19 thg 6, 2015

Lấy danh dự đảm bảo? của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.

Một quan chức thuộc Bộ GTVT nói rằng ông lấy danh dự ra để đảm bảo cho dự án sân bay Long Thành (1). Đọc câu phát biểu này chắc làm cho nhiều người mỉm cười. Mỉm cười là vì, trong cái nhìn của công chúng ngày nay, các quan chức làm gì có danh dự mà bảo đảm. Có lẽ các quan chức, đặc biệt là quan chức GTVT, đã quá tự tin?


Thông thường, khi đã có sẵn vốn liếng hay tài sản, người ta mới đem đi thế chấp để lấy niềm tin. Một người công nhân muốn vay tiền mua nhà, anh ta phải chứng minh mình có một số tiền, đang có việc làm và thu nhập ổn định, thì ngân hàng mới xét duyệt cho vay. Tương tự, một quan chức muốn tạo niềm tin ở người dân, người đó phải chứng minh qua hành động thực tế, chứ đâu phải lời nói theo kiểu “chém gió”.

Người phương Tây gọi cách nói của ông quan chức GTVT đó là "Trust me attitude", hiểu nôm na là thái độ "tin tôi đi". Người có thái độ “tin tôi đi” thường là người không thuyết phục được ai. Họ không có lí lẽ, không có dữ liệu, và thiếu khả năng thuyết phục công chúng. Vì thế, họ phải dùng đến nguỵ biện bằng thái độ "hãy tin tôi".

Nhưng làm sao công chúng có thể tin vào quan chức, khi mà trong quá khứ, bất cứ cái gì họ đụng đến cũng đều xảy ra vấn đề. Danh sách về những dự án "tai tiếng” dài đến nỗi khó ai nhớ hết, nhưng những cái tên đình đám phải kể đến PMU18, Ụ nổi M83, Vinalines, và Vinashin. Đó là chưa kể đến dự án khác (ví dụ như dự án đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi) đã làm thâm thủng ngân sách Nhà nước hàng triệu, thậm chí hàng tỉ USD. Điều thú vị là đa số những vụ tham nhũng và hối lộ đình đám nhất liên quan đến ngành GTVT.

Ấy thế mà nay một quan chức GTVT lại đứng ra dùng “danh dự” của mình để đảm bảo cho một dự án hàng tỉ USD là sân bay Long Thành! Có cái gì đó không phù hợp ở đây. Những vụ tham nhũng nổi tiếng trong quá khứ thường liên quan đến tiền ODA. Dự án sân bay Long Thành cũng là vay từ ODA. Nếu nhìn vào quá khứ mà đoán tương lai thì người dân cũng có lí do để nghi ngờ khả năng thành công của dự án Long Thành. Thật vậy, nhìn vào quá khứ tham nhũng và hối lộ trong ngành GTVT người dân bình thường nhất cũng phải e dè trước cái gọi là “danh dự” của các quan GTVT.

Làm sao công chúng có thể tin vào quan chức khi họ đứng trong hàng ngũ nổi tiếng là tham ô và hay ăn hối lộ. Chẳng biết từ khi nào mà hễ nói đến quan chức VN là người ta nghĩ ngay đến hai chữ "hối lộ" và "tham nhũng". Hai chữ này gần như là một định nghĩa bán chính thức quan chức VN. Thật vậy, VN là một trong những nước có chỉ số tham nhũng cao nhất thế giới. Năm nay (2014), Việt Nam đứng hạng 119 (trên 175 nước) về cảm nhận tham nhũng (2). Những lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất ở VN, theo World Bank và Thanh tra Chính phủ, là cảnh sát giao thông, đất đai, hải quan, và xây dựng (3). Trong khi các nước trong vùng cải thiện về vấn đề tham nhũng thì VN đứng nguyên một chỗ, đúng y như đánh giá tình hình tham nhũng vẫn “ổn định” (4). Ôi, mỉa mai thay cho cụm từ “tham nhũng vẫn ổn định”!

Do đó, khi một quan chức GTVT đứng ra dùng “danh dự” của ông để bảo đảm cho dự án sân bay Long Thành, thì công chúng có rất nhiều lí do để dè dặt. Khả năng cao là vị quan chức đó là người đàng hoàng và liêm chính (tôi có cảm tình với ông này), nhưng khổ nỗi ông đứng trong hàng ngũ của những người làm nên chỉ số tham nhũng quá cao, nên ông cũng bị vạ lây. Thay vì lấy danh dự để đảm bảo, tôi nghĩ ông nên dùng dữ liệu và khả năng chuyên môn để thuyết phục người dân và để thảo luận với những người phản biện dự án Long Thành. Như giới khoa học vẫn hay nói “In God we trust, all others bring data” (tạm hiểu là chỉ có Thượng đế là đáng tin, còn tất cả những cái khác phải dựa trên dữ liệu).

Giáo sư Nguiyễn Văn Tuấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog