tình, họ chỉ đường chính xác. (Chuyện này làm tôi nhớ hôm ở Huế, bị cái anh chàng kia chỉ đường một cách trớt quớt, cũng có thể anh ta không muốn giúp).
Thiếu tin tưởng vào khách
Đến khách sạn đã 11 giờ đêm, mà còn gặp vài phiền phức. Thuở đời nay bước vào đại sảnh khách sạn tôi có cảm giác như mình có gì xột xạc dưới chân, lấy tay sờ thử thì hỡi ơi ... cát. Hoá ra, người đi đi tắm biển hay gì đó và đem cát vào sảnh khách sạn. Tôi tự hỏi "Sao lạ vậy nhỉ? Sao lại ăn mặc mấy cái bộ đồ tắm biển kia ở đại sảnh khách sạn?" Làm thủ tục nhận phòng xong (đã trả trước), cô tiếp viên yêu cầu chúng tôi phải trả trước thêm 2 triệu đồng mỗi đêm cho mỗi phòng. Đó là một số tiền khá lớn. Tôi rất ngạc nhiên về cái phí này, nên hỏi cho ra lẽ. Cô ấy nói đó là qui định của khách sạn ở VN. Tôi nói rằng nếu có qui định đó thì lạ lùng quá, vì nếu khách không đem theo tiền túi thì sao, chẳng lẽ phải cà thẻ tín dụng, cô ấy gật đầu. Tôi nói rằng tôi không hài lòng với cái phí đó, và sẽ không trả trước, cho dù tôi có thẻ tín dụng (nhưng không có tiền mặt), và tôi nói thêm rằng đó là một qui định xuất phát từ sự không tin tưởng vào khách. Vì các anh không tin tưởng chúng tôi, nên chúng tôi cũng không tin tưởng vào các anh; làm sao chúng tôi biết các anh dùng cái credit card của tôi cho chuyện gì. Thấy tôi giải thích có lí, cô ta đề nghị tôi nói chuyện với quản lí, tôi nói chúng tôi không có nhu cầu nói chuyện với quản lí vì đó là chuyện nội bộ của các bạn. Họ xin phép hay gì đó và đồng ý bỏ qua cái vụ trả tiền trước này.
Đến khi lên phòng thì hỡi ôi lại gặp vấn đề. Máy lạnh chạy quá ồn ào, vặn nhỏ xuống mà nó không chịu điều chỉnh âm thanh chút nào cả. :-). Nhìn qua cửa thì thấy toàn hồ tắm, tôi nghĩ chẳng lẽ sáng ra nhìn thấy mấy người Nga hay Tàu của thế giới man rợ đi vòng vòng hồ tắm thì chắc tôi bị bệnh suy tim mất. (Khách sạn này có khá nhiều người Nga và Tàu). Đi quanh một chút thì ngửi thấy mùi thuốc lá. Thế là tôi nghĩ mình khó ngủ được cái phòng "mắc dịch" này với cái giá trên trời này.
Gọi điện xuống yêu cầu đổi phòng, nhưng lần này tôi nói tiếng Anh chứ không dùng tiếng Việt. Cái cô tiếp viên nói tiếng Anh chưa thạo nên tôi phải nói chậm rằng tôi rất rất rất (very very very) không hài lòng với cái phòng này vì 3 lí do trên. Tôi còn thêm một câu hơi dài rằng có lẽ vì tôi không chịu đóng tiền trước nên họ "trả đũa" bằng cách cho ở phòng hút thuốc lá, nhưng chắc cô ấy không hiểu. Lại xin phép quản lí, và cô quản lí gọi lại than rằng không còn phòng trống vì hôm nay một vài đoàn khách đã đầy. Tôi nói rằng tôi không hiểu tiếng Việt, chỉ dùng tiếng Anh thôi, và nói rằng tôi dứt khoát không ở phòng này, hoặc là tôi check-out. Nói thế thôi, chứ họ cũng tìm được một phòng trên tầng >10 cho tôi để ngã lưng. Nhận được phòng có thể ngã lưng thì đã gần 12 giờ đêm! Thật là một ngày gian nan.
"Tâm tư"
Sáng nay xuống biển tắm. Biển Vũng Tàu không có màu xanh như Đà Nẵng hay Phú Quốc, nhưng có màu giống như màu nước sông. Nhưng biển êm và tắm rất thích. Tôi và anh bạn ngâm mình dưới biển và nói chuyện thời sự về tin Đối thoại Sangri La đang diễn ra ở Singapore. Chủ đề nóng vẫn là Biển Đông. Đáng quan tâm là khi cuộc Đối thoại đang diễn ra thì Tàu cộng cho công bố Sách Trắng quốc phòng nói thẳng rằng Mĩ, Nhật, Phi Luật Tân và Việt Nam là "kẻ thù địch giả tưởng" (2). Ấy thế mà mới đây chỉ 1-2 tuần gì đó, họ và phía VN gặp nhau ở biên giới ôm hôn nhau với tình nghĩa anh em thấm thiết! Đúng là bọn này khó tin thật.
Có khi nào các bạn thấy trong lúc vui mà mình cứ nghĩ đến cái buồn, cái bất trắc? Không biết các bạn nghĩ sao, chứ sáng nay (và ngay cả lúc ở Đà Nẵng) đi tắm biển, trầm mình dưới biển mà tôi cứ không thoát khỏi suy nghĩ biển này của mình còn bao lâu nữa. Hôm ở Đà Nẵng, đọc tin thấy 10 (hay 20?) thuyền viên đánh cá của Đà Nẵng bị "tàu la" đâm chìm suýt chết ngay trên vùng biển cách chỗ tôi tắm chẳng bao xa mà nhói trong lòng. Tôi tự hỏi mình đang vui ở đây, và biển này là của đất nước mình, nhưng với sự lấn chiếm của cái "nước lạ" mà rất quen đó, thì mai kia mốt nọ mình có còn tắm được nữa hay không, và quan trọng hơn là ngư dân của mình có dám ra biển đánh bắt nữa hay không. Cái suy nghĩ đó lại đeo đuổi tôi đến Hồ Tràm này. Nói như Nhạc sĩ Từ Công Phụng là trong cái giấy phút vui mà sao nó man mác cái buồn.
Khách sạn này rất lớn, có đến hơn 1100 phòng. Nhìn qua những khách đến đây tôi đoán họ là những người đi đánh bài (vì khách sạn có casino khá lớn ở đây). Họ là những vợ chồng con cái của những người đang khai thác dầu khí ngoài Vũng Tàu (tuyệt đại đa số là người nói tiếng Bắc và Nghệ), họ là người Nga, họ là người Tàu (khá nhiều), họ là Việt kiều, v.v. Chỉ cần trầm mình dưới hồ tắm và ngắm nhìn họ đi quanh hồ tắm là tôi có thể đoán khá chính xác họ thuộc thành phần nào và đến từ thế giới nào. Thành ra, cứ mỗi lần thấy ai nhìn mình có vẻ soi mói làm tôi thấy hơi nhột, vì chắc họ nghĩ mình đến đây chắc cũng đánh bài hay dân dầu khí rửa tiền gì đây. Nghĩ thế tôi tự cảm thấy mình không thích hợp ở nơi này, và chợt nhận ra thêm một lí do tại sao nền kinh tế bị "kẹt xe" và đất nước này còn nghèo.
Cà phê "hát cho nhau nghe"
Chiều qua, một người bạn ở Bà Rịa mời cơm chiều (đúng ra là buổi cơm tối), thế là chúng tôi đánh xe từ khách sạn ra Bà Rịa. Ngôi nhà nhỏ nhắn, xinh xắn, được chủ nhà chăm sóc rất kĩ, đặt biệt là khu vườn. Đó là một cách phối trí vừa truyền thống nông thôn, vừa hiện đại. Những còn gà chạy quanh vườn, những con chim được nuôi trong lồng, cùng giếng nước có thả ếch, lâu lâu phát ra những âm thanh rất đồng quê. Nhưng trong nhà thì rất hiện đại theo phong cách trang nhã. Nói chung, đây là một căn nhà rất lí tưởng cho những người ở tuổi về hưu, vui thú điền viên, và chắc chủ nhà cũng có ý đó nên tự thiết kế như thế. Chúng tôi có một bữa ăn đơn giản mà rất ngon: gà ta luột lá chanh, lá khoai lang luột chấm mắm gừng, mực xào dưa leo và khóm, bia Saigon xanh, v.v. Anh bạn đi cùng khen nức nở tài nấu ăn của người nấu ăn (mà người nấu ăn là một em thanh niên). Em ấy giải thích món nào phải chấm với nước chấm nào, và con gà này được nuôi như thế nào để có thịt ngon.
Ăn xong, chúng tôi chợt nảy ý định đi uống cà phê và nghe nhạc. Nhưng khổ nỗi chúng tôi không quen ai ở Bà Rịa, nên chạy vòng vòng chẳng tìm được quán cà phê nào ưng ý. Thế là chúng tôi đi Vũng Tàu, vì nghĩ Vũng Tàu là nơi thu hút du khách, chắc khá hơn Bà Rịa về cái khoản cà phê. Nhưng đó là một ý nghĩ lạc quan, bởi vì khi đến Vũng Tàu, chúng tôi không tìm được một quán cà phê nào dọc theo Bãi Trước và Bãi Sau, nơi chỉ toàn là khách sạn, quán bia, và quán nhậu. Nhưng qua một "đường dây" địa phương, chúng tôi tìm đến quán cà phê Đồng Dao trên đường Lý Thường Kiệt. Nghe tên Đồng Dao, tôi liên tưởng đến phòng trà cùng tên ở Sài Gòn, nên nghĩ mình sẽ có dịp thưởng thức nhạc ở đây. Nhưng đến nơi thì chúng tôi mới biết đây là quán dạng "Hát cho nhau nghe", tức là khách hát trước khán phòng, và ban nhạc của quán đệm nhạc. Đó là một quán tương đối hẹp, và khách hàng có vẻ đều quen biết với cô chủ nói tiếng Bắc giọng Bắc 1954 nhìn rất lịch thiệp. Nói ngay, cũng có nhiều người hát rất hay; họ hát những bài tình ca Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Vũ Thành An, và một số bài nhạc sến. Họ hỏi tôi có hát không, thì chúng tôi chịu thua, vì họ hát hay quá, mình mà lên đó thì chỉ làm cho không khí nhạc mất vui. Nói chung, tôi cũng có một giờ giải trí hay, dù bị khói thuốc lá hành hạ dữ quá.
Lại chuyện Biển Đông
Trong phòng trà, chúng tôi vừa nghe nhạc vừa bạn chuyện ... trên trời dưới đất. Câu chuyện vẫn xoay quanh những vấn đề thời sự Biển Đông, chuyện ông Trần Đình Bá, chuyện ông Đặng Lê Nguyên Vũ, v.v.
Chúng ta biết rằng trong cuộc Đối thoại Sangri La lần này, ông Bộ trưởng Quốc phòng không đi dự, và thay vào cái ghế đó là ông Nguyễn Chí Vịnh. Ông này hình như ngoài hàm thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng, còn mang hàm giáo sư và có học vị tiến sĩ. Ông được báo chí VN khen nhiều lắm, vì họ cho rằng ông là người nói khéo.
Trong Đối thoại Sangri La ông Vịnh có trả lời phỏng vấn báo chí về tình hình Biển Đông. Nhưng cũng như mấy lần trước, rất khó tìm thấy những ý tưởng nào đáng chú ý trong bài phỏng vấn, càng khó tìm thấy những "quotable words" (những chữ có thể trích dẫn). Khi được hỏi những câu quan trọng như "Có xác minh được đảo nhân tạo mà Trung Quốc đặt pháo binh là đảo Gạc Ma", "Có thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ thiết lập vùng ADI" (3), thì ông chỉ thốt lên câu nói quen thuộc của các quan chức Việt Nam: không/chưa có thông tin!
Khi được hỏi ông nghĩ gì về bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (Mĩ), thì ông chỉ nói chung chung như "những quan ngại của ông ấy là có cơ sở và ông ấy cũng đưa ra những đánh giá có chừng mực." Một câu trả lời không có thông tin, và dễ làm người nghe mỉm cười.
Nói tóm lại, đó là những câu chữ chung chung, chẳng làm phiền ai, chẳng nói lên được quan điểm dứt khoát của Việt Nam, chẳng nói lên chủ quyền của Việt Nam. Ông không lên án việc Tàu đang xây dựng trên các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông cũng chẳng ủng hộ (và chẳng phản đối) việc Mĩ lên tiếng phản đối hành vi phi pháp của Tàu.
Tôi tưởng đó là cơ hội tốt để phía VN nói lên quan điểm về chủ quyền của VN, và phản đối Tàu cộng xâm lấn biển đảo của VN. Ít ra thì cũng nên phản đối cái lệnh cấm đánh cá của chúng đưa ra. Nhưng không: phái đoàn VN không nói. Thật ra, tôi tìm trong trang web của diễn đàn xem chương trình hội thảo thì mới hiểu tại sao. Trong trang web, các bạn sẽ thấy bài phát biểu của Nhật, Nam Dương, Mã Lai, Ấn Độ, Mĩ, Tàu. Ngay cả phái đoàn Kampuchea cũng có một bài nói do Tea Banh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, trình bày. Điều đáng ngạc nhiên là không thấy bài nói chuyện nào của phái đoàn VN cả! Tôi rà soát cẩn thận mà không thấy bài tham luận nào của VN. Tìm trong trang web của Bộ Quốc phòng VN cũng không thấy bài nói chuyện của VN. (Trang web này có rất nhiều vấn đề về tiếng Anh).
Tại sao phái đoàn VN, mà cụ thể là tướng Vịnh, tiết kiệm lời trong một diễn đàn quan trọng như thế? Rất khó có câu trả lời. Nhưng một bản tin trên đài VOA cho biết rằng trong cuộc tiếp xúc với báo chí ở Singapore, tướng Vịnh nói “Việt Nam lắng nghe là chính, không phát biểu”.
Phạm huý ?
Chuyện nọ xọ chuyện kia, sang chuyện ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Số là ông Vũ đang PR cho cuốn sách mới của ông, và một trong những biển quảng cáo có dòng chữ "Những cuốn sách đổi đời do chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cho thanh niên Việt" (2). Thế là Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thu hồi các tấm biển quảng cáo đó vì họ cho rằng "mập mờ, khiến người đọc hiểu nhầm".
Họ không cho biết hiểu lầm cái gì, và mập mờ chỗ nào. Nhưng người quan sát đều có thể đoán được là chữ "Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ", vì có thể làm người ta liên tưởng đến "Chủ tịch Hồ Chí Minh". Nói cách khác, cách dùng chữ "Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ" là ... phạm huý. Phải công nhận là các cán bộ tuyên giáo làm việc quá mẫn cán. Cũng phải công nhận tính nhạy cảm của hai chữ "Chủ tịch" ở Việt Nam.
Chiêu trò bẩn
Câu chuyện ông Trần Đình Bá và Bộ Giao thông Vận tải thì quả là vui và hào hứng, vì nó có dáng dấp học thuật. Chúng ta biết rằng ông TĐB hay phản biện chính sách của Bộ GTVT. Trong xã hội dân chủ và lành mạnh, việc làm và phát biểu của ông TĐB là hết sức bình thường. Nhưng gần đây, một quan chức cấp thứ trưởng (?) của Bộ GTVT đề nghị thẩm tra bằng cấp tiến sĩ của ông TĐB khi ông cáo buộc rằng mô hình phi trường Long Thành là lấy từ mô hình của một phi trường ở Hồng Kong. Nhưng thông tin này ông TĐB chỉ dựa trên báo chí là chính, chứ không kiểm tra cẩn thận, và trong thực tế thì báo chí chỉ lấy mô hình đó minh hoạ chứ không phải là phối trí của phi trường Long Thành. Thay vì đính chính là xong, Bộ GTVT đề nghị kiểm tra bằng cấp của ông TĐB!
Rõ ràng, hành động của Bộ GTVT là không công bằng và có phần ... bẩn. Bằng cấp của ông TĐB có liên quan gì đến nội dung ý kiến phản biện của ông ấy đâu. Nên nhớ rằng trong tranh luận, thì cái trọng tâm là ý kiến, là luận điểm, chứ không phải cá nhân của người phát biểu ý kiến. Không phân biệt được ý kiến và cá nhân người phát biểu ý kiến là một điều rất đáng trách. Ấy thế mà một tổ chức lớn như Bộ GTVT lại phạm phải sai lầm này! Sai lầm của Bộ GTVT còn cho thấy họ thích "đánh võ" dưới thắt lưng, và như thế là một hành động cực kì thấp. Tôi cứ tưởng ông Đinh La Thăng là người rất khá (có bằng tiến sĩ), ấy thế mà có ngờ đâu khi ông ấy để cho ông thứ trưởng đánh võ thấp kém như thế. Câu chuyện ông Trần Đình Bá và Bộ GTVT cho thấy rằng chất lượng tranh luận trên các diễn đàn công cộng ở Việt Nam còn rất thấp.
Có lí do để lạc quan?
Đến 10 giờ tối, chúng tôi phải lên đường về khách sạn ở Hồ Tràm. Đường phố ngày Chủ Nhật rất vắng xe, nhưng đèn đường không được sáng mấy, nên anh tài xế phải lần mò khá vất vả. Trong khi chúng tôi đang dò đường thì xuất hiện hai chiếc xe Honda, một chiếc với 2 cô gái, một chiếc thì chỉ 1 cô. Nhìn cách ăn mặc, tôi đoán họ là nhân viên phục vụ ở Vũng Tàu trên đường về nhà. Anh tài xế mon men đến hỏi đường về Hồ Tràm, thì may quá họ cũng trên đường về đó. Thế là họ dẫn đường, và chúng tôi chạy theo sau họ. Tôi nói đùa là chúng tôi đang bảo vệ cho họ trong đêm tối.
Khi qua cánh đồng không có người, tôi thấy hơi lo lắng và hỏi anh tài xế là mình có bị lừa không đó, vì lúc đi tôi nhớ mình đâu có qua cánh đồng này. Hoá ra, tôi nghi ngờ oan cho người ta, vì họ đi đường tắt, ngắn hơn đường chúng tôi đi hồi chiều. Điều cảm động là họ rất quan tâm xem chúng tôi xem có còn sau lưng, và khi đến ngã ba phải quẹo vào Hồ Tràm, họ dừng xe và chỉ chúng tôi đi theo hướng đó, còn họ thì thẳng tiến về nhà (tôi đoán thế). Nghĩa cử của các cô gái đó làm tôi suy nghĩ về tình người ở đây. Suốt hai ngày qua, chúng tôi đi đâu tìm đường cũng đều được chỉ dẫn rất tận tình. Chẳng có ai vòi vĩnh tiền hay cố tình chỉ sai đường như khi ở Hà Nội, Sài Gòn, hay Huế. Tôi thấy quí những con người tử tế ở Bà Rịa - Vũng Tàu hơn, vì họ cho làm sống lại niềm tin vào cái xã hội này và những con người tử tế.
Giáo sư NGUYỄN VĂN TUẤN
(1) http://antt.vn/doanh-nghiep-nha-nuoc-la-nguon-goc-phat-sinh-meo-mo-thi-truong-019371.html
(2) http://giaoduc.net.vn/gdvn-post158719.gd
(3) http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150530/thuong-tuong-nguyen-chi-vinh-cang-cang-thang-cang-phai-doc-lap-tu-chu/754518.html
(4) http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/chua-thu-hoi-bang-quang-cao-cua-trung-nguyen-20150531091016988.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét