28 thg 9, 2014

Nỗi lòng lưỡng tướng Nhân ngày giỗ năm đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp . 04/10/2013 - 2014 của Trịnh Kim Thuấn

Đã quá canh ba, trăng thượng tuần sắp lặn, trời trong veo, lấp lánh những vì sao. Gió biển thổi nhẹ, lay hàng phi lao vi vu như đang thì thầm với những con sóng biển rì rào . Có hai người đang đi đến băng đá trong công viên bờ biển dưới những rặng phi lao. Một người chỉ trạc trung niên, mặc võ phục triều Nguyễn, đầu chít khăn nâu, bên hông đeo thanh gươm. Người kia quân phục thời hiện đại, ngực đầy huân chương, mái tóc bạc phơ.

Vị tóc bạc: - Xin chào, thưa… Ngài là...?

Vị trung niên: - Vâng, Hoả hồng Nhật Tảo.

Vị tóc bạc: -  À ! Đây là Thượng Đẳng Linh Thần Nguyễn Trung Trực. Tiểu bối rất hân hạnh, còn tôi là…


Vị trung niên khoát tay: - Ta biết rồi, ông là Võ Đại Tướng quân, vang danh năm châu, bốn biển. Ta chống Pháp, bị Pháp bắt hành hình. Còn ông đánh bại giặc Pháp, bắt sống cả đại tướng Pháp và cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải đầu hàng…

Hai người  cùng chọn  một tảng đá lớn,  tỏ bày tâm sự.

Ông Nguyễn (Trung Trực): - Ông là người công thành, danh toại, làm quan nhất phẩm công thần… từng hạ gục 1 số tướng lĩnh của Pháp và Mỹ , ấy thế mà cớ sao hôm nay lộ vẻ buồn phiền, tâm tư u uất ?

Ông Võ (Nguyên Giáp): - Có điển tích  Điểu tận cung tàng" nghĩa là khi con chim đã chết thì người ta vác cung đi một nơi mà không dùng đến nữa. Nguyên câu chữ Hán: "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn; địch quốc phá, mưu thần vong". Nghĩa là: "Thỏ khôn chết, chó săn bị mổ làm thịt; chim bay cao hết, cung tốt vất bỏ; nước địch phá xong mưu thần bị giết". Chẳng hay ngài không biết điều đó sao? Sau khi thắng Pháp, nước Nam ta thêm 20 năm trường kỳ đánh Mỹ nữa, mãi đến năm bẩy lăm thắng luôn giặc Mỹ, thống nhất giang san, thì số phận của tôi là thế! Vẫn biết “Gặp thời thế, thế thời phải thế” như ông Ngô Thời Nhậm đã nói, nên tôi cố học chữ Nhẫn mà sống được đến năm vừa rồi.

Ông Nguyễn: - Vậy sao ngài còn buồn?

Ông Võ: - Chỉ còn ít hôm nữa là tròn một năm tôi mất (04/10/2013), thế mà cái đám phim ảnh chúng nó làm cái phim Sống cùng lịch sử nói về tôi, đem ra rạp chiếu, chả có ai xem, khiến báo chí phê phán nặng nề quá. Mấy thằng Lề trái đem tôi ra nói nữa, nhức đầu lắm Ngài ạ! Tưởng ít ỏi gì sao, những 21 tỷ đồng, đều là tiền thuế của dân cả đấy. Chúng nó cứ lợi dụng mình mãi, chết rồi cũng chả được yên thân… Phải chăng số tiền 21 tỷ đồng ấy chúng nó đem về huyện Lệ Thuỷ xây vài cái trường học hoặc cái bệnh viện cho các trẻ con học và người dân trị bệnh thì hay hơn. Tôi còn nhớ năm 2010 kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chúng nó cũng làm 3 bộ phim, tốn trên 200 tỷ, cũng chẳng có ai xem, nay lại tái diễn, nhưng lại dính dáng đến tên tôi, thì thử hỏi không buồn sao được?! Còn Ngài chẳng lẽ cũng có tâm sự à ?

Ông Nguyễn - Năm nay là đám giỗ lần thứ 146 của tôi. Lễ cúng vô cùng hoành tráng và linh đình. Nhưng không hiểu sao khi các hậu duệ của tôi lên tiếng khiếu nại về ngày giỗ (ngày tôi bị chém đầu ấy mà) với ngày giỗ hiện nay không đúng, thi thể đang thờ cúng trong đền không phải là của tôi…, thì chánh quyền không đoái hoài đến. Tôi không thể hiểu được vì sao? Vậy họ cúng cái chi? Họ tưởng nhớ đến ai? Tôi biết, báo chí đưa đầy ra, như một sự đánh động: Hậu duệ Anh hùng Nguyễn Trung Trực “kêu cứu”: Thờ hài cốt giả, rước sắc thần khống, giỗ sai ngày… Quả thật là ngài nói đúng: Chết rồi cũng chả được yên!

Tôi được biết, cái Cục di sản văn hoá ở Kinh thành chắc sốt ruột nên gởi văn bản vào mà chúng nó chả thực hiện… À, còn chuyện nầy ông có biết không? Theo con mắt của nhà nước thời các ông hồi sau 30/4/1975, sau khi thống nhất đất nước , hễ ai làm quan cho triều đình nhà Nguyễn là không tốt phải không, kể cả tôi là người chống Pháp, bị Pháp bắt và giết. Thế nên mấy ổng buộc dây kéo cả tượng của tôi cho đổ xuống, nhưng vì đã là thần thánh rồi nên tôi không đổ. Còn bây giờ thì…

Ông Võ: - Thưa Ngài, việc nầy bên Bộ Lại của bà Nguyễn Thị Bình, còn tôi bên Bộ Binh!...

Ông Nguyễn –  Hồi ấy, ở An Giang có hai trường trung học lớn nhất mang tên Thoại Ngọc Hầu và Chưởng Binh Lễ. Nhưng họ xoá những cái tên ấy đi như cố xóa dấu vết của lịch sử! Ngay cả nơi các đình thờ cúng các vị Thần cũng đều bị cấm đoán cả…

Ông Võ: - Thưa, bây giờ, việc ấy đã được sửa sai rồi ạ ! Tuy chúng nó có phá mất đi một số đình…

Ông Nguyễn: - Vâng, thôi thì sai biết sửa là tốt, chỉ sợ đầu óc bọn hậu bối chúng nó bảo thủ gàn bướng, không chịu mở mắt mà nhìn thiên hạ! Dân mình có câu: “sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng”… chẳng qua là do ngu muội mà ra... Nhưng thôi cho qua đi, nhắc lại chỉ thêm buồn. Mà những sai trái cũng chẳng phải do ông, thậm chí ông chả còn là nạn nhân đấy nữa hay sao? À! Nghe đâu Ông lại vừa gặp chuyện thị phi nữa đó à ?

Ông Võ: - Vâng, thành thật cám ơn Ngài. Thưa Ngài, người ta nói nghĩa tử là nghĩa tận, thế mà bây chừ bà vợ hai của Lê Duẫn lại viết đơn tố cáo tôi quá xá… Có lẽ giờ đến cuối năm sẽ có trát Toà của phủ Ba Đình mời đối chất. Chết vẫn chưa yên, mặc dù những năm cuối đời tôi cũng cố gắng làm được ít việc, dù kết quả không khả quan. Tôi vẫn quan tâm và đưa ra một số lời bình luận trên mặt báo về tình hình đất nước như: Yêu cầu kiểm định và báo cáo Đại hội Đảng Cộng sản X về Vụ PMU18, hay cuộc gặp gỡ và khuyến khích doanh nhân làm xuất khẩu nông sản.
Vào ngày 1 tháng 11 năm 2007 tôi gửi thư bày tỏ sự phản đối chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội ở khu di tích 18 Hoàng Diệu. Tôi cũng có bài viết thực trạng và kiến nghị 6 vấn đề "cơ bản và cấp bách" nhằm triển khai có kết quả công cuộc đổi mới nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam hiện nay. Vào đầu năm 2009, tôi góp ý về Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, không dưới 3 lần. Tôi đã viết thư yêu cầu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dừng dự án này, vì lý do an ninh quốc gia và vấn đề môi trường.( dẫn theo WIKIPEDIA – Bách Khoa toàn thư)

Ông Nguyễn : - Tấm lòng của ông tôi biết, người dân Việt Nam ai cũng biết. Chứng kiến đám tang của ông khi người dân xót xa đưa tiễn ông chưa từng thấy trong lịch sử, khiến nhiều kẻ ghen tị, nhưng nó chứng tỏ nhân cách lớn của ông trong thời kỳ hiện đại. Chỉ tiếc, khi chuẩn bị hạ huyệt, không hiểu sao ông lại để cho tên thi thủm Hoàng Quang Thuận đọc thơ trước quan tài của ông thế? Nhìn nó đọc thơ , tôi không nhịn được cười ông ạ !

Ông Võ: Trời ạ! Đó là cái thằng Đài Truyền hình nó sắp đặt, lúc ấy tôi đâu có lòng dạ nào mà thưởng thức thơ ca chi cả  Thân xác chưa kịp nằm xuống đất, thì ở Kinh thành, mặc dù chưa hết ngày người dân để tang tôi, người ta đã vội vã hạ cờ tang của tôi xuống để đón Thiên triều, buồn thấm thía Ngài ạ! Mà hình như Ngài cũng còn điều chi lo âu ?

Ông Nguyễn: - Cúng giỗ trật ngày, thi thể không rõ ràng thì chả chịu giám định cho xong. Thế mà năm nay đám nầy rước chi cái tên giáo sư Vũ Khiêu già vào đến đây làm bẩn mắt ta nữa. Nghe đâu mới 98 tuổi đã làm lễ thọ 100 ! Hôm rồi nghe nói lão ta còn nối giáo cho một tên thợ thơ nào đấy dám sửa truyện Kiều của cụ Nguyễn Du! Thật là hài hước, hài hước hết chỗ nói! Ta thấy hắn đề chữ vào cái sổ ở Đền thờ, khiến ta lộn cả ruột rồi. Hiếu vị nhân dân trung vị quốc; Sinh vi dũng tướng tử vi thần. Thực ra đâu có gì lạ, chỉ là một câu cũ mèm rồi:Sinh vi tướng; Tử vi thần. Ta phải báo ngay cho Bình tây Đại nguyên soái Trương Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương… biết trước đề phòng mới đặng… Hắn ta đi đến đâu là hư bột, hư đường cả , không lẽ lão Diêm vương quên gạt sổ ? Đất nước ngày nay càng ngày cạn kiệt, nào rừng vàng biển bạc, nào bán rừng, bán đất, hút dầu bán , nợ như chúa Chổm , thế mà cứ LỄ, cứ HỘI thì dân tình nào chịu đựng cho xuể ? Tay  Bộ Lễ nầy hình như không tốt ?

Ông Võ : Vâng, thưa Ngài, bây giờ loạn cả rồi, trên bảo mà dưới chúng nó có nghe đâu. Phải chịu thôi Ngài ạ ! Ít hôm nữa đến ngày giỗ đầu năm của tôi, mạo muội mời Ngài đến Vũng Chùa dự được không ạ?

Ông Nguyễn: Để xem, có thể ta mời thêm Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân, Thủ Khoa Nghĩa…  xuôi miền Trung cùng đi một chuyến. À ! nhớ nầy phải đề phòng 2 thằng là Vũ Khiêu và Hoàng Quang Thuận đấy nhé .

Ông Võ : Vâng ạ !

Tiếng gà gáy báo dứt canh tư, hai vị võ tướng bịn rịn chia tay.

26/9/2014 TRỊNH KIM THUẤN


1 nhận xét:

Tìm thông tin blog