5 thg 9, 2013

CHUYỆN VĂN CHƯƠNG : Cao quí, Sang trọng và Tử tế của TRỊNH KIM THUẤN




 Hổm rày, trên trang Tran Nhuong.com có cuộc tranh luận về bài viết của Giáo sư.Tiến sĩ Trần Đình Sử : “Nghề văn chương không phải là nghề sang trọng”.

Mở màn là : Mấy lời với ông Trần Đình Sử của nhà thơ Trần Trương, ngặt một nổi nhà thơ nầy lại dẫn chứng 4 câu thơ của một nhà thơ trào phúng :

                                  Trình độ văn hóa cấp ba.
                                  Thế mà bỗng chốc được là giáo sư.
                                  Giáo sư mà dốt bỏ xừ.
                                  Tiếng tây chỉ được có từ “măng giê” (tiếng pháp : ăn)


Thêm 1 đoạn nữa : …… Cách viết của ông trong mấy bài viết gần đây tôi thấy “loằng ngoằng” quá ……..

Nói thật, nói như thế ai mà không tức ! Nhưng đó là quyền của Trần Trương, tôi không dám bàn . Kế tiếp là :

- Nghề văn không sang trọng nhưng văn chương lại cần sự sang trọng của nhà báo Nguyễn Anh Tuấn.
- Đôi điều thưa lại với nhà thơ Trần Trương của GS-TS Trần Đình Sử.
- Cao quí và sang trọng cái nào cần cho văn chương của Lê Như Bình.
- Sang trọng đâu cần phải “loằng ngoằng” của Lý Nguyên.
- Đò đưa gởi thầy Trần Đình Sử của Nguyễn Nguyên Bảy.
- Văn chương cần sự cao quí của Đổ Trọng Khơi.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Đây là lần đầu tiên , tôi được xem cuộc tranh luận về đề tài nầy : Văn Chương : cao quí và sang trọng. Chứ từ trước đến nay, tôi chỉ biết : bài thơ nầy hay, quyển sách nầy hay hoặc tác giả nầy giỏi, nhà thơ nầy hay … chứ chưa nghe bài thơ, quyển sách nầy cao qui, sang trọng hoặc nhà văn, nhà thơ nầy cao quí hay sang trọng cả . Thí dụ như : Thi hào Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Lê Quí Đôn, Nguyễn Đình Chiểu….trong các tư liệu, văn học sử cũng chưa thấy viết các vị nầy là cao quí hay sang trọng .

Hay ý của các nhà tranh luận : Nhà văn, nhà thơ có nhiều tác phẩm xuất bản, được nhiều người khen tụng lại thêm quyền cao chức trọng thì đạt được danh hiệu cao quí và sang trong trọng chăng, tỷ như : Tố Hữu, Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Chế Lan Viên . . .  chẳng hạn ?

Còn nhớ có một số nhà văn, nhà thơ, tài nghệ tuyệt vời nhưng cuộc sống lại bất hạnh, bần hèn, nghèo khổ như nhóm Nhân văn – Giai phẩm năm 1956 :

. . . . . . . . . . . . . .Phong trào Nhân văn – Giai phẩm bắt đầu khi hai nhà thơ Trần Dần và Lê Đạt phê phán : tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu là “ dòng thơ lục bát không có gì mới, nội dung vân vê kỹ niệm không lấy gì làm sâu sắc ……………………..Ngày nay, nếu đọc lại những bài viết của nhóm Nhân văn – Giai phẩm, phải công nhận là nước ta đã từng có những nhà trí thức khả kính. Đất nước ta ra nông nổi hiện nay là bởi lịch sử không chọn họ ………. HUY ĐỨC.

Như thế Phan Khôi, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Hữu Loan … họ chỉ là những trí thức khả kính, chứ đâu có được sang trọng và cao quí phải không ?

Năm 1988, báo Lao Động Chủ nhật, phỏng vấn nhà thơ Hữu Loan, nhà thơ kể lại : Có 1 anh bạn trẻ đến gặp tôi hỏi : “ làm thơ, làm văn thế nào để được nổi tiếng ? Tôi trả lời : trước tiên, anh hãy làm chính trị đi đã, khi nào thành công, lúc ấy anh viết cái gì, viết làm sao cũng nổi tiếng cả”.

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê, hiện nay có người tôn vinh là “tượng đài văn hóa” lớn của Việt Nam, nhưng với ông thì :

………….Quả như lời Vương Quân nói trong bài tựa “Coi vậy mà xài được”, “Xài được” bộn kia đấy. Kẽ ít học như tôi còn thấy là có xài được gần trọn kia đấy ……… (trích Sài gòn năm xưa của Vương Hồng Sển, trang 335 hoặc theo Nguyễn Hiến Lê, báo Mai – Sàigòn số 20 25/4/1961),

Đến như ông Nguyễn Hiến Lê còn tự cho mình là kẽ ít học kia mà .

Trong bài :  Văn chương cần sự cao quí của Đổ Trọng Khơi, có đoạn :

……… Tên tuổi vị Giáo sư hẳn nhiều người học văn, làm văn, yêu văn nước nhà đã biết tới. Riêng với tôi, từ những năm chập chững học làm văn, tôi đã đọc tác phẩm : Thi pháp thơ Tố Hữu của Giáo sư. Đây là tập nghiên cứu phê bình, thi pháp sáng giá một thời. Từ thuở ABC văn chương, quả tập sách đã góp phần nuôi nấng tình yêu và bồi đắp tri thức và nghề nghiệp cho tôi …………………………………….(Đổ Trọng Khơi)

Lúc tôi đi học, thì nhà trường không có dạy thơ Tố Hữu (ở miền Nam mà), sau 30/4/1975 thì biết Tố Hữu qua các chương trình học các cấp, trong các sách giáo khoa thì đầy cả và các kỳ thi các cấp hàng năm , năm nào đề tài thi đều có tên của ông, chứ thơ của ông, thú thật tôi không thuộc bài nào cả.

Bây giờ đến nhà thơ Xuân Sách tả Tố Hữu trong Chân Dung các Nhà văn :

                                 Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng.
                                 Mắt trông về tám hướng phía trời xa.
                                 Chân dép lốp bay vào vũ trụ.
                                  Khi trở về ta lại là ta.
                                  Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát.
                                  Trông về Việt Bắc tít mù mây.
                                  Nhà lồng lộng, gió thơ càng nhạt.
                                  Máu ở chiến trường, hoa ở đây.

Ông Vương Trí Nhàn : …………….. Quanh cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử, nhiều người bảo tất nhiên Sử định buôn to. Nhưng loại như Tố Hữu thì không, lão không ơn huệ ai đâu. Thậm chí lão còn muốn nói là nhờ tôi mà anh được nổi tiếng nữa, vậy anh phải cám ơn tôi mới đúng. Chứ cám ơn anh thì tôi cũng tầm thường như mọi người hay sao ? (Chuyện văn nghệ Hà nội nghe ở Moskva 1987- Kỳ 2 Vương Trí Nhàn).

Cách đây không lâu đọc bài : Nhà thơ Xuân Diệu “Ma với nhau” của Minh Diện trên BVBONG. Ôi ! còn đâu cao quí và sang trọng nữa !

Ai hiểu sao thì hiểu !

Nhớ lại cách đây khoãng 70 năm, có nhà thơ Nguyễn Vỹ, thật tội nghiệp trong bài thơ : Gửi Trương Tửu, có đoạn :
                               . . . . . . . . . . . . . . . . . .
                               Thời thế bây giờ vẫn thấy khó.
                               Nhà văn An Nam khổ như chó.
                               Mỗi lần cầm bút viết văn chương.
                               Nhìn đàn chó gậm trơ xương.

Tội quá phải không quí vị ? Lúc ấy thời Pháp thuộc, sáng tác tự do, không có định hướng, nhưng văn chương bán ế phải khổ như chó, làm sao tìm cho được sự cao quí và sang trọng chứ ! Mặc dù tài năng lại có thừa .

Có một vị Tiến Sĩ thật 100 %, đảm bảo trong làng văn chương ai đều biết, đó là ông Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến, so bây giờ thì ông ta cũng xem xem bằng hoặc nhỏ tuổi hơn quí vị đấy (lúc mất chỉ có 74 tuổi chứ mấy !), tôi thì nhỏ hơn nhiều, nhưng ông Tiến Sĩ nầy hình như không thích sự sang trọng và cao quí, mà lúc nghĩ hưu lại đâm ra bực bội với cái bằng Tiến sĩ của mình nữa :
                                  …………………………….
                                  Mở miệng nói ra gàn bát sách.
                                  Mềm môi chén mãi tít cung thang.
                                  Nghĩ mình lại ngán cho mình nhĩ ?
                                    Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng.

Hay là :         Cũng cờ, cũng biểu, cũng cân đai.
                      Cũng gọi ông Nghè có kém ai.
                      Mảnh giấy làm nên thân giáp bãng.
                      Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
                      Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ .
                      Cái giá khoa danh, thế mới hời !
                      Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe.
                      Tưởng rằng đồ thật, hóa đồ chơi .

Ba kỳ thi đều đỗ đầu (tam nguyên), làm quan đến chức Tổng Đốc Sơn Hưng Tuyên mà tự cho mình là thế, thì tìm đâu ra sự cao quí và sang trọng. Hiện nay Việt Nam ta số Giáo sư – Tiến sĩ nhiều vô kể siết, hãy tự so sánh mình với ông nghè Nguyễn Khuyến đi.

Cuộc tranh luận : Văn chương cần sự cao quí hay sang trọng còn tiếp tục tranh luận nữa hay không ?, thì tôi không biết, tôi chỉ góp nhặt được bấy nhiêu ý, nhưng theo tôi : Đừng đòi hỏi cao quí, sang trọng mà chi, chỉ cần ta viết lách cho tử tế và cố gắng sống cho tử tế để trở thành người tử tế trong thời buổi nầy là đủ lắm rồi quí vị ạ !

Mấy hôm trước : vừa mừng cho cháu Phương Uyên  được ra tù, thì hôm nay được tin cháu Đổ Thị Minh Hạnh lại vất vả, khổ sở trong tù … Tại sao thế ? Tại vì các cháu đang cố gắng làm người tử tế đấy. Cũng khó lắm quí vị ạ !

                  31/8/2013   TRỊNH KIM THUẤN.

1 nhận xét:

  1. Bình hay!
    Em nghĩ đơn giản, bản chất nó chỉ là một trong vô vàn phương tiện để con người diễn tả tư duy, cảm xúc của mình. Làm éo gì có sang trọng quý phái chi chi đó, mấy ông bà nho chùm thích tròng vào cho nó kim cương hột xoàng chỉ tổ nặng người, rồi cãi nhau chí choé.

    Trả lờiXóa

Tìm thông tin blog