Sau mấy ngày họp Quốc hội,
trong hội trường mới xây xong hoành tráng - hiện đại, các đại biểu đã phát biểu
rất mạnh mẽ, nêu lên những bức xúc, lo lắng, và nhiều câu hỏi đã đặt ra.
Tạm gác qua vấn đề đối ngoại
trong quan hệ thì thụp Việt-Trung và nỗi ám ảnh Biển Đông, thì vấn đề nội trị
được xem là mối quan tâm làm nóng hội trường, trong đó “tham nhũng” và “kinh
tế” vẫn giữ vị trí hàng đầu – như bao lâu nay - của cái gọi là “phức tạp”
và “nghiêm trọng”. Chỉ riêng vấn đề nợ công túi tư, chi thường xuyên, chi đầu
tư, chi trả nợ đã thấy “rối loạn tiền đình”, nói chi đến chuyện đánh chuột sợ
vỡ bình, mà có khi tự chuột nó làm bình vỡ?
Theo ông TBT Nguyễn Phú Trọng – chủ nhân của câu so sánh khiêng cưỡng ấy – cái bình là sự ổn định. Ông đánh tráo khái niệm ổn định xã hội thành ổn định của đảng. Lại thêm một lần đánh tráo nữa, đồng hóa đảng là xã hội. Mà đảng là chủ thể, đang chủ trì cuộc tham nhũng. Con chuột đã chạy vòng quanh tít mù theo phép biện chứng của ông ấy. Nó trốn vào các nóc cung đình chứ chẳng phải xa xôi gì lắm. Trên mạng gần đây lại bung xòe các vụ thu tóm ngân hàng (Bảo Việt, Đại Dương) từ hậu trường cấp cao, rộn ràng dao búa phát khiếp (…Tao dùng Thường vụ Quốc hội đuổi mầy…).
Thật hãi hùng mà nghĩ đến một cơn đột quỵ bất ngờ xuất hiện, dù là đột quỵ của chuột, của bình, hay của xã hội.
Có lẽ vì thế mà các đại biểu đã phát biểu, đã nêu lên những bức xúc, lo lắng, và hồ hỡi: “Đã đến lúc đáng báo động”.
Từ độ xuân qua xuân lại lại, vẫn vang lên như một bài ca cũ với điệp khúc hầu như không chán: “Đã đến lúc đáng báo động”!
Không thể có cái gì mới dù muốn, ngoài cái “hội trường mới” hoành tráng, xem ra cũng chẳng giúp ích được gì!
Dù sao, các nỗ lực, tích cực, quyết tâm của các đại biểu cũng đáng cảm động. Song, trong cái hồ Việt Nam đầy rác, liệu những con chuột, bọ - thuộc tầng lớp tinh hoa - có cố vươn lên thổi kèn đánh trống cũng không đến đâu, không thoát được khỏi hồ? Tìm đâu ra một không gian tư tưởng, ngoài cái lồng “cương lĩnh” kẹp chặt; tìm đâu ra một không khí trong lành, ngoài cái không khí nhiễm độc và tham nhũng bao trùm; tìm đâu ra một giòng nước mát ngoài cái ao tù hãm, và tìm đâu ra một nguồn động lực để phát triển, ngoài nhân dân?
Trong cái hồ ấy, chính 90 triệu con người đang là vật thừa thải, là rác rưởi, là những vật thể đang chen chúc cựa quậy, nhúc nhích chỉ đủ toan tính cho “hợp lý” cuộc vận hành cá thể của mình, trong không gian tầm gang tấc của “lục phủ ngũ tạng” đang có trong người?
Những con người Việt Nam ấy, chừng như rất hiểu cái thân phận của mình, và tìm cách thích ứng thân phận ấy, theo nhịp đập nho nhỏ của trái tim mình, không dám biết mình là ai, và không biết mình muốn gì! Họ không dám bước ra khỏi không gian an toàn mà họ đang nhúc nhích, nên trở thành 90 triệu “nhân dân sinh vật”, tự giao mình vào bàn tay của một ê-kíp thợ. Giờ đây, nó là một đống nguyên liệu thô mà người thợ làm bánh có thể làm thành sản phẩm có giá trị như cầu mong, hoặc trở thành những phế phẩm vô dụng hôi thối.
Vì thế, giống như họ đang từ chối cái “ý thức về mình”.
Ông Mác đã từng đưa ra một nhận xét đáng kinh hoàng:
“Đến chủ nghĩa tư bản, con người mới có ý thức về mình” Và “Ý thức về cá nhân là đóng góp vĩ đại của chủ nghĩa tư bản đối với lịch sử”.
Cái kinh hoàng không vì ý tưởng đó, mà vì sự trái ngược bẽ bàng của một đoạn dài lịch sử mà đồ đệ của ông – lại nhân danh ông – đã làm một cuộc lừa đảo ngoạn mục, nhấn chìm một bộ phận nhân loại vào tăm tối. Ý thức về mình là ý thức của nguyên lý bình đẳng về phương diện con người (cho tất cả mọi con người), là ý thức của nguyên tắc dân chủ về phương diện xã hội (của mỗi cộng đồng). Vì thế mà có Tuyên ngôn nhân quyền, và có Tuyên ngôn độc lập.
Nhưng phản đồ của Mác đã biến tất cả thành đồ chơi. Cái “đóng góp vĩ đại” thành cái đóng góp kinh hoàng. Ý thức về mình trở thành ý thức cá nhân về “cái tôi” cao độ (không phải cao cả). “Cái tôi” ấy không biết đến bình đẳng, không biết đến dân chủ, và nó chà đạp mọi thứ một cách xảo quyệt. Thì ra, nếu đúng như Mác nói: “đến chủ nghĩa tư bản, con người mới có ý thức về mình”, mà chưa đến, cưỡng bức nó đến, thì nó thành quái thai?
Ở đây chỉ nói về Quốc hội.
Dù là Quốc hội đảng-cử-dân-bầu, tuy có chút mỉa mai với cụm từ này, song vẫn cứ đương nhiên là Quốc hội, đang làm việc trong tòa nhà vòm lớn kia, dưới cái Hiến pháp 2013, lại dưới thêm một tầng nữa là cái “Cương lĩnh” của đảng, thì rõ là một bộ phận quan trọng của đảng, và trên cùng của đảng là ông Tổng Bí Thư. Một hệ thống chặt chẽ khép kín. Và đẹp!
Tôi xin nêu lên đây hai điều chê trách, mang tính xây dựng.
- Đúng như vậy, vì ông TBT có địa vị cao nhất, nên lúc nào lên diễn đàn, ông cũng có phong cách và lời lẽ “dạy” toàn dân. Nay ở cái tòa nhà to thế, ông dạy cả thế giới đều nghe. Tôi lại nghe nói, làm nghề thầy giáo thường có nhược điểm là luôn xây lưng vào bảng đen, nên không biết tấm bảng đen nói gì. Nó nói thế này: “Tôi không thích cái chủ nghĩa đến cuối thế kỷ vẫn chưa hoàn thiện, liệu ông nhanh chóng rời bục để vở diễn sớm kết thúc có được không?”.
- Đọc báo thấy rằng, tòa nhà Quốc hội không quy hoạch chỗ ngồi ké dành cho báo chí, nên quý phóng viên phải ngồi bệt mà ghi chép, như các em sinh viên ngồi uống cà phê bệt ở công viên Độc lập hằng đêm. Vẫn biết rằng độc lập chưa có, nhưng vẫn nên có công viên Độc lập. Vẫn biết rằng dân chủ chưa có, nhưng vẫn nên có một chút dân chủ giả hiệu vẫn hay hơn! Tuy nợ công hay tư gì đó có nhiều, đáng báo động, cứ xây thêm và có thêm một chút nợ nữa cũng chẳng sao. Lại được thêm một lần nói: Đã đến lúc đáng báo động!
Napoleon Bonaparte đã nói về nhà báo:
“Nhà báo là một người ưa cằn nhằn, một kẻ thích chỉ trích, một nơi cho những lời khuyên, một quyền lực tối cao, một người thầy của dân tộc. Bốn tòa báo đối nghịch còn đáng sợ hơn cả ngàn lưỡi lê”.
Cuối cùng, tôi có ý thức là tôi đang bơi trong chính cái hồ rác của mình đây… Thà vậy!
HẠ ĐÌNH NGUYÊN
Tác giả gửi BVN theo Tễu Blog .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét