28 thg 10, 2014

Nỗi niềm người kháng chiến cũ của Nguyễn Minh Đào (nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ An Giang)


      
         Niềm vui và nỗi buồn
       
 Tháng 7 năm 1954 chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đất nước vui như ngày hội! Hội nghị Genève về hòa bình Việt Nam được triệu tập, càng làm nức lòng chiến sĩ và đồng bào! Thế nhưng, Hiệp định ký kết chia cắt đất nước hai miền với hai chế độ chính trị, xã hội khác nhau! Cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam có quan hệ với kháng chiến niềm vui hòa bình được lập lại chợt đến và tan biến như một giấc mơ, nỗi buồn và sự lo âu trĩu nặng trong lòng trước viễn cảnh phân ly: Kẻ chuẩn bị xuống tàu tập kết ra Bắc chưa biết bao giờ gặp lại người thân, người ở lại miền Nam tiếp tục cuộc chiến đấu với kẻ thù mới, không ai có thể biết trước rồi sẽ ra sao?! Các cơ quan, đơn vị bộ đội được Đảng giáo dục chuẩn bị tư tưởng sẳn sàng chấp nhận mọi quyết định của tổ chức với tinh thần “đi vinh quang, ở lại cũng vinh quang!”.

      
 Khi ấy, tôi công tác ở Ty thông tin Long Châu Hà được đi tập kết. Một đêm khuya âm u, tôi đi trong đoàn xuồng các cơ quan tỉnh Long Châu Hà, rồng rắn xuôi dòng kinh Ngay hướng về Cái Sắn xuống Thứ Mười Một – khu tập kết tỉnh Long Châu Hà – thuộc huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang ngày nay. Khi đoàn xuồng vào kinh Sóc Xoài chật hẹp, gặp chiếc ghe khá lớn đi cùng chiều áng giửa dòng kinh cả đoàn xuồng ùn lại, xuồng đi đầu đề nghị ghe ép vào bờ nhường đường cho đoàn xuồng vượt qua, một yêu cầu hợp lý nhưng người trên ghe đáp lại bằng thái độ không mấy thân thiện: “Các ông đi tập kết sướng thân, bỏ dân ở lại làm sao sống được với giặc các ông có biết không?”. Xuồng tôi đi tốp đầu nghe rõ từng lời trách móc đó, họ nói vậy rồi cũng nhường đường đoàn xuồng vượt qua, chúng tôi không ai đáp trả câu nào hay tức giận vì lời nói đốp chát đó, trong lòng cãm thấy như có lỗi với dân…!
      
 Sau nầy tôi được gia đình kể lại: Đoàn tập kết sau cùng rút đến đâu, lực lượng vũ trang Dân Xã của Ba Cụt chiếm đóng đến đó khủng bố, cướp bóc đồng bào chạy lánh nạn khắp nơi; trong đó có gia đình tôi bỏ lại nhà cửa, ruộng đồng ở kinh Tám Ngàn ba má tôi cơ cực tạo dựng bao năm, dắt díu gia đình trở về quê cũ với hai bàn tay trắng! 
      
 Thắm đậm tình dân

Đến khu tập kết, chúng tôi chia nhau trú đóng trong nhà dân, ngày hai buổi học chính trị, sinh hoạt tin tức, thời sự, làm việc nhà giúp dân, chiều tập ca múa, ban đêm giăng câu, đặt trúm bắt cá lươn cải thiện bữa ăn. Đồng bào khu tập kết Cà Mau, trong đó có Thứ Mười Một đời sống khá sung túc, thương mến, giúp đỡ bộ đội, cán bộ như người thân. Nói chuyện với chúng tôi bà con luôn nhắc đến ngày hết hạn ở khu tập kết chúng tôi xuống tàu ra Bắc, quân đội “Liên hiệp Pháp” tiếp quản vùng này ai cũng buồn và bồn chồn lo lắng không biết cuộc sống lành dữ ra sao? Chúng tôi hiểu rõ tâm trạng của bà con, khuyên bà con yên lòng chờ đợi, sau hai năm đất nước thống nhất chúng tôi trở về! Nhưng, phải đến hơn mười lần hai năm, trải qua vô vàn hy sinh gian khổ lời hẹn ước đó mới thành hiện thực!

Ở khu tập kết hơn một tháng, tôi và một số người được lệnh ở lại, tôi rất buồn, nhưng lệnh phải chấp hành không có chọn lựa nào khác! Chúng tôi dự lớp tập huấn cấp tốc một tuần về nhiệm vụ, phương châm, phương thức hoạt động công khai, hợp pháp trong lòng chế độ miền Nam. Ngày trở về tôi đi cùng ông cậu cũng tập kết như tôi, cậu cháu quá giang xuồng hai mẹ con người hàng xóm đi bán cá chợ Rạch Sỏi (Rạch Giá), đi gần một ngày đến trạm Kiểm soát liên hợp Tắc Cậu trình giấy giới thiệu, được cấp giấy thông hành có thể đi lại toàn miền Nam. Đêm ấy chúng tôi ngủ vất vưởng tại vựa cá. Sáng sớm, hai mẹ con người bán cá đưa cậu cháu tôi ăn sáng và đưa ra bến xe về Châu Đốc. Rạch Sỏi là một chợ nhỏ, nhưng lần đầu ra thị thành với tôi cái gì cũng lạ. Khi cậu cháu tôi nói lời từ biệt và ngồi yên trên xe, hai mẹ con người bán cá vẫn đứng chờ đến khi xe chuyển bánh, tôi thấy người mẹ lấy khăn lau nước mắt!

Hình ảnh hai mẹ con người bán cá ở bến xe Rạch Sỏi và tấm lòng người dân Thứ Mười Một đối với chúng tôi những ngày tháng ngắn ngủi đó; cũng như bao tấm lòng người dân đối với cách mạng trên các nẽo đường kháng chiến tôi đi qua vẫn hằn sâu trong ký ức tôi, là động lực giúp tôi vững vàng trong gian khó và vượt qua mọi nghịch cảnh đi trọn con đường cách mạng đời mình.

Ngày về buồn tủi!

Những năm 1954 – 1956 các tỉnh miền Tây Nam bộ lực lượng giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài cát cứ tồn tại song song chánh quyền Sài Gòn, từ Rạch Sỏi về Châu Đốc xe phải dừng nhiều lần ở các trạm gác của Hòa Hảo đóng tiền “nguyệt liễm” rất phiền phức, nhưng không ai dám kêu than. Ngồi trên xe nhìn hai bên đường cảnh vật vùn vụt trôi nhanh về phía sau, lòng tôi bồn chồn lo lắng, suy nghĩ vẫn vơ, không biết cuộc sống bản thân tôi và gia đình rồi sẽ ra sao? Con đường đấu tranh cách mạng sẽ tiếp tục như thế nào? Bao nhiêu năm tham gia kháng chiến góp phần đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, đến ngày hòa bình trở về quê nhà không dám ngẩng mặt nhìn ai và rồi sẽ phải sống trốn chui trốn nhũi…!
      
 Về quê nhà, nhờ các mối quan hệ thân quen với viên chức chánh quyền Sài Gòn làng xã, ba tôi tranh thủ họ giúp làm thẻ căn cước tạo thế hợp pháp cho tôi. Năm 1955 ba tôi còn tranh thủ ban trị sự Giáo hội Hòa Hảo xã mở trường cho tôi dạy học những lớp dưới bậc tiểu học, vừa củng cố vỏ bọc hợp pháp, vừa có tiền lương giúp gia đình thoát cảnh chạy ăn từng bữa, nhưng không bao lâu chánh quyền Ngô Đình Diệm đánh đổ các giáo phái, tôi tiếp tục dạy tư ít lâu rồi cũng nghỉ.
       
 Cuộc sống mới dần dần cũng thích nghi, tôi tham gia công tác bí mật do chi bộ xã NH lãnh đạo cùng các ông cậu, mọi chuyện rồi cũng an bài! Tôi thương ba má tôi vất vả lo toan cuộc sống áo cơm gia đình trong hoàn cảnh không nhà ở, không tiền bạc… ! Cả đời ba má tôi khổ cực vì con cháu, vì cách mạng, nay về quê nhà mà như đến nơi xa lạ, cuộc sống nghèo khó vẫn đeo đẳng, ba má không một lời kêu than! Đáng buồn nhất là trong bà con, họ hàng không hiếm người chẳng những không cãm thông, chia sẻ mà còn dè bỉu, lời ong tiếng ve: “theo Việt Minh để ngày nay như vậy đó…!”. Ba tôi buôn bán liên tiếp thất bại, nợ nần, bế tắc… có lúc ba buồn uống nhiều rượu, trong cơn nửa tỉnh nửa say ba nói như muốn khóc: “Ba buồn quá con ơi, muốn chết cho rồi…!”. Nghe ba nói tôi rất đau lòng, nghỉ dạy học cùng ông anh rể và các em trồng rẩy, hy vọng có lãi lo tiếp ba má gánh nặng cuộc sống gia đình, nhưng trời không chiều lòng người, mấy mùa rẩy anh em tôi làm cũng thất bại!
     
 Ngày Nam đêm Bắc
     
 Năm 1956, Văn phòng huyện ủy TB đóng bí mật trong nhà Ngoại tôi, bộ phận văn phòng làm việc trong căn hầm bí mật đào dưới nền chuồng gà phía trước nhà, hàng đêm tôi cùng cậu Út – ông cậu ruột lớn hơn tôi một tuổi, xuống hầm bí mật mở radio nghe đài Hà Nội, cậu cháu tôi nghe say sưa như uống từng lời phát thanh viên, từng lời ca, tiếng nhạc vào tim mình, mong sao cách mạng miền Nam sớm thành công, đất nước thống nhất được ra thăm miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thăm Bác Hồ. Cậu cháu tôi sống dằn dặt trong tâm trạng ngày Nam đêm Bắc!    

Qua đài Hà Nội, nguồn thông tin duy nhất cậu cháu tôi theo dõi tình hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhưng tôi cũng chỉ hiểu lỏm bỏm, thực sự không hình dung được những thành quả công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như thế nào! Khi ấy, Đảng phát động cải cách ruộng đất, đài Hà Nội đưa tin, bình luận nhiều nhất thu hút sự chú ý của tôi. Tôi hiểu đó là một cuộc cách mạng tất yếu phải tiến hành, nhằm đánh đổ giai cấp phú nông, địa chủ bóc lột, đem lại ruộng đất cho dân nghèo, thực hiện “người cày có ruộng” theo cương lĩnh của Đảng. Nhưng rồi đài Hà Nội đưa tin: Cải cách ruộng đất phạm sai lầm nghiêm trọng, Bác Hồ thay mặt Trung ương Đảng và Chánh phủ nhận sai lầm xin lỗi đồng bào, đồng chí và chỉ thị sửa sai…! Đọc báo Sài Gòn thấy tranh châm biếm anh bộ đội miền Bắc cầm mã tấu còn vấy máu chống mũi dưới đất, đứng trước xác người mặc áo dài khăn đóng đầu lìa khỏi cổ, phía dưới đệm dòng chử anh bộ đội than: “Trời ơi! bảo tôi chặt đầu, nó chết rồi nay bảo tôi sửa sai làm sao nó sống được!”. Lần đầu tiên theo cách mạng, tôi biết đến cải cách ruộng đất như vậy, thoáng cảm nhận có điều gì đó nghiêm trọng và khó hiểu đang diễn ra ở miền Bắc…!
        
 Đất nước của những bi kịch!
        
 Việt Nam – đất nước của những bi kịch! Tôi nói vậy chắc không ngoa! Hiệp định Genève là một bi kịch tồi tệ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, do các thế lực nước ngoài lũng đoạn gây họa chia cắt đất nước, dẫn đến các cuộc chiến tranh lớn nhỏ trong hơn hai thập kỷ với hàng triệu người chết, để lại những di chứng nặng nề trong lòng người! Ngày nay, sau bốn mươi năm hòa bình thống nhất, đất nước vẫn chưa bình yên, đang đối mặt với hiểm họa bành trướng, xâm lược của người “đồng chí” phương Bắc và đối mặt những vấn đề kinh tế - xã hội nóng bỏng trong nước, cùng những bi kịch lớn nhỏ diễn ra trong mọi mặt ngóc ngách đời sống gia dình và xã hội của đất nước./-

    Kỷ niệm 60 năm Hiệp định Genève (1954 – 2014)            

NGUYỄN MINH ĐÀO .

http://www.viet-studies.info/kinhte


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog