1 thg 10, 2014

Tản mạn về giá trị một cuốn sách và những chuyện bên lề của Trịnh Kim Thuấn



1 -Giá trị một cuốn sách

Năm 1988, tôi ở công tác ở huyện Chợ Mới – An Giang, thường được cơ quan cử đi công tác Hà Nội. Nghĩ cũng là dịp may trong đời là được ra Bắc. Mỗi lần ra Bắc, tôi rất tự hào, trong lòng lại vang lên câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ:

Từ thuở mang gươm đi mở cõi.
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Ra Hà Nội, tôi được dịp viếng thăm lăng Bác, Quốc Tử Giám, Hồ Gươm, Hồ Tây… cùng các tỉnh lân cận, do yêu cầu công tác, nghĩa là đi du lịch không phải bỏ tiền túi.

Ngoài thời gian công tác, nằm khách sạn tôi hay xem sách, báo. Năm ấy nghe đâu văn nghệ được “cởi trói”. Báo Văn nghệ có nhiều tác phẩm hay mà trước đó không dám in, như  Cái đêm hôm ấy đêm gì, Người đàn bà quỳ, Tiếng nói của đất, Tướng về hưu… phản ánh một phần mặt trái của xã hội bấy giờ.


Tôi mua được cuốn tiểu thuyết Những thiên đường mù của nhà văn Dương Thu Hương. Cuốn sách có đề cập đến một phần cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc và hình ảnh những sinh viên, cán bộ Việt Nam sang học tập và công tác ở Liên Xô, phải lo chạy hàng chợ để kiếm tiền… Sách hay, nên khi cho  nhiều người mượn thì bị “lạc” mất, tiếc hùi hụi .

Năm 1990, văn phòng liên lạc Xí nghiệp của tôi ở bên cạnh nhà Bác Tư – Nhà xuất bản Nam Cường, nổi tiếng Sài Gòn…, nên chúng tôi quen Bác Tư Nam Cường. Một hôm tôi hỏi bác đã xem quyển Những Thiên Đường Mù  chưa? Bác nói có nghe đài BBC, VOA phỏng vấn về quyển nầy, nhưng tìm mua không đặng.

Kế đó, tôi lại có dịp trở ra Hà Nội khoảng nửa tháng, nên định bụng sẽ đi mua lại cuốn sách nầy, thật tình cờ có một sạp sách báo cũ còn được 2 quyển Những Thiên đường mù, bìa ố đã vàng. Tôi mua ngay cả 2 quyển theo giá bìa. Chắc người chủ sạp chưa biết và chưa đọc nó.

Về Sài Gòn, tôi gởi tặng bác Tư một quyển. Mấy hôm sau bác Tư mời tôi sang nhà khui chai rượu Tây mà bác để dành đã hơn 30 năm. Bác đãi tôi về quyển sách ấy. Tôi nghĩ vui: Giá trị quyển Những Thiên Đường Mù là một chai rượu quý!

Sau nầy mới biết: nhà văn Dương Thu Hương được “mời” và được thuyết phục thu hồi lại quyển sách nầy. Nghe đâu, nếu thu lại được, Nhà nước sẽ cấp cho một căn hộ cao cấp hàm thứ trưởng (?). Nhưng bà Hương không chịu. TBT Nguyễn Văn Linh gọi bà nầy là “con đĩ chống Đảng”, thế là ăn cơm tù. Tôi lại nghĩ: Giá trị quyển Những Thiên Đường Mù đến đây là một căn hộ có giá trị giữa Thủ đô hoặc mấy năm tù!

Nhà văn Nhật Tuấn  viết: Hồi năm 1979 đánh Tàu, DTH viết truyện ngắn Chân dung người hàng xóm vạch mặt Trung Quốc, được giải nhất báo Văn Nghệ. Hương viết khoẻ và nhiều. Trong các tác phẩm của Hương, tiểu thuyết  “Thiên đường mù” theo tôi là hay nhất. Về sau cô thiên về hoạt động chính trị nên các tác phẩm gây tiếng vang phần nhiều là do chính trị.

Còn nhà thơ Xuân Sách thì viết về Dương Thu Hương với cảm tình rõ rệt:

Tay em cầm bông bần ly
Bờ cây đỏ thắm làm chi não lòng
Chuyện tình kể trước lúc rạng đông
Hoàng hôn ảo vọng vẫn không tới bờ
Thiên đường thì quá  mờ
Vĩ nhân tỉnh lẻ vật vờ bóng ma
Hành trình thơ ấu đã qua
Hỡi người hàng xóm còn ta với mình.”

Đến nay chuyện cải cách ruộng đất ở miền Bắc cũ rồi. Nhưng nó sôi động trở lại do Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội tổ chức Triển lãm làm dấy lên làn sóng kể chuyện về CCRĐ. Lần nầy lại là chuyện thật, chứ không phải văn chương như Những Thiên Đường Mù. Đúng ra, tiểu thuyết muốn hay phải hư cấu,  thêm mắm thêm muối… Nhưng xem ra cuốn sách hư cấu còn kém hơn cả sự thật! Có lẻ bởi sự thật của Cuộc CCRĐ quá phong phú, một cuốn tiểu thuyết chả thấm tháp gì.

Nay thì nhà văn Dương Thu Hương đang sống ở nước ngoài. Với văn chương, mình là người ngoại đạo, chỉ kể lại vài chuyện mình biết và lượm lặt vậy thôi.

     2. Chuyện bên lề

Trong quyển sách nầy, tôi thường trích một đoạn cho là chuyện tiếu lâm, thỉnh thoảng kể lại cho nhiều bạn nghe. Đoạn ông Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh duyệt kinh phí cho lễ kỹ niệm ông Nguyễn Đình Chiểu:

“…...Mẹ tôi cúi mặt, làm thinh. Tôi định kéo mẹ về, nhưng chợt có tiếng gõ cửa. Giọng vui vẻ của một chàng trai. 

Thủ trưởng có nhà không ạ? 

Rồi anh ta xuất hiện tức khắc, không đợi ý kiến chủ nhà.
 
- A ha, giờ thủ trưởng mới ăn cơm. Sao muộn thế? 

Cậu tôi bỏ đũa bát, bước ra bàn: 
- Ngồi xuống đây. 

Thấy nhà có khách, mẹ kéo tôi ra giường ngồi. Chàng trai trẻ nháy mắt với tôi một cách hồn nhiên: 

- Em gái cứ ngồi đây. Thế giới bình đẳng mà. 

Anh cũng trạc ngoài 20, người thấp đậm, tóc dày, mắt dài. Khi cười, trông tinh nghịch và lẳng lơ. Anh ta mặc sơ mi xanh chấm đen, quần bó, dáng khỏe khoắn. Gương mặt rám nắng, riêng hai gò má hồng bóng lên. Thấy cậu Chính rót nước vào ấm trà, anh kêu to: 

- Thủ trưởng cho em uống xái ba hay xái tư đấy ạ? 

Cậu Chính không đáp, đặt chén nước trước mặt anh nghiêm giọng hỏi:
 
- Có việc gì thế cậu?
 
- Dạ, có việc đây. 

Chàng trai đáp, đoạn rút từ lưng quần phía sau một cuốn sổ con. Mở cuốn sổ, anh nói:
 
- Báo cáo thủ trưởng, sắp Tết Nguyên đán, lại có đoàn đại biểu công đoàn các tỉnh phía Nam ra họp, chúng em dự định tổ chức buổi lễ kỷ niệm nhà thơ Đồ Chiểu. 

- Đồ Chiểu nào? 

- Dạ, nhà thơ yêu nước nổi tiếng nhất những năm đầu thế kỷ, một phần linh hồn của những người dân miền Nam. 

- Cậu đưa nội dung tôi duyệt. 

- Chàng trai đưa ra một bản đánh máy lớn, gấp làm 8. Cậu Chính mở rộng tờ giấy, trải gần kín mặt bàn. Cậu đeo kính, cắm đầu đọc. Chàng trai đưa mắt nhìn hình cô gái múa ô trên tờ lịch, chờ đợi. Lát sau, cậu ngẩng lên nghiêm giọng: 

- Không được. 

Chàng trai sửng sốt: 

- Sao ạ? 

Cậu Chính cau mày:
 
- Nhà thơ yêu nước gì mà ủy mị thế? Cậu nghe đây. 

Cúi xuống, đưa ngón tay lên tìm các dòng chữ, cậu đọc: 

- Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước, Đồng Nai tranh khói nhuốm màu mây. Thế này làm gì có tinh thần xốc tới, liên tục tiến công? Bỏ, bỏ... Đồ Chiểu cũng bỏ. 

Chàng trai nói: 

- Thưa thủ trưởng, những năm đó cuộc kháng Pháp của nhân dân ta đang ở trong thời kỳ đen tối. Hoàng Diệu tự sát. Trương Công Định bị xử trảm. Hàng vạn sĩ phu yêu nước bị bức hoặc bị lưu đày, trong hoàn cảnh cụ thể đó... 

Cậu Chính giơ tay chém ngang.
 
- Tôi biết... tôi biết... nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào người chiến sĩ cách mạng cũng không được phép ủy mị, buồn rầu. Ông Đồ Chiểu này không có tinh thần của người cách mạng. Lại còn đây nữa nhé. 

Cậu cúi xuống, đọc tiếp: 

- Phan Lâm, mãi quốc, triều đình khi dân ... Hỏng. Hỏng. Câu này còn nguy hiểm hơn nữa. Nói triều đình là muốn ám chỉ Trung ương hay sao? 

Mặt chàng trai đỏ như say bia, trên cần cổ vạm vỡ của anh, nổi lên một đường gân căng thẳng, phập phồng: 

- Nhưng thưa thủ trưởng, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của chúng ta, rất nhiều chiến sĩ đã ngâm thơ Đồ Chiểu, nghe những làn điệu dân ca Nam Bộ phổ thơ Đồ Chiểu trước giờ xuất trận. Bất kỳ người nào chịu khó tìm hiểu và nhận biết đời sống, đều thấy nhà thơ Đồ Chiểu có một chỗ đứng không ai thay thế được trong tâm hồn người dân miền Nam. 

Đến lượt cậu Chính đỏ cả mặt lẫn cổ. Cậu chòng chọc nhìn chàng trai sau cặp mắt kính: 

- Không ai thay thế được? Cậu nói thế nghĩa là Đồ Chiểu còn đứng cao hơn Đảng, trong tâm hồn nhân dân miền Nam, đúng không? 

Bàn tay cậu xòe ra, như lưỡi kiếm. Chắc chắn nó sẽ chén đứt đôi cái cổ chàng trai, nếu nó muốn. Dù đó là một cần cổ vạm vỡ, tràn trề sinh lực. Mặt chàng trai đang đỏ rực bỗng chuyển sang màu xanh xám rồi xanh lẹt, mồ hôi đổ lã lã trên trán. Cậu Chính nói:
 
- Uy tín của Đảng là tuyệt đối trong lòng dân tộc, hôm nay và mãi mãi về sau.

không một ai có thể so sánh với chỗ đứng duy nhất đó. 

Chàng trai cúi đầu, im lặng. Sự quy phục của anh ta làm cậu nguôi giận.

 Như con gà chọi đã hả máu sau khi bật mấy cú đá thí mạng vào ức đối phương, cậu nói tiếp, giọng đã bớt căng thẳng: 

- Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên một chiến thắng tuyệt diệu. Do chiến thắng ấy, chúng ta trở thành lương tâm của nhân loại, trở thành ngọn đuốc dẫn đường cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc toàn cầu. Trong ba dòng thác cách mạng của thế giới, chúng ta là một ngọn cờ. Cậu phải luôn luôn quán triệt tinh thần đó. 

- Thưa thủ trường em nhớ rồi.
 
- Chúng ta, những người làm công tác tư tưởng, đội quân canh gác cho thành trì cách mạng, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác với những biểu hiện ủy mị, thiếu tính chiến đấu, suy đồi.
 
- Thưa thủ trưởng, vậy cuộc lễ kỉ niệm có được duyệt không ạ? 

- Để đó, tôi nghiên cứu đã.
 
- Nhưng, chỉ còn hai hôm, vừa gửi giấy mời, vừa thuê người vẽ panô, trang trí hội trường, mời các diễn giả và nghệ sĩ minh họa. 

- Thế hả? 

Cậu Chính chớp mắt, nâng gọng kính khỏi sống mũi: 

- Kể ra thì... cái tay Đồ Chiểu này cũng không đáng ngại lắm, Nhưng sao ít nghe tên ông trên đài, báo? Thơ cách mạng, cứ Tố Hữu ra mà ngâm là yên trí.
 
- Thưa Thủ Trưởng, Đồ Chiểu là nhà thơ của những năm đầu thế kỷ. Và lịch sử... 

- Gượm đã. 

Cậu Chính cắt ngang lời chàng trai, đoạn cúi xuống đọc nốt những dòng chữ li ti trên tấm chương trình tổng hợp. Ánh mắt cậu soi lục qua các dòng chữ. Rồi cậu gục gặc đầu: 

Theo Đại Việt sử ký toàn thư... tay viết lời bình dẫn cuốn sách này ở đâu ra thế? 

Chàng trai đáp: 
- Dạ. Đại Việt sử ký toàn thư là... 

Cậu bỗng à lên một tiếng thật to, tay vỗ trán đánh đét, rồi nói: 

- Nhớ rồi, nhớ rồi. Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Quí Đôn. Tay này nổi danh lắm đấy. Quê ở Thái Bình. 

Miệng chàng trai thoạt đầu nhoành ra như sắp cười. Nhưng nửa tích tắc sau thu lại, biến dạng méo mó như sắp mếu. Mặt anh chàng ngây độn. Anh đứng thẳng lưng, chằm chằm nhìn thủ trưởng. Lúc ấy, ông cậu tôi cẫn tiếp tục gật gù vì sự uyên bác của mình. Cậu bảo:
 
- Thôi được, tôi duyệt. 

Cậu gấp tờ chương trình tổng hợp lại, đưa trả cho chàng trai: 

- Các cậu bảo nhau mà làm. Nhớ gửi giấy mời ban tuyên huấn các cấp, và các cục, vụ, viện cho đàng hoàng. 

- Vâng ạ... cảm ơn thủ trưởng. 

Cháng trai cúi đầu, chào chúng tôi rồi vội vã rút lui…”

Đó là chuyện trong sách, cách nay đã trên 30 năm, không hiểu có thật không. Còn bây giờ là chuyện thật 100%:

Chuyện 1 : Ông Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao, Du lịch không hề đọc sách, báo: “Ngày xưa, mỗi tháng tôi còn đọc vài tờ báo, vài quyển sách chứ những năm gần đây, nói thật tôi không đọc, sách khoa học cũng không chứ đừng nói gì đến báo chí, hoàn toàn không đọc đâu các đồng chí ạ!”.

Đó là ý kiến của Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (Sở VHTTDL) tỉnh Đắk Nông tại cuộc họp liên bộ kiểm tra về chương trình cấp báo, tạp chí cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 2472 của Thủ tướng Chính phủ diễn ra tại trụ sở Ban Dân tộc tỉnh Đắc Nông sáng ngày 23.8 vừa qua. Ý kiến phát biểu của ông Lê Khắc Ghi khiến cả hội trường lặng phăng phắc trong vài phút!... (TÀI DŨNG 28/8/2013 báo Dân Việt)

Chuyện 2 : Vụ nhắn tin bầu chọn cho vịnh Hạ Long: sự háo danh, gian và tham được cổ vũ công khai.

Dưới sự vận động hô hào của nhà nước VN nhân danh lòng yêu nước, tự hào về đất nước, cộng với sự tuyên tuyền hết cỡ của bộ máy truyền thông báo chí quốc doanh, người dân VN thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi, đã tự nguyện hoặc buộc phải lao vào cơn nhắn tin bình chọn cho vịnh Hạ Long được lọt vào “7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới” của một tổ chức tư nhân không mấy tên tuổi New Open World.

Khi cuộc thi bầu chọn vào giai đoạn nước rút, không thiếu những chuyện hài cười ra nước mắt như các tỉnh thành, các cấp đoàn hội, các cơ quan…phát động tập trung bầu chọn, các giải thưởng khác nhau được đưa ra để khuyến khích người dân nhắn tin (“Nhắn tin bầu chọn Vịnh Hạ Long để nhận thưởng 30 triệu đồng”, Quảng Ninh). Thậm chí ông Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân còn giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo trong toàn hệ thống vào các buổi sáng thứ hai, thứ sáu hàng tuần giáo viên, học sinh dành thời gian bầu chọn cho Vịnh Hạ Long. Ông Bộ trưởng Văn hóa-Thông tin-Du lịch Hoàng Tuấn Anh qua tận Indonesia huy động VĐV gà nhà bầu chọn, vận động cả đứa cháu mới 5 tháng tuổi của mình… “bấm“ bầu chọn…vịnh Hạ Long. Ông chúa đảo Tuần Châu đã tự tay (?) nhắn hơn 110.000 tin nhắn bình chọn và còn lệnh cho nhân viên, in thành pano to tướng treo ở giữa đảo, phải nhắn 100 tin, nếu không sẽ bị đuổi việc. Một người dân thường, anh Hoàng thợ cơ khí làm việc ở Đà Nẵng với mức lương 150.000 đồng/tháng đã bỏ ra 7 triệu đồng tiết kiệm, thậm chí cả tiền mua quà sinh nhật cho con gái 5 tuổi, để nhắn gần 12.000 tin nhắn trong gần 1 tháng (theo VTCNews) v.v….và v.v…
Không có một quốc gia nào hăng hái đến như vậy. Một kỷ lục của sự háo danh, và gian lận được cổ vũ công khai.
Rốt cuộc, vịnh Hạ Long tạm thời được lọt vào danh sách “7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới”. Còn tổ chức New Open World được hưởng gần 50% từ 24 triệu tin nhắn của người dân Việt Nam, với 630 đồng/tin nhắn, ước tính số tiền mà NOW thu được khoảng 7,5 tỷ VN đồng một cách khỏe re! (“NewOpenWorld thu được bao nhiêu tiền từ bầu chọn Vịnh Hạ Long?” Bee.net.vn). Và sau đó thì giá vé tham quan vịnh Hạ Long được tăng lên cho xứng với danh hiệu!  (Năm 2011 – Những chuyện chỉ có ở Việt Nam – SONG CHI 28/12/2011)

Chuyện 3 : Một phó chủ tịch tỉnh như phó chủ tịch tỉnh Bình Phước (tên đầy đủ là Nguyễn Huy Phong) mà còn ra công văn chỉ đạo dùng ngôn từ gọi báo chính thống và báo không chính thống ( đều là báo trong hệ thống báo chí Việt Nam) thì hết chịu nổi, nếu không nói là ngu ngốc thì chí ít cũng gọi đây là dốt nát, hoặc nhẹ nhàng hơn là nhận thức ông Phó này là loại nhận thức ngu ngốc phối kết hợp với dốt nát. Nếu có vỗ tay, thì đó là tràng pháo tay " đuổi xuống".
Báo Năng lượng mới hỏi ông Phó Chủ tịch Bình Phước: Vậy thưa ông Nguyễn Huy Phong, ông có thể liệt kê ra xem, ở Việt Nam ta, những loại báo nào là "báo chính thống" và loại báo nào là "không chính thống"? Và ông căn cứ tiêu chí nào để bảo những tờ báo mà đã nêu trong công văn là "chính thống", và tất cả những cơ quan thông tấn báo chí không có trong danh sách mà ông nêu là "không chính thống" ở điểm nào?Chả lẽ chỉ có 7 cơ quan báo chí mà ông nêu trong công văn là "có sự lãnh đạo của Đảng", nên được gọi là "chính thống", còn những cơ quan báo chí khác là "không có Đảng lãnh đạo" hay sao?Hay là vì những tờ báo mà ông gọi là "chính thống" ấy, có cùng quan điểm với ông trong việc xử lý vụ việc Kiều Oanh.
Với một sự việc đang giải quyết, có thể nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều. Nhưng nếu người lãnh đạo lại chỉ coi báo nào "đồng quan điểm" là "báo chính thống", còn tất cả những ai không "đồng hành" cùng họ, là báo "không chính thống" thì rõ ràng, đây là cách nhìn thiển cận, thiếu ý thức chính trị, và nếu có nói là thiếu cả văn hóa nữa thì cũng không quá?
Nếu ông Nguyễn Huy Phong có đủ dũng cảm, xin ông hãy gải thích: Theo ông, báo "không chính thống" ở Việt Nam hiện nay, là những tờ báo nào? (http://petrotimes.vn/news/vn/dam-luan-doi-thoai/bao-chinh-thong-va-bao-khong-chinh-thong.html)  Nhà văn Nguyễn Quang Vinh – Cu Vinh điểm tin .

Xem ra chuyện của ông Chính trong Những Thiên Đường Mù của Dương Thu Hương có hư cấu vẫn còn thua xa mấy ông lãnh đạo nói trên, chuyện có thật 100% vừa kể, trong khi đất nước đã trôi qua hàng mấy mươi năm, một thời gian dài, đất nước có nhiều GS.TS nhất thế giới ,  vừa có mấy mươi người tự hào làm sách  “Tự hào ta là người Việt Nam “.


27/9/2014  TRỊNH KIM THUẤN.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog