Mới đọc tin tức thấy VN mới bổ nhiệm thêm 2 thứ trưởng ngoại giao (1). Như vậy, tính đến nay, VN đã có 8 thứ trưởng ngoại giao. Nếu tính trung bình mỗi bộ ở VN có 5 thứ trưởng, thì với 23 bộ hay tương đương, VN đã có hơn 110 thứ trưởng! Một con số kinh khủng! Trong một nước người dân còn nghèo xơ xác, mà có một đội quân thứ trưởng nhiều như ở VN thì chắc chắn sẽ còn nghèo hơn nữa.
Ở VN, có lẽ do "tàn dư" của Pháp để lại (?), nên có quá nhiều chức danh phó. Thủ tướng thì có một lô phó thủ tướng. Bộ trưởng có hàng tá thứ trưởng. Dưới bộ có cục, vụ cũng lại thêm một lô trưởng và phó. Chưa hết, cấp tỉnh/thành, quận/huyện, phường/xã, thậm chí ấp, cũng có hàng lô trưởng và phó. Rồi từ đại học, bệnh viện, trung tâm, đến phòng ban trong các trung tâm đó đều có trưởng và nhiều phó. Tôi ngạc nhiên tại sao bao nhiêu năm nay mà VN không cải cách bộ máy hành chính cho tinh giản hơn, mà lại làm cho nó phình ra.
Đó là chưa nói trong hệ thống đảng, cũng có bộ máy song song với chính quyền. Tức là họ bên đảng cũng có trưởng và phó. Tất cả đều do người dân trả lương! Như vậy, người dân đóng thuế phải cưu mang hai bộ máy trong một nước. Một bộ máy ra mặt, còn một bộ máy không ra mặt (đứng sau chỉ huy) nhưng chẳng chịu trách nhiệm trước công chúng.
Ở các nước phương Tây mà tôi biết thì rất hiếm có phó. Như ở Úc, chỉ có thủ tướng và 1 phó thủ tướng. Mà, vai trò ông phó thủ tướng Úc cũng không "sáng chói" như phó thủ tướng ở VN. Còn cấp bộ, Úc hoặc là có 1 thứ trưởng hoặc chẳng có thứ trưởng nào. Cấp bang (thường có dân số gấp 5-10 lần một tỉnh ở VN) cũng hiếm thấy phó. Như bang NSW tôi đang ở, tôi thậm chí không biết ai là phó thủ hiến, cũng có thể bang không có chức danh này. Còn cấp bộ trưởng bang thì cũng hiếm thấy có phó, chỉ có 1 trưởng thôi. Vậy mà guồng máy hành chính của họ chạy rất trôi chảy và phục vụ dân thật sự chứ không phải "hành là chính" như ở VN.
Ở VN người ta dịch chữ "thứ trưởng" là deputy, còn ở nước ngoài (như Mĩ chẳng hạn) thứ trưởng có chức danh là assistant. Chữ deputy dĩ nhiên là oai hơn assistant. Có lẽ cách dịch của VN là muốn nâng cao vai trò của thứ trưởng. Trong thực tế, tôi nghĩ assistant có lẽ thích hợp hơn, vì thứ trưởng là phụ tá cho bộ trưởng.
Trong những năm gần đây, VN có quá nhiều tiến sĩ, giáo sư/phó giáo sư. Nhưng song song với sự tăng trưởng của guồng máy học thuật, VN còn có một sự tăng trưởng khác: số tướng tá trong quân đội và công an. Có lẽ chưa bao giờ trong thời bình mà VN có nhiều tướng tá như hiện nay. Cũng chưa bao giờ có chuyện cảnh sát giao thông đứng đường mang hàm trung tá! Ngày xưa, quân nhân mang hàm trung tá hay đại tá đã có thể là tỉnh trưởng (như chủ tịch UBND ngày nay), nhưng ngày nay, hàm đại tá quá nhiều và chẳng còn uy danh như ngày xưa. Không biết mấy nước khác thì sao chứ ở Úc này tôi không thấy công an / cảnh sát mang hàm cấp tướng. Sự hiện diện của nhiều tướng trong ngành công an ở VN cũng là một nét đặc thù về thể chế của VN: công an trị. Nay đến sự hiện diện của đội quân thứ trưởng thậm chí còn nhiều hơn tướng lại thêm một nét đặc thù khác của VN: đó là ôm đồm và ham quản lí.
Tại sao VN có quá nhiều thứ trưởng? Một phần có lẽ là do "truyền thống" từ thời Pháp thuộc để lại. Một phần khác là để tăng cường quản lí, vì bộ máy công quyền VN thích tập trung quyền lực và thích quản lí người dân. Một phần khác, chức danh "phó" có lẽ là một hình thức thưởng công hay dàn xếp giữa các phe phái, một cách chơi cờ người. Cũng có thể giải thích rằng VN có nhiều phó là phản ảnh sự incompetence của bộ trưởng. Có lẽ vì incompetence nên bộ trưởng phải cần nhiều phụ tá. Dù lí do nào hay cách giải thích nào thì sự hiện diện của đội quân thứ trưởng phản ảnh một bộ máy cồng kềnh, quan liêu, và kém hiệu quả.
Theo FB Nguyen Tuan theo Quê Choa .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét