28 thg 3, 2013

Phiếm luận CHUYỆN TIẾU LÂM và NÓI LÁI


Phiếm luận : CHUYỆN TIẾU LÂM VÀ NÓI LÁI .
 
                                   Riêng tặng hương hồn chú 9 Hùng người thầy yêu, kính . .


+CHUYỆN TIẾU LÂM :  ÔN CÁI LẰN – ĂN CÁI ĐẦU .

Anh Giáp vốn không khá giả gì, làm ngày nào ăn ngày ấy, chiều chiều giải ngể ở gia đình các người bạn, thỉnh thoảng cũng phải mời các chiến hữu đến nhà 1 bữa chứ ! nhậu ké mãi xem sao được .

Chiếu rượu chiều nay tại nhà anh Giáp với 4 người bạn, trong nhà chỉ còn 1 gà trống và 2 gà mái, hy sinh 1 con mái đãi khách vậy.

Thực đơn : Cháo gà và gỏi gà.  Lúc đầu các thực khách rôm rã bảo chủ nhà : đem ra ít thôi, chừa lại cho vợ con của mầy nữa chứ !

Đến lúc bắt mồi, bắt rượu, mồi cạn anh Giáp phải đem thêm … phần còn lại sau cùng để lại cho vợ và 2 đứa con chiều đi học về ăn, cũng đem ra nốt.

Chiếu rượu hấp dẫn, hào hứng … đến màn NÓI LÁI , một anh gắp cái cánh gà nói :” canh cái ắn “, anh kia :” mê cái ằn “, anh nọ “ gio cái ằn “ … cứ thế mà lái …

Chị Giáp buồn bực, ra đứng trước nhà xem các bác nhậu và nói lái, trên chiếc đĩa chỉ còn lại 1 cái đầu gà và ít cọng gỏi, một bác còn bảo anh Giáp vào nhà lấy thêm mồi … còn đâu mà lấy ?

Tức quá, dằn lòng không được ,chị Giáp hỏi : còn ÔN CÁI LẰN nầy nè ăn không ? mang ra luôn cho !

Anh Giáp nghe qua sợ quá, 1 anh bạn cũng nghe hỏi lại : Vợ mầy nói gì thế?

Anh Giáp vội trả lời : nó nói ÔN CÁI LẰN là ĂN CÁI ĐẦU, còn cái đầu gà nè, mầy ăn luôn đi .

Vừa giận, vừa tức cười, trở vô nhà chị Giáp lẩm bẩm : “ mấy cha nhậu nầy thiệt lì lợm hết chổ chê ! bó tay !

Từ đó có câu chuyện ÔN CÁI LẰN  là ĂN CÁI ĐẦU, chuyện có thật đấy quí vị ạ !


+GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG :

·        Trong số quan lại làm quan cho Pháp, có Nguyễn Văn Tâm tận tâm, tận lực với  mẫu quốc, nên được người Pháp cất nhắc làm quan lớn, ai cũng biết là nhờ bợ đỡ quan thầy, hà hiếp dân lành, tận thu sưu thuế mà làm được quan to. Tâm ta lấy làm tự đắc lắm. Phú quí sinh lễ nghĩa, quan lớn ta cũng tỏ ra mình là người phong lưu , sính chữ nghĩa, nên cho đặt làm 1 số bức hoành, trướng trang trí trong nhà. Có người đem dâng lên quan bức hoành viết “ ĐẠI ĐIỂM QUẦN THẦN “, viết chân phương rất đẹp, chữ thiếp vàng …. Đồng thời giải thích : Đại điểm là điểm lớn ; quần thần là bầy tôi. Ý là quan lớn là người bề tôi có vị trí quan trọng trong triều đình.

Quan Tâm lấy làm thích thú, đem treo bức hoành nơi trang trọng nhất, ai đến quan đều khoe và giải thích như trên. Ít lâu sau có người đến ngắm bức hoành, bảo quan lớn nên dẹp đi, quan Tâm ngạc nhiên hỏi, người ấy xin đừng bắt tội, đuổi hết tả hữu ra ngoài rồi giải thích : người tặng bức hoành nầy có ý chơi xỏ quan lớn, mà quan không biết, bốn chữ nầy dịch từng chữ : ĐẠI ĐIỂM là chấm to, chấm to là CHÓ TÂM ; QUẦN THẦN là bầy tôi, bầy tôi là BỒI TÂY, vậy là : CHÓ TÂM BỒI TÂY .

Quan lớn Tâm cho người gỡ xuông ngay và tiêu hủy.

·        Trạng Quỳnh tên thật là Nguyễn Quỳnh, sinh dưới thời Lê trung hưng, quê quán Nghệ An, hay chữ, bản tính lại ngông ngênh, hay châm chọc các quan lại, cả vua chúa ông cũng không tha, để lại nhiều giai thoại hay, vui trong lịch sử.

ĐẠI PHONG :  Một lần Trạng Quỳnh mang đến cho chúa Trịnh 1 lọ thức ăn mà Quỳnh khoe là món ăn tuyệt hảo, ngoài lọ ghi là Đại Phong, sau khi ăn chúa Trịnh khen ngon ( thực tế là Quỳnh câu giờ để cho bụng của Chúa thật đói rồi mới ăn ) và cật vấn món ăn lạ nầy và tại sao đặt tên là Đại phong, thì Quỳnh giải thích : Đại phong là gió to. Gió to thí các tượng Phật trong chùa lo sợ chùa sập, tức tượng lo là LỌ TƯƠNG. Nói thêm  các bậc Vua, Chúa đâu có ăn tương như dân dã, nên khi bụng đói gặp món ăn lạ thì ngon miệng.

ĐÁ BÈO : Một quận chúa trong phủ Chúa có tiếng kiêu căng và hống hách. Một hôm được tin bà quận chúa nầy trên đường đi chơi, Quỳnh chờ khi kiệu của Quận chúa gần đến. lội xuống ao bèo bên vệ đường, vớt bèo lên để cả đống, rồi lấy chân đá từng nắm bèo, thấy lạ Quận chúa bảo dừng kiệu, bước xuông hỏi chuyện, thì Trạng trả lời : Buồn quá, không có chuyện chi làm nên  ĐÁ BÈO chơi !

Lên kiệu đi tiếp, trong lòng Quận chúa giận ơi là giận, nhưng làm gí hắn ta !

CHUYỆN NGÀY NAY :  Có anh BÙI TÔN hiện là Phó Giám Đốc Công Ty Bảo Hiểm Xã Hội Tinh An Giang. Lúc còn công tác tại UBND.TX Long xuyên, được điều qua làm Bí Thư Xã Mỹ Hòa Hưng, nơi đây còn có địa danh là Cù Lao Ông Hổ, quê quán của Bác Tôn Đức Thắng, hiện giờ nơi đây có khu lưu niệm Bác Tôn rất hoàng tráng, điểm du lịch lý tưởng của thành phố Long xuyên.

Hôm uống rượu chúc mừng anh Bùi Tôn nhận nhiệm vụ mới, có chú Chín Hùng, người lớn tuổi nhất ( Trần Thanh Hùng nguyên Chủ tịch UBND Phường Mỹ Long, nguyên Phó phòng Tài chính TXLX, nguyên Trưởng ban Công Trình Công Cộng TXLX, đã mất )

Chú Chín Hùng khai tiệc : Xin chúc mừng đồng chí Bùi Tôn nhận nhiệm vụ mới tại xã Cù lao Ông Hổ, từ nay xin gọi là TÔN CÙ LAO nhé !

Mọi người đồng ý và nâng ly ….

Thấy tên gọi cũng hay hay, nhưng sau đó mỗi lần gặp bạn bè, mọi người cười cười, anh Tôn thắc mắc dọ hỏi … trong đám bạn nhậu có người bật mí : “ thằng cha chín Hùng ổng chơi mầy đó, trên đời nầy có 2 thứ quí nhất, chín Hùng gom cho mầy hết đấy .

Hiểu ra, Bùi Tôn giận lắm, nhưng biết làm sao hơn, hôm ấy mình cũng đồng ý nhận biệt danh nầy mà ! Bây giờ ở Long xuyên nhắc đến Tôn cù lao là biết ngay là anh Búi Tôn, để phân biệt với các anh Tôn khác như : Tôn Thuận Lang, Tôn Thuận Làm ….

Trên các blog, thích nhất là đọc các bài viết của Người Buôn Gió, bài viết hay, khi đọc xong có chút bùi ngùi. Người Buôn Gió lại xưng mình là LÁI GIÓ, cũng rất hay… Buôn gió là lái gió, Buôn vãi thì Lái vãi vậy … phải không quí vị ?

ĐẶC BIỆT : Việt Nam ta có cái tỉnh BẮC CẠN, thấy kỳ kỳ làm sao ấy !!!

Hôm nay đọc báo thấy cái tựa : NHÂN TRƯỜNG HỢP CÔ KỲ “ĐẠI DU “ (ngày thứ bảy 23/3/2013 Nguyenphunepal.blogspot.com) . Giật thót cả người, chuyện gì nữa đây ? Đọc hết bài báo mới hiểu : Cô KỲ là Lý Nhã Kỳ ; ĐẠI DU nghĩa là Đại sứ Du lịch của nước Việt Nam ta . TRỜI Ạ !

Như thế Việt Nam ta lại có 1 ngạch, 1 chức quan lại mới : QUAN ĐẠI DU .


             27/3/2013        TRỊNH KIM THUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog