Đứa bé đói lả và chuyện xuất khẩu... "mồ hôi, nước mắt"
Nước ta xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới cũng có nghĩa là xuất khẩu mồ hôi, nước mắt nhất nhì thế giới, chứ không có nghĩa là dân ta giàu nhất nhì thế giới.
Khắp các diễn đàn internet những ngày này, người ta nói rất nhiều về cái chết thương tâm của bé Phạm Thị Nhung ở xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Bé Nhung ra đi khi mới 10 tuổi và đang học lớp 3. Đau đớn thay, nguyên nhân của cái chết lại là do bé bị đói lả (bị bệnh tim), ngã xuống mương và bị nước cuốn đi.
Đến giờ, các kết luận thì cho rằng bé bị đuối nước, và đó có thể là nguyên nhân cuối cùng của cái chết thương tâm ấy. Song, hàng xóm kể rằng bé Nhung bị đói triền miên, chẳng riêng cái ngày lìa xa trần thế.
Đáng thương hơn là khi người dân vớt được xác thì phát hiện ra bộ quần áo bé Nhung mặc đã vá chằng vá đụp, trong nhà cũng chẳng có lấy một bộ quần áo lành lặn.
Ba đứa em của Nhung cũng thường xuyên nhịn đói, lay lắt hết ngày này qua ngày khác. Bố mẹ Nhung thì mù chữ và không có việc gì làm ổn định. Tài sản đáng giá nhất trong căn nhà nhỏ là hai chiếc giường ngủ.
Cái chết xót xa của bé Nhung hẳn sẽ khiến nhiều người giật mình, vì bấy lâu nay chúng ta vẫn hoan hỉ về những nỗ lực giảm nghèo hàng năm được báo cáo ra Quốc hội. Những nỗ lực ấy của Chính phủ rất đáng ghi nhận, nhưng sẽ chẳng thấm tháp gì, nếu chúng ta không giải quyết được nạn tham nhũng đã kéo dài nhiều năm nay.
Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, ĐBQH Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đã chỉ ra rằng, trong khi Chính phủ trình Quốc hội nâng trần bội chi phát hành thêm trái phiếu để chi tiêu, để đảo nợ và lo sợ quốc gia vỡ nợ thì rất nhiều tiền của dân bị chiếm đoạt: 1m2 nhà vệ sinh được nâng giá lên 7 lần; Một thiết bị lặn trị giá 100 triệu được nâng lên 130 tỷ; Những con đường đắt nhất thế giới mà không hề có một sự giải thích thỏa đáng; Những con tàu, những công trình hàng nghìn tỷ khác không biết đã được nâng giá bao nhiêu lần?
Cầu Đông, nơi bé Nhung bị đói lả rơi xuống mương |
Rồi chuyện đầu tư 3.200 tỷ đồng cho Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội), xây xong thì bỏ hoang. Những dự án chậm tiến độ giữa lòng Hà Nội như đường sắt Cát Linh – Hà Đông khiến cho kinh phí đội lên cả trăm tỷ đồng…
Suy cho cùng, đấy đều là tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân. Cả đống tiền bị phung phí vô tội vạ, trong khi những đứa trẻ nghèo khó ở vùng cao chỉ ao ước có hai nghìn đồng để được ăn bữa cơm có thịt. Lạ thay, những ông quan ở Thủ đô mà dân đều tin rằng sẽ phải chịu trách nhiệm khi dự án bị đội giá (chậm tiến độ) thì lại chẳng có ai phải nhận án kỷ luật, ít nhất là tính đến lúc này.
Cứ như vậy thì đến bao giờ bữa cơm của các cháu học sinh ở Tây Bắc có thịt và không còn phải học trong những cái chuồng? Đến bao giờ những cô giáo ở miền Tây Thanh Hóa không phải mời khách bằng những con nòng nọc?
Làm sao để không còn những nữ sinh phải tìm đến cái chết vì quá nghèo, không có được 1 triệu đồng để nộp phạt vì vi phạm luật giao thông như ở Tây Nguyên? Làm sao để không còn những phụ nữ quyên sinh để cho gia đình có được sổ hộ nghèo như ở miền Tây Nam Bộ? Và, làm gì để không còn những cái chết thương tâm như bé Nhung?
Đấy là những chuyện chẳng hay hớm gì, nhưng vẫn phải nhắc lại như vậy, bởi chẳng phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng trong khu vực công (CPI) 2013 lại chỉ xếp Việt Nam đứng thứ 117 trong tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thêm một chuyện đáng lo nữa là công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê về kết quả cuộc khảo sát mức sống hộ dân cư, cho thấy chênh lệch giàu nghèo tại Việt Nam lên tới 9,2 lần. Trong khi thu nhập bình quân của người Việt Nam đạt 1,387 triệu đồng/người/tháng, thì nhóm nghèo nhất mỗi tháng một người chỉ thu nhập 369.000 đồng, còn thu nhập trung bình của nhóm giàu nhất lên tới trên 3,4 triệu đồng. Khoảng cách ấy ngày càng giãn ra.
Ba đứa em của bé Phạm Thị Nhung cũng thường xuyên phải nhịn đói. |
Vẫn biết rằng chênh lệch giàu nghèo là điều tất yếu, chẳng riêng gì Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng vậy. Nhưng nếu khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn thì có thể dẫn tới mâu thuẫn giữa các giai tầng trong xã hội. Đấy là mối nguy, không thể xem thường.
Vẫn biết rằng đâu đó trên các miền quê còn nhiều gia đình túng bấn, còn nhiều gia đình chưa biết đến bao giờ mới thoát nghèo, âu cũng là điều dễ hiểu với một đất nước có xuất phát điểm thấp. Nhưng nghèo đói tới mức lả đi và ngã xuống nước - mất mạng thì không thể xem là bình thường. Thật xót xa khi nước ta lại xếp nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo trong nhiều năm liền.
Chúng ta xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới cũng có nghĩa là xuất khẩu mồ hôi, nước mắt đứng nhất nhì thế giới, chứ không có nghĩa là dân ta giàu nhất nhì thế giới.
Phải thẳng thắn như vậy để thấy rằng, nước ta dù có đổi mới thì đa phần người dân vẫn phải bám vào nông nghiệp. Muốn đánh giá hiệu quả của công cuộc đổi mới đất nước thì phải nhìn vào chất lượng đời sống của những người nghèo nhất xã hội: đấy là nông dân. Nếu người nông dân không thay đổi được số phận mình thì công cuộc đổi mới của chúng ta vẫn chưa đạt được hiệu quả đích thực.
Năm 1911, khi ra đi tìm đường cứu nước ở độ tuổi đôi mươi, Bác Hồ cũng chỉ có một mục đích là “phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân”. Cả cuộc đời, Người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Sau khi Cách mạnh Tháng Tám thành công, Người đã rất quan tâm đến vấn đề diệt “giặc đói”, “giặc dốt”. Người coi cái đói, cái dốt là giặc và nó cũng nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm. Người từng nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập sẽ không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
N.Q/GDVN theo BÙI VĂN BỒNG Blog.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét