Nhật Tuấn nhận ra rằng truyện ngắn khó chuyển tải hết sự bồn bề của xã hội, và ông chuyên tâm viết tiểu thuyết. Thời đổi mới, Nhật Tuấn tung ra một loạt tiểu thuyết như “Bận rộn”, “Mô hình và thực thể”, “Niềm vui trần thế”, “Lửa lạnh”, “Biển bờ”, “Tín hiệu một con người”, “Những mảnh tình đã vỡ”… và nổi bật nhất là “Đi về nơi hoang dã”. Nhà văn Nhật Tuấn tâm niệm: “Văn chương với tôi là cách vượt thoát duy nhất khỏi những cảnh ngộ “chân tường” mà tôi thường bị dồn tới. Tôi phải cảm ơn số phận đã luôn trợn mắt lên với tôi. Nhờ những quả đắng mà nó thường mang tới, tôi luôn bám chặt lấy nghiệp chữ nghĩa. Bởi lẽ, nếu không còn văn chương nữa, thì tôi biết trò chuyện với ai?”. Tác phẩm của Nhật Tuấn ngổn ngang dằn vặt và suy tư. Thế nhưng, cuộc sống của ông lại rất phóng khoáng. Nhật Tuấn đã ba lần kết hôn, rồi vẫn lủi thủi một mình.
Nhà văn Nhật Tuấn vừa qua đời lúc 6 giờ chiều ngày 6-10-2015 tại Bệnh viện Thống Nhất – TPHCM, hưởng thọ 74 tuổi. Tin buồn này khiến giới cầm bút sửng sờ, vì nhà văn Nhật Tuấn vốn rất khỏe mạnh và rất sôi nổi. Thế nhưng, đã là số mệnh, thì khó cưỡng lại…
Hơn 10 năm nay, nhà văn Nhật Tuấn rời khỏi căn nhà ở Gò Vấp – TPHCM để chuyển về cư ngụ ở xã Tân Thành, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Người thân của Nhật Tuấn phần lớn đều lập nghiệp ở nước ngoài, bản thân ông cũng chán ngán sự ồn ào đô thị nên chọn một mảnh đất hẻo lánh để yên tĩnh đọc sách và viết lách. Cách đây 8 năm, nhà văn Nhật Tuấn từng đột quỵ do nhồi máu cơ tim khi đang tỉa cây trong vườn, cũng may hàng xóm phát hiện kịp thời nên đưa đi cấp cứu. Sau một ca phẫu thuật và một đợt điều trị dài ngày, ông đi Mỹ chơi rồi quay lại lối sống hào hứng như xưa. Lần này ông trở bệnh trong âm thầm và ra đi như tên một cuốn sách của ông: “Một cái chết thong thả”! Dù trong máy tính của ông vẫn còn nhiều bản thảo dang dở!
Nhà văn Nhật Tuấn sinh ra trong một gia đình tư sản Hà Nội. Giai đoạn đất nước chiến tranh cam go, Nhật Tuấn làm công nhân đào đường rồi vào bộ đội làm trinh sát công binh. Từ năm 1973, trong khói lửa, những tờ giấy mặt trước ghi số liệu khảo sát và đo đạc giao thông, thì mặt sau được ông tận dụng để viết văn.
Non sông thống nhất, Nhật Tuấn giải ngũ và đi theo con đường cầm bút chuyên nghiệp. Khởi đầu bằng truyện ngắn, Nhật Tuấn gây ấn tượng mạnh mẽ trên văn đàn với “Trang 17” và “Con chim biết chọn hạt”. Thành công ấy không chỉ giúp Nhật Tuấn trở thành cán bộ biên tập NXB Văn Học mà còn được tín nhiệm cho tham gia vào Hội đồng biên soạn công trình quốc gia “Tổng tập văn học Việt Nam” đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, và được làm việc chung với các nhân vật tầm cỡ như Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh… Trong vai trò ấy, Nhật Tuấn được cấp một cái thẻ đặc cách để đọc tất cả các tài liệu sách báo của hệ thống thư viện toàn quốc. Nhờ vậy, Nhật Tuấn có được một trữ lượng kiến thức văn học mà các đồng nghiệp phải kính nể. Thậm chí, Nhật Tuấn biết cả những tác phẩm mà chính tác giả đã bị thất lạc hoặc lãng quên.
Có lẽ cũng nhờ giai đoạn tham gia hội đồng biên soạn “Tổng tập văn học Việt Nam”, Nhật Tuấn nhận ra rằng truyện ngắn khó chuyển tải hết sự bồn bề của xã hội, và ông chuyên tâm viết tiểu thuyết. Thời đổi mới, Nhật Tuấn tung ra một loạt tiểu thuyết như “Bận rộn”, “Mô hình và thực thể”, “Niềm vui trần thế”, “Lửa lạnh”, “Biển bờ”, “Tín hiệu một con người”, “Những mảnh tình đã vỡ”… và nổi bật nhất là “Đi về nơi hoang dã”. Nhà văn Nhật Tuấn tâm niệm: “Văn chương với tôi là cách vượt thoát duy nhất khỏi những cảnh ngộ “chân tường” mà tôi thường bị dồn tới. Tôi phải cảm ơn số phận đã luôn trợn mắt lên với tôi. Nhờ những quả đắng mà nó thường mang tới, tôi luôn bám chặt lấy nghiệp chữ nghĩa. Bởi lẽ, nếu không còn văn chương nữa, thì tôi biết trò chuyện với ai?”.
Tác phẩm của Nhật Tuấn ngổn ngang dằn vặt và suy tư. Thế nhưng, cuộc sống của ông lại rất phóng khoáng. Nhật Tuấn đã ba lần kết hôn, rồi vẫn lủi thủi một mình. Ngoài những day dứt với phái đẹp, Nhật Tuấn đam mê hai thứ: công nghệ và bạn bè!
Nhật Tuấn rất thông minh và rất thích khám phá các loại máy móc tân tiến. Căn nhà nhỏ của Nhật Tuấn ở Gò Vấp, hay căn nhà vườn ở Bình Dương lúc nào cũng ngổn ngang các loại đồ chơi công nghệ. Những người thợ điện tử đừng hòng ăn được đồng nào của Nhật Tuấn, ti vi hư hay đầu đĩa hỏng thì Nhật Tuấn đều biết cách sửa chữa ngon lành. Đặc biệt, phải nhắc đến Nhật Tuấn là nhà văn đầu tiên của nước ta viết trên máy vi tính. Khi Việt Nam vừa có internet thì Nhật Tuấn đã sử dụng email và đi đâu cũng tuyên truyền về tiện ích vô tận của thông tin kết nối toàn cầu. Gặp đồng nghiệp ú ớ, Nhật Tuấn sẵn sàng chỉ dẫn cặn kẽ trang web nào bổ ích và làm sao vượt tường lửa hiệu quả!
Năm 1996, khi tôi chập chững vào Sài Gòn làm sinh viên khoa báo chí, Nhật Tuấn hẹn tôi đến chi nhánh NXB Văn Học – nơi ông đang làm giám đốc, để “tao bày cho mày viết ra tiền, đỡ nhọc nhằn bố mẹ ở quê”. Tôi có mặt lúc hơn 8 giờ, nhân viên bảo sếp Nhật Tuấn mới phóng xe đi đâu đấy. Tôi đợi một lát, thấy Nhật Tuấn mồ hôi nhễ nhại chạy xe về. Nhật Tuấn cười khì khì: “Xin lỗi mày. Mới sáng sớm thằng bạn tao kêu qua nhà sửa dùm cái máy lạnh. Cái thằng ấy suốt ngày làm thơ mà lú lẫn, cái dàn lạnh bị đóng tuyết cũng không biết. Tao xử lý vèo phát, xong ngay!”.
Nói rồi, Nhật Tuấn kéo tôi vào phòng riêng của ông. Nhật Tuấn hỏi: “Mày ăn sáng chưa?”. Tôi trả lời, rồi. Nhật Tuấn bảo: “Để tao ăn sáng đã!”. Nhật Tuấn lật lung đống sách báo vứt bừa bãi dưới đất, như tìm báu vật gì đó, hồi lâu vớ được một gói mì và reo lên: “Đây, tao nhớ là còn lương thực mà!”. Nhật Tuấn không cần chế nước sôi, cứ bẻ từng miếng mì cho vào miệng rồi uống nước trà.
Ấm bụng, Nhật Tuấn thuyết trình: “Muốn viết văn chương đỉnh cao thế nào, cũng phải mưu sinh cái đã. Đừng để khổ lụy đói rách và cũng không xin xỏ người khác. Đây là cuốn tao mới viết!”. Nhật Tuấn đẩy về phía tôi một cuốn truyện vụ án có tên gọi “Oan án lúc hừng đông”, ký bút danh “Hạnh Hoa”.
Tôi tò mò: “Anh đang mê cô nào tên Hạnh Hoa à?”. Nhật Tuấn xua tay: “Không, rượu Hạnh Hoa! Hạnh Hoa trong câu thơ của Đỗ Mục: “Mục đồng trỏ lối Hạnh Hoa thôn”. Tao viết thêm để kiếm rượu uống mà! Còn mày bây giờ phải viết để kiếm cơm ăn. Mày về viết chuyện tình lăng nhăng gì đó cũng được, ký tên Kiều Diễm hay Thị Mơ hoặc Thị Mộng gì cũng được. Đem lên đây, tao kêu đầu nậu in cho. Mỗi cuốn trả một chỉ vàng!”.
Nhật Tuấn mất rồi, nhớ lại ân tình 20 năm trước mà rưng rưng xúc động!
Sài Gòn, 7-10-2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét