22 thg 3, 2013

Phiếm luận Chuyện Nói Lái


Trịnh Kim Thuấn
Thứ tư ngày 6 tháng 3 năm 2013 9:49 PM

Không lẽ mình là người Việt, mình cho rằng tiếng Việt là nhất dương chỉ, thì chẳng khác nào : mèo khen mèo dài đuôi hở quí vị ? Ngẩm nghĩ thì thật thế ạ ! nào là kho tàng chuyện cổ tích, nào là kho tàng ca dao, tục ngữ, Truyện Kiều … nhưng độc đáo nhất là CHUYỆN NÓI LÁI , có lẽ trên thế giới ít có nước nào được như ta. (đây là phiếm luận, người viết chỉ biết mỗi một ngôn ngữ là tiếng Việt, có điều chi sơ suất nhờ chỉ giáo thêm. Cám ơn.), chẳng hạn như : bí mật = bật mí ; vũ như cẩn = vẫn như củ ; bắt cọp, nắng cực, vũ đạo, đạo cụ …..
Nói lái thì có phần thanh và phần tục, phần tục thì vui hơn, nói lái thì có lái giỏi, lái dở , kỵ nhất là lái vọt ….có 1 người nổi danh là Lái Gió ….

KỶ NIỆM THỜI HỌC TRÒ :  Năm 1963, chúng tôi học lớp Đệ Thất (lớp 6), 1 số bạn có tên đặc biệt như Phan Anh Tuấn bị gọi là Tuấn nốc, Lưu Tấn Sĩ bị gọi là Sĩ đỏ, Nguyễn Văn Hai bị gọi là Hai néo, Trần Bình Thảo bị gọi là Cẳng bò …. Đến bây giờ sau 50 năm, các mái tóc đều đã bạc, khi gặp lại nhau vẫn gọi tên cùng biệt danh như xưa.
Chuyện kể :  Một hôm trong giờ học, gió thổi mạnh làm 2 cánh cửa sổ của phòng học đóng lại nghe “Rầm”, tức thời có tiếng của 1 bạn la lên : “gió quá tay”, cả lớp cười ồ … cô giáo đang giảng bài, ngạc nhiên vì gió quá tay là đúng quá, sao lũ nầy ồn thế ? Chừng 5 phút sau, cô hiểu ra, hai gò má đỏ ửng lên, cô lắc đầu, cười ngao ngán, thật là : nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò .
GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG : Nhiều lắm, cả một kho tàng đồ sộ, đơn cử vài ba chuyện như :
Câu đối vui :                  Trai Hóc Môn vừa hôn còn móc.
                                       Gái Gò Công  đã gồng lại co .
Ca dao :  Nàng ra đề trước :  Con cá đối nằm trong cối đá.
                                              Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo.
                                              Ai mà đối được, dẫu nghèo em cũng ưng.
Vế ra vô cùng hóc búa, nhưng gái thuyền quyên gặp khách anh hùng .
Một chàng trai đáp lại :            Con mỏ kiến đậu trên miếng cỏ.
                                                 Chim vàng lông đậu cạnh vồng lang.
                                                 Anh đà đối được, liệu nàng ưng chăng ?
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm, là người đã đưa nói lái vào thơ đường luật thật siêu đẳng, như 2 bài thơ :
                                    CHÙA  QUÁN  SỨ
                              Quán sứ sao mà khách vắng teo.
                              Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo ?
                              Chày kình tiểu để suông không đấm.
                              Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo.
                              Sáng banh không kẻ khua tang mít
                              Trưa trật nào người móc kẻ rêu.
                              Cha kiếp đường tu sao lắt léo ?
                              Cảnh buồn thêm ngán nợ tình đeo .
                                       KIẾP   TU   HÀNH
                               Cái kiếp tu hành nặng đá đeo.
                               Vậy mà một chút tẻo tèo teo.
                               Thuyền từ cũng muốn về Tây trúc.
                               Trái gió cho nên phải lộn lèo.
CHUYỆN VUI 1 :  Cái   Đèo NGANG .
Trên đường từ Bắc vào Nam, phải qua đèo Ngang, khi qua đèo một đồng chí lên tiếng :
                       Đất nước mình, mấy trăm năm nay làm ăn không khấm khá, chắc cũng tại cái đèo Ngang nầy, nó nằm ngang chình ình , nên tổ tiên ta đã đặt tên cho nó là đèo Ngang, chính vì vậy nên làm ăn hoài, có siêng năng, giỏi dắn mấy cũng không khá, không phất lên được .
Mọi người thắc mắc hỏi :   Tại sao ?
Một đồng chí trẻ hăng hái phát biểu : Có gì đâu mà không hiểu, đèo ngang là đang nghèo ! nếu bây giờ mình đổi lại là đèo Nghếch đi, thì đếch nghèo.
Thế là đồng ý  đổi tên thành đèo Nghếch. Thật là linh ứng .
Sau vài năm, kinh tế phát triển đi lên, làm ăn khấm khá, dân chúng hơi ấm, hơi no, nhưng thói đời hễ no cơm thì ấm cật, vì vậy dân số càng ngày càng tăng, mà lại tăng quá mức, vì thế phải họp khẩn cấp để tìm cách chặn đứng việc bùng nổ dân số, nhưng tìm mãi vẫn chưa ra kế hoạch nào. Bỗng một chú già lọm khọm đưa tay xin có ý kiến .
Chú nói : Trước đây ta đổi đèo Ngang thành đèo Nghếch, thì đúng là có hiệu quả như mong muốn, vậy nay ta đổi thêm một lần nữa xem sao, vì cái tên nó nói lên cái đặc điểm của vùng đất địa linh nhân kiệt, yết hầu của chúng ta.
Mọi người nhau nhau lên hỏi : Việc đổi tên đèo đâu có ăn nhập gì đến kế hoạch hóa gia đình đâu ?
Chú trả lời :  Có chứ .
- Thế đồng chí định đổi lại thành tên gì ?
- ĐÈO  ĐỨNG !                                                   (Tễu Blog sưu tầm)
CHUYỆN VUI 2 :  TRONG QUÁN CÀ PHÊ (  chuyện nầy lai có khống nhưng thấy hay quá xin chép lại cùng xem cho vui ).
Một lần khác ba anh em chúng tôi, trong đó có 1 thầy dạy Toán, 1 thầy dạy Sinh vật cùng đi xa, giửa đường mắc mưa. Cả ba liền tấp vào một quán cà phê cạnh đường, vừa trú mưa vừa du dương điếu thuốc bên cốc cà phê phin nóng hổi. Tiệm cà phê khá lớn và rất đông nhân viên phục vụ. Đang ngồi lim dim thả khói, bỗng thầy HTC, dạy môn Sinh vật nhớ lại chuyện 2 con bọ cạp giao hoan mà thầy cơ may chứng kiến, nên nảy ý làm 1 câu đối trong đầu, rồi vừa cười mĩm, vừa rung đùi ra vẽ khoái chí lắm. Thầy nghĩ câu đối hóc búa nầy mà nói ra sẽ không ai đối được. Thầy cười duyên rồi nói :
- Tôi dạy môn Sinh vật, nhưng nay tôi xin múa rìu, nghĩ ra câu đối nầy, đố anh em đối được thì tôi sẽ phục sát đất, nầy nhé :
                   Con bò cạp cạp con bò cạp, cạp chổ bò mà bò chổ cạp.
Thầy Cao T. Giám học của trường, nguyên là giáo sư ban Toán, gốc người Huế, nổi tiếng hài hước trong trường, trầm tư tìm vế đối. Cũng may, trước đó mấy ngày báo Trắng Đen (nhật báo tư nhân xuất bản tại Sài gòn trước năm 1975) trong đó có tường thuật một vụ quan hệ tình cảm bất chính của một cặp thương gia bị đổ bể và bị đưa ra Tòa. Ngó ngay mặt thầy C, anh thách :
              Nếu tao đối được thì mầy trả chầu cà phê nầy nhé ! còn nếu đối không chỉnh, tao sẽ trả hết, luôn hai gói thuốc lá Capstan. Mấy khách uống cà phê ở mấy bàn kế cận chăm chú lắng nghe.
Thầy Cao T. tằng hắng một tiếng rồi giả bộ nghiêm trang nói :
           Anh tiểu thương thương chị tiểu thương, thương chổ tiểu mà tiểu chổ thương.
Một tràng pháo tay nổ vang trong quán xen lẫn với tiếng cười vui. Thầy C. dạy môn Sinh vật vừa gật đầu, vừa vỗ tay tán thưởng, nhưng tìm cách gỡ huề cho bớt quê, Thầy nói :
Bây giờ, nếu mấy anh đối được câu nầy, tôi sẽ mời chầu khác ngay tại đây, vì trời vẫn còn mưa chưa thể đi được . Cả bọn đồng ý. Không khí trong quán bỗng trở nên ấm cúng và vui nhộn lên đến nỗi mấy anh chị chạy bàn cũng đứng lại nghe ngóng một cách thích thú. Thầy C. ôn tồn nói câu đối :
            Thầy Sinh vật, vật cô Sinh vật, vật chổ sinh mà sinh chổ vật.
Anh tiếp viên trẻ, tự nảy giờ tuy đi tới đi lui nhưng vẫn chăm chú lắng nghe một cách khoái chí, bỗng anh góp ý :
- Xin phép cho tôi tham gia được không ?
Mọi người đồng thanh hoan hô và khích lệ cậu tiếp viên. Cậu ta làm ra vẽ rụt rè rồi nói :
                     Em nói ra, nếu có gì sai, xin quí anh tha cho nhé, em xin đối :
                      Anh cà phê thương chị cà phê, phê chổ cà mà cà chổ phê.
Báo hại thầy Sinh vật lại tốn thêm một chầu cà phê thuốc lá nữa. Còn mấy cô tiếp viên đồng loạt cười vang rân rồi chạy trốn vì mắc cở ….
                                                                                                     
                                                          (theo Truong Duy Anh 26/12/2012).
Xin nhắc quí vị, khi chọn tên để đặt tên cho con, cháu, khi lót chữ THU, nên tránh mấy chữ sau đây : Thu Mai, Thu Mơ, Thu Cúc, Thu Cương, Thu Đạm …không khéo, khi lớn lên đến lúc đi học, bị các bạn trong lớp chọc phá chịu không nổi đâu !
ĐỊA DANH : Tôi quê ở An Giang, được biết tỉnh An Giang được thành lập từ năm 1832, năm Minh Mạng thứ 13 (theo Wikipedia. Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán nhà Nguyễn), khi đi làm ăn hoặc đi chơi, còn bị các bạn nhậu địa phương khác chọc quê : Mầy dân tỉnh Ăn gian, huyện Ăn quá, xã Ăn hoài, ấp Ăn nhậu, số nhà 35 ….
Đặc biệt :  Nước Việt Nam ta hiện nay trên bản đồ hành chính có tỉnh Bắc Cạn (trước là Bắc Thái, nay là Bắc Cạn và Thái Nguyên). Quí vị suy nghĩ xem có nên đề nghị cấp có thẩm quyền sửa tên hay đổi tên lại không ạ ? Nên chọn một cái tên mạnh mẽ hoặc thanh nhã hơn nhĩ ?
Chớ riêng tôi, nghèo thì nghèo, dứt khoát tôi không chịu bán đâu ạ !

04/3/2013        TRỊNH KIM THUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog