(Chính Quyền Địa Phương) - Cơn giông lớn và bất ngờ ngày 13/06 đã quật ngã hơn 1.300 cây ở Hà Nội khiến hai người tử vong, 10 nạn nhân bị thương do cây đè trúng. Sự việc nhanh chóng được đưa tin khắp các mặt báo. Nhân dân cả nước đều hướng về Thủ đô và chia sẻ nỗi mất mát với Hà Nội. Không có gì đáng bàn nếu một tờ báo mạng không lợi dụng sự nổi giận của thiên nhiên để bào chữa cho chủ trương chặt hạ cây xanh trong thời gian qua, đồng thời tiếp tay cho một số kẻ “hả hê” khi nhìn cây đổ.
Với lý lẽ cho rằng “những thiệt hại đáng kể nhất không phải do mưa giông trực tiếp gây ra mà do… cây đổ”, “hầu hết tuyến phố trên địa bàn các quận nội thành đều có cây gãy, đổ”, “số lượng cây gãy đổ do cơn dông diễn ra trong vòng 15-20 phút có thể lên tới hàng trăm, trong đó có nhiều cây đường kính lớn”. Một tờ báo mạng nghiễm nhiên kết luận: “Chủ trương thay thế, cải tạo cây xanh ở nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội là hết sức đúng đắn và cần thiết”cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Trước hết, dẫn chứng của trang báo này đưa ra là không sai. Đúng là chỉ trong vòng 15-20 phút, số lượng cây gãy đổ đã lên đến hàng trăm. Cụ thể, hơn 1.300 cây xanh đã bị giông lốc quật ngã, nhưng trong số đó chỉ có 34 cây xà cừ cổ thụ, còn lại phần lớn là những cây “vàng tâm quý hiếm” vừa được trồng trên các tuyến phố.
Nhưng… Hãy nhìn kỹ lại đi! Toàn bộ những cây xà cừ bị đổ đều là những cây “sâu mục, thối rễ” mà đáng lẽ ra phải được khảo sát và thay thế từ mấy tháng trước. Chúng trái ngược hẳn với hình ảnh hàng cây xanh bị máy cưa chém phăng lộ rõ đường vân và từng sớ gỗ đỏ au, gốc rễ bám chặt vào đất mà chúng ta nhìn thấy trong chiến dịch “đúng đắn” vừa qua.
Ấy vậy mà, tờ báo này lại ra sức tung hô, biện minh cho “tính đúng đắn” của chiến dịch vừa qua và đề nghị tiếp tục đẩy mạnh chủ trương này trong thời gian tới. Chẳng lẽ, các nhà báo ấy không nhìn thấy những “cây vàng tâm quý hiếm” vừa được trồng còn nguyên dây dợ, nilon, lưới đen, quấn quanh bầu cây. Cây nào cây nấy đều cao từ 5-7 mét nhưng chỉ cắm sâu xuống đất chưa được nửa mét, vẫn đang nằm chỏng chơ, bật tung gốc lên mà không có được bộ rễ.
Những bức ảnh chụp cây bị đổ do gió lốc ngày 13/6 cho thấy phần lớn là những cây nhỏ, yếu, rễ nông, cây nào to thì do gốc cây mục ruỗng, lá loà xoà mà không được cắt tỉa, chứ không phải là những cây khoẻ mạnh rễ sâu, thân to như những cây xà cừ cổ thụ đã bị chặt oan uổng! Trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội ngày 13/6 ở Đường Láng, hàng cây xà cừ giữa giải phân cách giữa hai làn đường gần như không thiệt hại. Trong khi đó, những cây nhỏ bên phía làn sông Tô Lịch lại bị gãy, đổ ngổn ngang.
Chính cơn giông lốc bất ngờ đã tố cáo sự vô trách nhiệm và tắc trách trong cách quản lý cây xanh của chính quyền Hà Nội: Thay vì tích cực chăm sóc và thay thế những cây canh yếu dễ đổ, các cơ quan có trách nhiệm lại tổ chức chặt hạ những cây to khoẻ mạnh!
Thế mà, tờ báo kia lại xem cơn thảm họa thiên nhiên này như một cơ hội để bào chữa và tung hê “tính đúng đắn” của chiến dịch sai lầm kia. Để cho những người vốn đang đuối lý và mong muốn chối bỏ trách nhiệm của quyết định này một cơ hội hỉ hả rằng: “Thấy chưa, chúng bây mở mắt ra nhìn và câm mồm đi. Đã thấy hậu quả chưa”
Sao họ không thử thống kê xem những con đường chưa kịp bị đào bới, xới tung như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu.. số lượng cây bật gốc là bao nhiêu? Sao không thống kê xem bao nhiêu cây xanh đã bị chém sạch rễ do cuốc lên lấp xuống các loại cáp ngầm? Hãy xem thử tỷ lệ cây Mỡ (từng được đánh tráo khái niệm với cây “vàng tâm quý hiếm”) trên đường Nguyễn Chí Thanh sống sau khi trồng là bao nhiêu, chết khô bao nhiêu?
Đến lúc này tôi bắt đầu thấy sợ, sợ cho số mệnh của những cây xanh còn sót lại, sợ cho những giá trị xã hội đang bị đảo lộn dưới “ngòi bút bẻ cong” của một số người tự xưng thay mặt cho tiếng nói của người dân, sợ vì không biết số mệnh của Thủ đô sẽ ra sao dưới bàn tay nhào nặn của một số người!!!
Thùy Linh/
Theo truongtansang.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét