17 thg 10, 2015

Mình là thằng ... Nhân Văn ? của Lưu Trọng Văn theo PNTB.


Văn Cao: Mình là thằng ... Nhân Văn!.
Lưu Trọng Văn: Văn Cao đã có lúc định nhảy xuống ... Sông Hồng.

Gã nhớ cái đêm tưởng niệm một năm Văn Cao mất, cái ngày này đây, 19 năm trước, bên cây me già trước sân khấu " Những Người bạn" số 7 Nguyễn Văn Chiêm Sài Gòn, Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Thanh Tùng, Đỗ Trung Quân, Đinh Anh Dũng và gã cùng uống rượu rồi rưới rượu xuống gốc cổ thụ nhớ Văn Cao. 

Gã không biết uống rượu nên được Văn Cao khen, thằng này cho tớ nhiều rượu nhất. (Gã tưởng tượng như thế).
***

Một lần gã cùng Lý Quý Chung, từng là bộ trưởng thông tin của chính phủ Dương Văn Minh uống rượu với Văn Cao tại Bà Hạt, nhà của Lý Quý Chung. Văn Cao bảo gã là thằng phá... mồi. Nhưng vẫn bảo gã cụng ly nghe có tiếng keng cho...vui.

Thấy rượu bốc hơi da thịt ông nhạc sĩ nhiều quá gã kéo từ góc nhà ra bàn cân.

Chú cân thử xem còn được bao cân?

Điều gã ngạc nhiên là Văn Cao còm nhom kê chân lên tụt đôi vớ (tất) ra khỏi bàn chân xanh xao rồi cười rung nhẹ chòm râu thưa:

Đã cân là không được ăn gian. Thằng Trịnh Công Sơn khi cân là chúa ăn gian, nó nhét đủ thứ  trong túi. 

Văn Cao sau khi tháo vớ, dây nịt đứng trên bàn cân. Vạch cân dừng ở con số 37.

Thương quá. 37 cân. Người đã làm cho cả nền âm nhạc quốc gia này say mê với Trương Chi, Bến xuân, Thiên thai, Suối mơ, Làng tôi, Tiến quân ca... ấy chỉ có da bọc xương.

Gã nhớ cha gã cũng tong teo gầy guộc như Văn Cao.

Gã nhớ Trịnh Công Sơn có lần kể cho gã nghe thời ép cân trốn lính để khỏi làm cái việc anh em giết lẫn nhau chỉ còn 27 cân. Sơn nói có lẽ do cái hội chứng đó mà sau này yêu lắm các em nhưng chỉ cầm tay, chỉ ôm thôi.
***
Lần cuối cùng gã gặp Văn Cao lại là cuộc chuyện trò lâu nhất.

Gã ra Sân bay Tân Sơn Nhất tiễn vợ chồng Văn Cao từ Sài Gòn ra Hà Nội. Chờ mãi chuyến bay sắp khởi hành rồi chả thấy Văn Cao đâu.

Và ông đã lỡ chuyến bay.

Bà Nghiêm Thúy Băng vợ ông cằn nhằn: Rượu cho lắm vào!

Văn Cao nhăn nhó một chút, cái khuôn mặt đầy nếp nhăn, góc cạnh của ông buồn cười thật khi nhăn nhó lại đẩy đôi mắt của ông tinh anh hơn và cặp môi sũng rượu của ông tươi... tắn hơn.

Thì người ta nhiệt tình quá mình từ chối sao được.

Người ta nào có quen thân gì.

Ối giời, càng không quen thân càng khó từ chối. Hề hề...

Hết giận.

Và thế là gã có cuộc chuyện trò với Văn Cao trong lúc chờ chuyến bay tiếp theo.

Đủ thứ chuyện.

Nhưng gã nhớ nhất câu chuyện này.

Một lần có cuộc họp giới văn nghệ, chẳng hiểu sao lần này người ta lại mời chú cùng dự. Thực lòng chú băn khoăn lắm nên đến dự hay không. Nhưng rồi bao lâu xa cách giới văn nghệ, chú cũng thấy nhớ lắm, chú muốn gặp lại lắm.Thế là chú đến. Chú cố tình đến muộn.

Thấy có chiếc bàn tròn toàn cánh nhạc sĩ, văn chương quen biết cả, còn một cái ghế trống, chú lò dò đến ngồi. Mọi người cũng gật đầu chào chú, nhưng rồi không hiểu sao từng người một kiếm cớ đứng dậy đi tới các bàn khác mất tiêu. Cho đến khi chỉ còn mình chú. 

Chú lặng lẽ đứng dậy.

Lặng lẽ đi ra.

Chú ân hận vì mình đã đến đó.

Cứ thế một mình chú lang thang trên phố, rồi không hiểu sao lại lê bước lên cầu Long Biên.

Mình là thằng "nhân văn". Trong mắt mọi người mình là con hủi.

Mình có tội gì?

Thấy đôi chân chầm chậm đến bên thành cầu tự dưng chú bật cười khẽ hát..."Đoàn quân Việt Nam đi..."

Khi chỉ còn nửa bước thôi...xong, kết thúc, dòng sông Hồng mùa lũ cuộn xiết..."Sao vàng phấp phới..." nước sông đỏ ngầu. Chú bỗng khóc cháu ạ.

Thương vợ thương con quá. Chú lẩm bẩm câu thơ..."Giữa những ngày dằng dặc, chỉ còn khuôn mặt em...". Thế là lại thất thểu trở lại cái bờ đê mà năm 1946 cùng những người lính lên chiến khu.

Không có ai là bạn thì rượu là bạn./.

(Nguồn từ facebook của Lưu Trọng Văn: 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog