30 thg 10, 2015

Truyện vui : THẰNG NGỐ của Nguyễn Ngọc Dương / PNTB.


Thằng Ngô là hậu duệ đời thứ mười tám của thằng Bờm. Cụ tổ nhà nó không có họ, chỉ có mỗi cái tên Bờm mà thiên hạ cứ gọi “thằng Bờm”, chẳng ai gọi anh Bờm, bác Bờm hay ông Bờm cả. Riêng em ruột “thằng Bờm” tên là Cuội thì người ta cũng gọi là “thằng Cuội”, nhưng nhiều khi còn được gọi là “chú” - chú Cuội, chứ Bờm thì chỉ mỗi chữ “thằng”. Đến những đời sau thì dòng tộc nhà Bờm lấy ngay tên Bờm làm họ, nên thằng Ngô có họ tên đầy đủ là Bờm Văn Ngô.

Khi đẻ ra, nom mặt hắn ngây ngô như ngỗng đực, nên bố hắn đặt tên là Ngố. Nhưng hồi khai lí lịch đi làm công nhân, mấy anh cán bộ tổ chức mắt mũi kèm nhèm nom không rõ dấu sắc, xướng tên hắn là Ngô, thế là từ đấy tên Ngô trở thành tên thường gọi của hắn.

Từ bé bố hắn đã động viên: “Con ạ, mày nhớn lên, phải cố gắng học hành thành đạt, phấn đấu thành ông nọ, bà kia, có danh, có tính, làm gì thì làm phải để “vua biết mặt, chúa biết tên” đặng rạng danh tổ tông nhà mình, đừng để người ta cứ réo mả ông mả cha nhà mày lên mà gọi là “thằng”, nhục lắm”.

Học hết vỡ lòng, vào lớp 1 thì hắn cứ “giữ gôn” lớp 1 những 4 năm mới lên lớp 2. Đúp lên đúp xuống, học hết lớp 5 đã 18 tuổi, dù ngày ấy nhà trường chưa tính tuổi, nhưng lớn quá, xấu hổ, hắn bỏ học về xin vào làm công nhân cho Nông trường nuôi bướm. Một hôm, hắn xin ông giám đốc Nông trường cho về nhà  ăn giỗ ông nội. Vừa về đến nhà, thấy bà nội đang têm trầu, hắn lễ phép chào bà rồi hỏi: “Bà ơi, hôm nay chính thức là ngày giỗ chồng bà à, tức là đúng ngày chồng bà ngoẻo phải không?” (!). Bà nó trượt con dao cau, suýt nữa thì đứt tay. Bà cụ lườm nó một cái rồi chửi yêu: “Tiên sư bố nhà anh, đúng là dòng giống nhà Bờm!”. Nó chả hiểu gì, mặt cứ lạnh tanh…

Hồi mới đi làm công nhân, sinh hoạt ở công trường rất dân dã. Do nhà xí công cộng mất vệ sinh quá, hắn thường chui lên vườn sắn nhà dân ỉa bậy. Hắn bảo, ỉa thế cho nó mát… Có hôm cao hứng, đi từ nương sắn xuống hắn còn ngâm nga: “Thứ nhất quận công/ thứ nhì…”.

Một lần được Ban chỉ huy công trường cử về Hà nội mua vật liệu, ở đây, nhà vệ sinh công cộng người ta chỉ viết chữ WC, hắn chả hiểu gì nhưng vì “máu sĩ”, không dám hỏi, hỏi sợ người ta đánh giá là kém hiểu biết, đành nhịn tiểu. Lúc ra  đường phố, cái bàng quang “căng thẳng” quá, không chịu được, hắn vội mở khuy quần ghé ngay vào chân cột điện… Không ngờ bị một anh bảo vệ đường phố đeo băng đỏ vớ được. Anh này nom hắn có vẻ quê mùa nên dọa: “Anh phóng uế bừa bãi ra đường phố, tôi gọi cảnh sát phạt vi cảnh đấy!”. Vì nhịn quá lâu nên cuộc “xả lũ” của hắn mãi vẫn chưa hết.  Tuy nhiên nghe câu nói của anh bảo vệ, hắn sợ quá, thụt vội vòi vào, nước vẫn tiếp tục chẩy, khiến đũng quần hắn loang ra một đám thâm sì bằng bàn tay!. Hắn khúm núm: “Thưa anh, em ở miền núi về, không biết, anh thông cảm.”. Anh bảo vệ hỏi: “Quê miền núi thì ở đâu?” “Dạ em ở Sín Chải”. Anh bảo vệ phì cười, nom bộ dạng hắn đang ngứa ngáy vì ướt hết đũng quần nên bảo: “Anh nói thế thì bố tôi cũng chả biết Sín Chải nhà anh ở đâu. Thôi đi đi!”. Hắn mừng rơn, vội nói: “Cám ơn anh”. Hắn vội rảo bước, chỉ sợ anh bảo vệ đổi ý.

Đi một đoạn, hắn thấy có mấy người ngồi trên hành lang tầng 2 một ngôi nhà cao tầng, đang nói chuyện gì chả rõ, hắn cứ nghếch mắt lên nhìn… một anh chàng ngồi hành lang ngứa mắt hỏi: “anh kia, nhìn gì mà nhìn. Anh vi phạm luật đi đường phải nộp phạt. Hắn cãi: “Làm gì có luật ấy?”. Anh thanh niên chạy xuống đường, kéo hắn lại: “Nói cho anh biết, anh đừng có chày cối, tôi gọi cảnh sát thì anh không đủ tiền nộp phạt đâu. Đi đường là phải nhìn đường, nhìn ô tô, xe đạp… anh nghếch mắt nhìn nhà tầng là vi phạm điều 17, khoản 2, mục e luật giao thông đường bộ. Theo đó,  cứ nhìn lên một tầng là bị phạt 1 nghìn đồng, ngoài ra có thể còn bị hình phạt phụ là cấm 3 năm không được ra thành phố. Ngôi nhà này anh vừa nhìn 5 tầng, vị chi 5 nghìn, hiểu chưa? Hắn nghĩ: “thằng này nó thuộc luật giao thông như thế, không khéo nó là công an giao thông “ngầm” cũng nên?!”. Thằng Ngô hạ giọng: “Dạ vâng, em hiểu rồi ạ! Thành thật mong các anh tha cho, lần sau nhất định em không tái phạm!”. “Tha là tha thế nào. Nhưng thôi, tôi không gọi cảnh sát, anh nộp cho tôi một nửa, được chưa?”. Hắn thấy có lợi, gật đầu. Anh thanh niên bấm đốt ngón tay: “5 tầng, 5 năm hai nhăm. Đưa đây hai nghìn rưởi!”. Hắn lại cãi: “Tôi chỉ nhìn có 2 tầng thôi, làm đếch gì đến những 2 nghìn rưởi!”. Anh thanh niên làm ra vẻ thật thà: “Thế à, thế thì 1 nghìn, mỗi tầng 500 trăm đồng”. Hắn móc túi đưa cho anh thanh niên 1 nghìn rồi rảo bước. Vừa đi hắn vừa nghĩ bụng: “Bọn Hà Nội ngu thật, mình nhìn cả 5 tầng, thậm chí còn liếc mắt lên tận mây xanh, thế mà mình bảo 2 tầng, nó cũng tin sái cổ”!... Bất giác hắn thấy vui vui, cảm thấy mình thuộc loại thông minh, sáng suốt… Hắn vừa đi vừa huýt sáo bài: “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay…”

Từ ngày về hưu, thấy người ta nói văn chương thơ phú là cái “đền thiêng”, những ai đến đó đều được người đời trọng vọng, ngưỡng mộ. Từ đấy, hắn rất thích danh tính, quyết phấn đấu đến được cái “đền thiêng”, để được nổi tiếng “vua biết mặt, chúa biết tên”, được ngồi “cùng chiếu” với người mà xã hội ngưỡng mộ.  Mặc dù chỉ được học hết lớp 5, có vẻ đọc thông, viết thạo chữ quốc ngữ, tất nhiên cũng có lúc đọc thì đọc mà chẳng hiểu gì. Có người bảo hắn: “Ông biết nhà văn, nhà thơ là gì chưa?” Hắn bảo: “Không, tôi có được học hành gì đâu mà biết!”. “Thế này nhé, nói cho nhanh: Nhà văn, nhà thơ là những người có tài sử dụng ngôn ngữ chữ nghĩa như thày phù thủy điều khiển âm binh, như người dạy thú, thuần phục, điều khiển thú dữ ở rạp xiếc đấy. Không dễ như uống bia hơi đâu!”.  Thế là từ đó, thằng Ngô đều chịu khó “rèn luyện ngôn từ”, quyết tâm “làm xiếc chữ”, để mong đến một ngày nào đó thành nhà văn nhà thơ!...

Hắn mượn được mấy tập thơ của hội viên hội văn nghệ tỉnh về đọc để bắt chước cách làm thơ của họ. Rồi hắn làm thơ. Làm mãi, gửi mãi rồi cũng có bài được Tạp chí văn nghệ tỉnh đăng tải, dù Biên tập viên đã phải sửa chữa đến một phần ba… Tuy nhiên, hắn sướng lắm, gặp ai cũng khoe là có thơ được đăng trên Tạp chí văn nghệ tỉnh.

Một hôm họp tổ dân phố để nghe báo cáo công khai các khoản thu trong năm. Hắn phát biểu ý kiến: “Tôi thấy tổ dân phố số 7 của ta là rất vinh dự, tự hào vì vừa qua, tôi, một công dân của tổ được đăng thơ trên tạp chí văn nghệ. Xin thông báo để bà con mừng cho tôi và cho tổ dân phố ta.

Ở cuối phòng họp có mấy người xì xào: “Khỉ gió, thơ con cóc nhưng có lẽ vì để động viên phong trào, Tạp chí văn nghệ người ta đã đăng bài thơ ấy, còn đưa vào mục “Thơ Câu lạc bộ”, lạ đếch gì”. “Thì cũng là chó ngáp phải ruồi. Chẳng biết hay ho gì không mà vừa được in bài thơ đã hoắng lên như chó mừng…dùi đục!”

Tuy nhiên, sau khi hắn phát biểu, ông tổ trưởng dân phố cũng động viên: “Vâng, thưa bà con, mấy hôm rồi tôi cũng đã được nghe ông Bờm Văn Ngô được đăng thơ trên Văn nghệ của tỉnh. Đây là một vinh dự rất lớn cho Tổ dân phố chúng ta, thậm chí cả phường ta cũng chưa có một ai có thơ văn được “nhà nước” in như thế. Phải nói, gia đình ông Bờm Văn Ngô thật xứng đáng là gia đình văn hóa…”.

Hắn sướng lắm, đêm ấy không ngủ được. Lúc chập chờn hắn lại lẩm bẩm:

Thiên sinh
Thạch
sơn
Kỳ vĩ
Thanh thanh
Tọa lạc
Chọc
thẳng lên
trời xanh.
Chót vót cung trăng
Chị Hằng Nga
ưỡn ẹo
bên
chú Cuội
Hát
mãi bài ca
trong
chốn cung quảng
diệu kì…

Vợ hắn nằm bên thấy vậy tưởng hắn mơ ngủ, vỗ vỗ vào vai: “Này, ông mê cái gì đấy?! Cái gì mà Hằng Nga với chả ưỡn ẹo?!”. Hắn cùn: “Có im đi không! Làm đứt hết cả mạch tư duy của người ta!”. Vợ hắn điên tiết: “Lại mê con đĩ nào rồi hả!?...À, mà từ ngày ông đổ đốn ra thơ mới chả phú, suốt ngày suốt đêm cứ lẩm bà lẩm bẩm như thằng rồ, ai mà chịu được! Không mở mắt, vểnh tai lên nghe xung quanh người ta nói gì. Người ta đang bảo tôi: bà “sướng” thật đấy, lấy được ông chồng mới trở thành “nhà thơ con cóc cụ”, chả phải làm ăn gì, cứ “chưng cất” chữ nghĩa lên thành “rượu cuốc lủi” mà bán cho những anh vô công rồi nghề cũng thừa tiền tiêu!... Nhục ơi là nhục!”.

Hắn vùng ngay dậy, nghiến răng trèo trẹo rồi quát: “Đồ khốn kiếp, có khóa ngay cái mõm lại không?”.

Vợ hắn cũng chẳng vừa: “A, ông bảo ai khóa mõm? ông bảo tôi là chó à? Chỉ có con chó sắp bị làm thịt người ta mới khóa mõm. Nhá. Thì ra bây giờ ông cậy có nhiều chữ, nên đem ra ra xúc phạm vợ. Thế thì còn nhân cách gì mà ước ao thành nhà thơ nhà văn?! Ối làng nước ơi, hu hu… sao tôi khổ thế này, lấy được thằng chồng dòng giống nhà Bờm, lại còn mắc bệnh “cứt dớt có chóp”, cứ mê ngủ, tưởng mình cao đạo lắm, thế mà mở mồm ra bảo vợ là chó? Mày ngủ với chó à, đẻ ra chó con à? hu hu hu…”.

Thằng Ngô biết dại rồi, cũng do cái “bệnh nghề nghiệp”, suốt ngày luyện chữ làm thơ nên mới “luyện” cả chữ bảo vợ “khóa mõm”, cứ ngỡ cái chữ này là tuyệt cú mèo, ai ngờ lại là “trượt vỏ chuối!”. Hắn chợt tỉnh, bụng bảo dạ: “Thôi tốt nhất là mình khóa mõm mình lại, cho nó lành…”


30/10/2015 NND/PNTB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog