20 thg 6, 2015

Viết trong ngày nhà báo: Món nợ không trả được! theo Người Đồng Bằng .

Với tôi, nếu Việt Nam cần có một ngày nhà báo để tôn vinh nghề nghiệp này thì chỉ nên nói gọn là Ngày Nhà Báo Việt Nam vì tự thân nghề báo (nếu là báo thật) đem tới cho xã hội những thông tin mới lạ đã bao hàm tính chất cách mạng, thêm chữ Cách Mạng vào ngày này vừa thừa nghĩa vừa gây ra sự phân biệt giữa báo Cách Mạng, báo không Cách Mạng, chưa Cách Mạng, báo lề trái lề phải, lề đảng lề dân. Biết bao thứ phân chia mà tiêu chí thì hết sức mơ hồ.


Nếu lấy ngày ra báo Thanh Niên là mốc cho báo chí Cách Mạng Việt Nam thì những tờ như La Cloche fêlée.của Nguyễn An Ninh ra đời 1923, báo Le Paria Người Cùng Khổ của nhóm Nguyễn Ái Quốc ra đời năm 1922 thuộc vào dòng báo chí nào? Nếu lấy tiêu chí báo Cách mạng là báo của đảng thì chẳng lẻ những tờ như Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng không là báo chí Cách Mạng hay sao? Ấy là chưa nói đến những tờ báo tiền phong như Gia Định Báo, Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn tuy do người Pháp đứng tên chủ nhiệm nhưng nội dung trong thời kỳ chữ quốc ngữ còn phôi thai, dân trí còn thấp, đảng chưa ra đời tác động của nó đã tạo ra hiệu ứng văn hóa, xã hội và cả chính trị nữa thì không thể phủ nhận được. Vậy những báo đó là loại nào?
Một đặc trưng mà không ai chối cải được của báo chí là thông tin, mà giá trị của thông tin là sự thật. Khốn nỗi với những phương pháp luận và kỹ năng uyển ngữ của thời nay, thì lắm khi giữa sự thật và thông tin báo chí có khoảng cách rất xa. Đơn giản thôi, giá xăng tăng, giá hàng tăng thì có thể được gọi là "biến động". Một kẻ đến chiếm đảo của ta, chiếm biển của ta, một người can ngăn hành vi sai quấy đó đều bị gom chung vô cái rọ là "làm phức tạp tình hình". Trẻ con tư duy non nớt hơn sẽ nói đơn giản là: thằng này nó lấy đất của con, thằng kia nó cản. Một người gian dối chiếm năm bảy miếng đất, nhà của nhà nước trong nhiều năm khi bị tố cáo, thanh tra kết luận thì chỉ là "vi phạm chế độ quản lý đất đai"... Báo chí thông tin bằng những khái niệm mơ hồ như vậy là báo chí Cách Mạng hay sao? Bàn đến đấy thì ngay từ Cách Mạng cũng đã thành uyển ngữ.
Báo chí cũng là một phương tiện thông tin hổ trợ cho công lý. Khi báo chí chưa phát triển, những vương triều tiến bộ đã có định chế tiếng trống kêu oan. Âm thanh tiếng trống giờ được mả hóa bằng báo chí. Báo chí là quyền lực thứ tư khi những thông tin về sự thật của nó được ba quyền kia tiếp nhận như một dữ liệu để điều chỉnh bằng khuôn khổ pháp luật rõ ràng, minh bạch, bằng quyền dân chủ của người dân thông qua bầu cử. Thế nhưng khi người dân chỉ có quyền bầu những người đã được lựa chọn trước, quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp được vận hành theo một cơ chế nằm trên luật pháp thì báo chí và công lý là hai đường thẳng song song.
Trong những ngày báo chí Cách Mạng đang rộn rã tiệc tùng, chiêu đải, hoa tươi tràn ngập các tòa soạn thì trước trụ sở Tòa Án Tối cao ba gia đình đang vật vả kêu oan, đòi công lý. Gia đình bị án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng kêu oan cho hai án tử hình, gia đình em Trần Thị Hải Yến đòi công lý cho con mình bị công an đánh chết oan. Bằng cảm tính, tôi không tin rằng những người dân yếu ớt ấy lại dám đem thân cò của mình ra vu cáo chính quyền. Bằng những thông tin và hiểu biết của mình, tôi tin vào phát biểu của bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - Phó trưởng đoàn giám sát của UB Thường vụ Quốc hội, trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải: chỉ cần 1 trong 4 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm, trong khi vụ án Hồ Duy Hải có đầy đủ cả 4 căn cứ gồm: Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có sự vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử; có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự.

“Những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của vụ án được thể hiện trong quá trình điều tra như khám nghiệm hiện trường và quy định về thu thập, đánh giá chứng cứ, thiếu xót trong trưng cầu giám định. Những mâu thuẫn trong vụ án không được làm rõ trong điều tra, xét hỏi tại phiên tòa. Kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án ( chứng cứ ngoại phạm). Kết luận trong bản án sai với kết luận giám định. Đặc biệt là bản án phúc thẩm đã phản ánh không đúng về phiên sơ thẩm.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án đều lựa chọn sử dụng những chứng cứ có lợi trong việc buộc tội mà không phản ánh trung thực, khách quan những chứng cứ có lợi cho việc gỡ tội”
Mới đây, ngay sau khi Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hôi đã kết luận là các cơ quan tố tụng có sai, có vi phạm tố tụng nhưng không làm ảnh hưởng đến bản án thì bà Nga đã chỉ ra bản chất của vấn đề là án tử hình được tuyên theo chủ ý suy đoán có tội của các cơ quan tố tụng.
Nguyên văn lời phát biểu của bà Nga tại Quốc hội là "Việc lãnh đạo liên ngành tư pháp Trung ương vừa qua tại Báo cáo số 38/2015, kiên trì bảo vệ bản án kết tội Hồ Duy Hải trên cơ sở chủ yếu căn cứ vào những lời nhận tội của Hải mà bỏ qua những lời khai không nhận tội. Bỏ qua hàng loạt vi phạm rất nghiêm trọng cả về nội dung và tố tụng. Theo tôi đây là một minh chứng rõ ràng của suy đoán có tội và phụ thuộc vào lời nhận tội".
Rất tiếc, sự thật này không được đưa lên trang báo. Sự chênh vênh giửa việc "bỏ qua hàng loạt những vi phạm nghiêm trọng cả về nội dung và tố tụng", "suy đoán có tội" với "có sai, có vi phạm nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án" dẩn đến kết quả là một thanh niên sẽ bị tử hình. Mà đâu chỉ có Hải, Chưởng, còn Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Đức Long và bao nhiêu người khác nữa.
Nhìn hình ảnh bà Loan mẹ Hồ Duy Hải thất thần, lã người trước cổng tòa án đê kêu oan cho con, tôi thấy mình đang mang món nợ không bao giờ trả được. Món nợ chữ nghĩa, món nợ công lý. Đó là nỗi niềm của một đời làm báo.

theo Người Đồng Bằng .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog