11 thg 10, 2015

200 triệu và 1.000 đồng! của Lê Đức Dục theo Phước Béo .



TT - Bản tin nhỏ trên báo Tuổi Trẻ hôm qua (8-10) về chuyện "Mua hàng “quên” trả tiền, phi công VNA bị Nhật tạm giữ" đã khiến hàng trăm bạn đọc có ý kiến, quan tâm! 

Thật ra, những thông tin ban đầu chưa đủ để kết luận viên phi công này quên thật hay “vờ quên” khi cất trong túi món đồ chưa được thanh toán và đi qua cửa kiểm soát.

Tuy nhiên, dù vô tình hay cố tình thì câu chuyện nhạy cảm này lại “đổ thêm dầu vào lửa” và gợi lại những hình ảnh không mấy đẹp trong thời gian gần đây từ những “đại sứ hình ảnh” của nước ta.

Chỉ vài tháng trước, dư luận đã ồn ào khi nghe tin cơ trưởng và tiếp viên của Vietnam Airlines (VNA) bị bắt tại Hàn Quốc vì giấu 6kg vàng dưới đế giày mang lậu vào nước này.

Hay vụ một tiếp viên xách tay 50 điện thoại iPhone, một cơ phó khác của đường bay Hà Nội - Tokyo cũng bị hải quan Nhật Bản tạm giữ điều tra vì liên quan đến đường dây tiêu phụ hàng phi pháp tại nước này!

Nếu những câu chuyện không mấy đẹp này do những công nhân xuất khẩu lao động gây ra, hẳn dư luận sẽ lên án, nhưng chắc chắn sẽ không bức xúc cực điểm như khi thủ phạm của hành vi phi pháp này lại là những phi công, tiếp viên hàng không!

Bức xúc cũng đúng thôi. Để có được những phi công, tiếp viên hàng không cho những chuyến bay trên đường bay quốc tế, chi phí đào tạo là một ngân khoản khổng lồ.

Trên những hành trình ngang dọc địa cầu, phi công và tiếp viên trên những chuyến bay của Việt Nam chính là một đại sứ hình ảnh đầu tiên với khách quốc tế. Và cũng như một mặc định, nghề hàng không trong suy nghĩ của người Việt vẫn là một nghề được xếp vào “đẳng cấp cao”.

Tất nhiên, với lao động đặc thù, đòi hỏi nhiều yếu tố khắt khe, chọn lọc thì đãi ngộ của những phi công rất cao là đương nhiên.

Bảng lương được VNA công bố công khai gần đây cho thấy mức lương của các phi công đạt vào tầm 60 - 80% của các hãng hàng không quốc tế, dao động từ 100 - 200 triệu đồng/tháng.

Chính thu nhập “khủng” này càng khiến nhiều người không thể không đặt câu hỏi: Vì sao với thu nhập như thế, nhiều người vẫn đang tâm đi buôn lậu hay “cầm nhầm” hàng ở các siêu thị nước ngoài?

Hỏi như thế, bởi đại đa số người dân Việt Nam hiện đang sống với mức lương chưa bằng vài phần trăm của mức lương phi công.

Và hỏi như thế còn bởi cùng trên số báo Tuổi Trẻ hôm qua, bên cạnh bản tin viên phi công VNA bị tạm giữ vì “quên” trả tiền mua hàng là câu chuyện về một tân sinh viên của Trường đại học Tài chính - marketing, em Văn Hoa Hải Đường.

Câu chuyện về em kể rằng từ khi học lớp 9, mới 15 tuổi, em đã sống một mình trong túp lều dột nát giữa đồi cà phê, tự đi làm và mưu sinh.

Vì nghèo quá có khi chỉ với 10.000 đồng, em mua đúng 10.000 đồng mỡ lợn về rán và trộn với muối làm thức ăn cho 10 ngày, tính ra mỗi ngày em tốn... 1.000 đồng thức ăn!

Hàng trăm triệu tiền lương mỗi tháng và 1.000 đồng cho bữa ăn mỗi ngày có khiến cho ai suy nghĩ không?

Để gầy dựng nên một hình ảnh nước Việt, người Việt thật rạng rỡ mà ta quen gọi là “quốc thể” không biết bao nhiêu thế hệ đã tốn máu xương trong ngày hôm qua.

Và hôm nay, những cái tên góp phần làm nên hình ảnh nước Việt trên bản đồ thế giới, với tài hoa, trí tuệ của những Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu, Lưu Lệ Hằng..., hay những giọt mồ hôi của Ánh Viên trên đường tập khiến bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, thì chắc chúng ta cũng sẽ buồn biết mấy khi nghe câu chuyện về những phi công, tiếp viên của ta bị bắt giữ nơi xứ người!

Nếu không làm cho đất nước rạng rỡ hơn trong mắt bạn bè, thì ít ra cũng đừng để bạn bè quốc tế trưng lên trong các cửa hàng, siêu thị những tấm biển với lời cảnh giác với thói xấu của người Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog