30 thg 3, 2013

DỌC ĐƯỜNG ghi chép của MINH DIỆN


Chuyến máy bay của hãng hàng không VietJet đáp xuống sân bay Đà Nẵng muộn gần hai tiếng đồng hồ. Từ lúc ở phòng chờ  sân bay Tân Sơn Nhất tới điểm đến, đều không có một lời xin lỗi hành khách. Hình như càng ngày người ta càng tiết kiệm lời xin lỗi, ngay cả khi họ làm công việc kinh doanh? Một đất nước đang đang bị mọt ruỗng nền văn hóa ứng xử mà ngành giáo giục vẫn tự hào là tiến bộ vượt bậc kể cũng lạ!  Thật xấu hổ khi nhìn những quan chức cấp cao Nhật Bản, Hàn Quốc, thường cúi gập người xin lỗi, dù có khi lỗi không phải do họ mà chỉ là có sự liên quan.
            Đà Nẵng vẫn còn choáng váng vì “quả bom 3.000 tỷ” ném xuống thành phố này, ngay sau khi Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội làm Trưởng ban Nội chính Trung ương. Ngồi chỗ nào cũng thấy dân bàn tán, không phải đồng tình với Thanh tra mà ngược lại. 
              Điểm nội cộm nhất là khu bãi biển Thanh Bình, nơi Thanh tra  kết luận bán đất rẻ, làm thất thu hơn ngàn tỷ. Người dân nói khu này trước là biển,  Đà Nẵng  bán cho Hàn Quốc giá 300.000 đồng một mét vuông là bán mặt nước, không phải bán  đất. Chủ đầu tư tốn bao nhiêu tiền cắm kè,  bơm cát,  phân lô, trồng cây mới thành bãi biển như  bây  giờ.  Đà Nẵng còn có bãi tắm, lại được thêm chục héc ta đất, vậy là lời.  Nói bán đất  rẻ, thất thoát hơn một ngàn tỷ chưa thỏa đáng.
                   Người Đà Nẵng vui mừng đón giờ phút con rồng vàng vắt ngang qua Sông Hàn phun lửa  đêm 29-3.  Hôm ấy Cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý cùng khánh thành, mừng 38 năm thành phố giải phóng. Thế là trên dòng Sông Hàn đã có 9 cây cầu hiện đại bắc qua: Cầu Cẩm Lệ, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Hòa Xuân, cầu Tiên Sơn, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cần Nguyễn Văn Trỗi.              Đối diện với bãi biển Thanh Bình không xa là Bệnh viện ung bướu, 600 giường, mới khánh thành, màu ngói  đỏ tươi. Những người bệnh nghèo tới đây được khám bệnh, phát  thuốc  bình đẳng  như người giàu, nhưng được miễn phí 100%.  Người thân chăm sóc bệnh nhân được  ăn, ngủ không mất tiền.  Hình như 64 tỉnh thành trong cả nước chưa có nơi nào người nghèo được quan tâm thiết thực như vậy?  Cũng chưa có nơi nào bệnh viện  giữ xe miễn phí cho người  thăm nuôi bệnh  như  Đà Nẵng.  Nghe nói khi đưa ra quy định này, Nguyễn Bá Thanh mời giám đốc các bệnh viện họp với lãnh đạo thành phố. Ông Thanh nói: “Đừng nghĩ  3 ngàn đồng gửi một chiếc xe máy là nhỏ mà chép miệng bỏ qua. Người bệnh có khi nằm cả tháng, người thân thăm nuôi mỗi này vài lần. Tích tiểu thành đại, hàng trăm ngản như chơi. Người nghèo lấy đâu ra?” Nói xong ông Thanh hỏi: “Bệnh viện nào đồng ý giữ xe miễn phí?”.  Tất cả giơ tay. Có người hỏi: “Lỡ mất xe ai đền?”.  Ông Thanh trả lời: “Giám đốc đền!”
                  Trước khi Nguyễn Bá Thanh làm chủ tịch rồi  bí thư, Đà Nẵng chỉ có một cây cầu Nguyễn Văn Trỗi  bắc qua sông Hàn. Khi đó bờ Bắc  là khu “Nhà chồ” bệ rạc, tăm tối,  còn bờ Nam mênh mông đồng bãi, sú vẹt. Giờ bờ Bắc là  khu phố đẹp nhất thành Đà,  bờ Nam là khu đô thị mới, với các đại lộ Hồ Nghinh, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt thênh thang, khách sạn, nhà hàng, nhà ở  mọc lên khang trang.
                   Anh Sáu ở đường Phước Mỹ 1, nói với tôi :
                   - Mười sáu năm chưa dài, nhưng Nguyễn Bá Thanh đã làm cho Đà Nẵng thay đổi, để lại dấu ấn đậm đà, đó là sự thật, dù ghét Nguyễn Bá Thanh đến mấy cũng không thể phủ nhận.
                   Tôi ở khách sạn Hiền Hòa đường Hồ Nghinh. Chủ khách sạn cho biết đất mặt tiền đường này lúc cao điểm hơn 35 triệu một mét vuông, nay khoảng 25 triệu. Trước kia đây là vùng trồng rau, nhiều lô đất bỏ hoang. Khi tiến hành đô thị hóa, việc bồi thường giải phóng mặt bằng cũng xảy ra khiếu kiện. Điển hình là trường hợp ông K.  Ông có 700 mét  vuông, được thường 1 nền nhà mặt tiền đường Hồ Nghinh 100 mét vuông, 2 nền phụ trong hẻm, mỗi nền 100 mét vuông, cộng 300 mét vuông,  nhưng ông K  không chấp nhận. Ông lôi kéo thêm vài người khiếu kiện ra tận Hà Nội.
                    Người chủ khách sạn nói với tôi:
                   - Ông K, dại! Thời điểm đó, nếu ông ấy nhận 3 lô đất, bán được 10 tỷ. Bảy trăm mét vuông đất ruộng, đổi lấy 300 mét vuông nền nhà, trị giá 10 tỷ mà còn tham  chi nữa?
                     Tôi nghĩ nếu bà con Văn Giang, Hưng Yên và các địa phương khác cũng được đổi đất lấy nền nhà như ở đây chắc sẽ không xảy ra biểu tình.
                    Nguyễn Bá Thanh đi, Đà Nẵng chưa có bí thư. Ông Trần Thọ vẫn Phó bí thư kiêm Chủ tịch. Nghe nói sẽ thay Nguyễn Bá Thanh làm chủ tịch Hội đồng nhân dân, còn chức bí thư vẫn trống.
                    Ai sẽ làm bí thư?  Sao Nguyễn Xuân Anh  không lên thay?
                    Theo quy luật chính đi khuyết thay. Ông Nguyễn Xuân Anh đường đường là một Ủy viên Dự khuyết Trung ương đảng, thay thế ông Nguyễn Bá Thanh làm Bí thư Thành ủy là hợp lý, sao không?
                    Một cán bộ ở Sở xây dựng lắc đầu:
                    - Mới làm được vài việc,  như cắt băng khánh thành hoặc trao bằng khen thôi ông ơi!
                   Chỉ trong vòng 5 năm, nhảy phắt từ một phóng viên báo Thanh Niên lên Uỷ viên Dự khuyết Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, mà tài đức làng nhàng như vậy thì đáng buồn!  Nếu  không phải  con của ông Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương, thì Nguyễn Xuân Anh bây giờ có lẽ vẫn là một anh phóng viên không tên tuổi.
                   Nhưng đâu  riêng Nguyễn Xuân Anh?
                  Từ Đã Nẵng, chúng tôi  đi gần 200 cây số đến cuối  huyện Quế Sơn , Quảng Nam. Núi rừng trùng điệp. Đường hun hút.
                 Sông Thu Bồn mùa này ít gầm thét như mùa mưa lũ, nhưng ngược lên thượng nguồn, chỗ mỏm Đá Dừng nước vẫn xoáy.  Mấy chục người dân đã chờ sẵn ở bến. Có cụ già bảy, tám chục tuổi đi đò tới đợi từ 6 giờ sáng. Manh nón rách che mưa, chiếc khăn trùm che gió. Những khuôn mặt hốc hác, xám xanh vì mưa rét.
                  Mỗi phần quả của chúng tôi chỉ vẻn vẹn 500 ngàn đồng, gồm 5 kg gạo, 1 chai dầu ăn, một tấm mền và 250.000 đồng tiền mặt, nhưng hình như cũng làm các cụ ấm lòng. Tới đây, tôi mới thấy mình đúng, khi đổi chiếc vé VIP doanh nhân của hãng VietnamAirline  lấy chiếc vé  khuyến mãi cùa VietJet,  để thêm được vài phần quà cho người nghèo.
                   Ở khu Resort Hội An, tôi được biết có loại phòng VIP giá 2500 đô la một đêm, và ngày nào cũng kín chỗ. Có đại gia thuê một lúc hai phòng cho mình và cho một quan chức mình đang nhờ vả. Mùi bùn đất và hình ảnh những người dân nghèo khổ không thể lọt vào những căn phòng lộng lẫy như cung điện ấy.
                  Ca nô cao tốc từ Cửa Đại  ra Cù Lao Chảm hết 25 phút.
                  Giữa biển mênh mông, có một  giếng Trời, trong như mặt gương, ắp đầy nước ngọt. Cạnh giếng là chùa Hải Tạng.  Hàng trăm người vượt biển ra Cù Lao Chàm mỗi ngày, chủ yếu thăm giếng Trời và cổ tự.  Bốn trăm năm trước Trời ban  nước ngọt,  cứu người đi biển gặp sóng gió dạt vào hòn đảo này, giờ ngôi cổ tự và giếng Trời lại giúp người dân  Cù Lao Chàm kiếm kế sinh nhai. Cái giếng Trời thiêng liêng chứa đựng cuộc sống vĩnh hằng !
                Người hướng dẫn viên du lịch nói với chúng tôi:
                - Rất nhiều người Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc ra thăm quan Cù Lao Chàm, nhưng họ không được phép ở lại ban đêm.
                 - Tại sao vậy?
                 - Đó là quy định của Đồn biên phòng, để bảo vệ an ninh.
                  Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cách Cù Lao Chàm không xa!  Trên Cao Đỉnh bày trước Thế Miếu cung đình Huế, có khắc hình Biển Đông, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa.  Ông cha ta đã làm chủ hai quần đảo giàu tài nguyên ấy từ thế kỷ 17. Bây giờ Trung Quốc chiếm mất Hoàng Sa và đảo Gạc Ma của Trường Sa. Nhưng  có lẽ không phài do những người khách du lịch sáu, bảy chục tuổi và những người phụ nữ Trung Quốc, Đài Loan  hiền lành,  cùng ra thăm đảo với chúng tôi chiều nay.  Kẻ xâm lược đã hiện hình, ai cũng biết trừ những người không muốn biết!
                   Chị Hoàn, một Việt Kiều ở Mỹ, nói với tôi:
                   - Ở Cali, mỗi lần nhắc tới Hoàng Sa bọn tôi lại sôi máu lên!
                   Người ta nói ở Huế, người chết nuôi người sống quả không sai. Mỗi ngày hàng ngàn khách thập phương từ khắp nơi tới đây chủ yếu thăm lăng tẩm của các vua triểu Nguyễn. Những chốn u tịch ấy, gợi cho mỗi con người một  sự chiêm nghiệm về quá khứ, hiện tại và tương lai.
               Đứng giữa khu phế tích An Lăng, vừa cảm thấy xót lòng lại vừa cảm thấy trân trọng một quá khứ phép nước nghiêm minh.
              Đây là lăng vua Dục Đức. Ông là Hoàng tử Ưng Chân, con nuôi vua Tự Đức. Vua Tự Đức có di chiếu truyền ngôi cho Ưng Chân, nhưng ngài đã thẳng thắn vạch ra những tính xấu của người kế vị như sau:  “Ưng Chân mắt hơi có tật, dù xưa nay vẫn dấu kín, sợ sau này không còn thấy sáng, tính lại hiếu dâm, vì tâm tính rất xấu, không chắc đảm đương được việc lớn. Nhưng đất nước cần có vua lớn tuổi. Trong thời thế khó khăn này, không dùng Ưng Chân thì dùng ai?”
               Các quan phụ chính Trần Tiến Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết dâng sớ xin vua Tự Đức bỏ đoạn nhận xét xấu về Ưng Chân , nhưng vua Tự Đức không chịu.  Ông nói: “ Phải giữ lại câu đó, để nhắc người kế vị tự răn mình, tu tỉnh!”
                 Ngày 17-7-1883, vua Tự Đức băng hà  tại Điện Càn Thanh,  Hoàng tử  Ưng Chân vào chầu chịu tang,  coi như vua kế vị.
                 Ba ngày sau lễ đăng quang  được cử hành ở Điện Thái Hòa.
                Quan phụ chính Trần Tiến Thành  đọc di chiếu cùa vua Tự Đức, cho Hoàng tử Ưng Chân kế vị, hiệu là Dục Đức, đến đoạn nói những tính xấu của Ưng Chân , ông đọc nhỏ và lướt nhanh. Lập tức quan phụ chính Nguyễn Văn Tường nhảy ra,  nắm áo quan phụ chính Trần Tiến Thành , và nói lớn:
               -Tại sao ông không đọc đoạn Tiên đế nói đến những điều ngài nghĩ về Ưng Chân?
                Quan phụ chính Nguyễn Văn Tường cho người khác đọc lại di chiếu, rồi cùng quan phụ chính Tôn Thất Thuyết xin ngưng buổi lễ đăng quang, mang sự việc tâu lên Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ.
                Theo lệnh Thái hoàng Thái Hậu, vua Dục Đức bị truất ngôi, đày vào Thái y viện, rồi chết vì đói khát trong ngục thất khi mới 32 tuổi.
                    Khoảng cách giữa đế vương và tội đồ có vài bậc Điện Thái Hòa.
                 Vinh quang và cay đắng chỉ trong giây lát, và chỉ vỉ một hành động gian trá!
             Thế mới biết di chiếu quan trọng đến nhường nào, và đời xưa, phép tắc nghiêm minh,chứ  không  ỷ quyền thế  mà tủy tiện làm càn!
                 Các bậc đế vương luôn để lại cho hậu thế những bài học làm người!
               Tôi thả những bống hoa xuống dòng sông Thạch Hãn và nhẩm đọc những câu thơ cùa cựu chiến binh Lê Bá Dương:
                             Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
                             Dưới sông còn đó bạn tôi nằm
                             Có tuổi hai mươi hòa sóng nước
                             Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn  năm!
                   Tượng đài mười chín quả tim trên bờ Bắc dòng sông như vẫn đang nhỏ máu. Và trong thành cổ kia , là tòa nhà tưởng niệm cố Tổng bí thư Lê Duẩn ,với bức tượng ông kiêu hãnh.
                    Không ai có quyền phán xét những người lính ngã xuống trong chiến tranh, nhưng với những chính khách và tướng lĩnh cầm đầu cuộc chiến thì khác.
                   Một đại úy trong đoàn cựu chiến binh Hải Phòng thả những bông hoa xuống dòng sông Thạch Hãn , và nói với tôi :
                    -Chúng  ta  nhớ mãi 19 người lính đã  hy sinh  trên cầu Thạch Hãn ngày 10-4-1972,  cũng như hàng ngàn  người lính  hy sinh trong mùa hè đỏ lửa thành Quảng Trị.  Và chúng ta có quyền  đặt câu hỏi, rằng có thật sự cần thiết  phải  vét hết đợt lính này đến đợt lính khác, trong đó có những sinh viên đầy tài năng,  ném vào “cái cối xay thịt”  này không ?
                    Câu hỏi ấy bám theo tôi vào động Thiên Đường.
                   Tạo hóa sinh ra một cảnh quan tuyệt đẹp tùy theo trí tưởng tượng của con người. Lâu đài, thành quách, khối bạc, khối vàng, lầu son gác tía... Chốn Thiên Dường  chấp chới  hư thực như ảo ảnh , làm đắm đuối mọi người.
                   Nghe nói mỗi ngày trung bình 2000 lượt khác thăm quan , mang lại doanh thu cho Công ty Trường Thịnh 2,6 tỷ đồng. Nhưng ông Hồ Khanh, người phát hiện ra Thiên Đường chỉ được trả công 800.000 đồng và một tấm bằng khen!
                   Tôi cảm thấy thương ông Hồ Khanh. Nhưng thương hơn là những người đồng đội  giờ này còn nằm dưới dóng sông Thạch Hãn lạnh lẽo!
                 Đêm cuối cùng ở Huế, tình cờ dự đám cưới của một đại gia. Chú rể, không, phải gọi cụ rể mới đúng, vì đã ngoại thất thập cổ lai hy, lưng hơi gù, mặt chảy xệ, hai mắt híp, đầu chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc. Cô dâu mới khoảng ngoài hai mươi, khuôn mặt trái xoan, dáng người mảnh mai. Cặp tân hôn quá “lệch pha” và kệch cỡm như chiếc que cời than bên chiếc đũa son. Nhưng hai cái miệng đều cười mãn nguyện!
                 Người ta nói, cụ rể hạnh phúc vì ngoài  bảy mươi vẫn lấy được gái tân, cô dâu hạnh phúc vì trở thành chủ nhân của ngôi biệt thự tuyệt đẹp,  và khối tài sản vài chục tỷ.
                 Tôi có một người quen, hơn đại gia này vài tuổi, có xe Rolls Royce,  đã  qua 6 đời vợ, một lũ cháu nội cháu ngoại, vừa cưới cô vợ thứ 7 mới 19 tuổi.
                 Tôi còn được biết một vị quan to, vợ chết chưa đầy năm, vừa nghỉ hưu lấy một cô vợ trẻ, là bồ của chính con trai mình, gây nhiều tai tiếng.
                 Tiền xóa nhòa tuổi tác! Tiền phủ kín những nếp nhăn, gột sạch những nhớp nhúa!
                  Tôi bỗng nhớ bài thơ “Dì ru em” của một tác giả trẻ,  tôi  chép được ở nhà đại tá Đặng Thọ Truật.
                                       Gần nghỉ hưu lại có em
                              Nhờ ai cha mới nên duyên trễ tràng?
                                       Dì ru em điệu xẩm xoan
                              Buông câu nhả chữ xốn xang như chèo
                                      Câu tình câu ví buông neo
                             Nhặt khoan khoan nhặt những chiều bên sông
                                    Đất nghèo chua mặn nghề nông
                                 Mấy đời đào ếch lội đồng mò cua
                                     Giúp đời thôi chẳng con vua
                              Quét rác sân chùa vẫn cứ thăng quan
                                      Em ơi có ngủ cho ngoan
                                Mai sau nhà cửa bạc vàng thiếu chi
                                      Ơn cha nghĩa mẹ công dì
                                Chồng già vợ trẻ biết khi nào buồn.
                      Một tuần hành hương miền Trung vui buồn lẫn lộn.
                                                                                    M D
                                                   MINH   DIỆN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog