Tôi
gặp ông lần đầu tiên sau ngày 30-4-1975 vào thời kỳ thành phố Hồ Chí Minh còn
trong tình trạng quân quản, trong một cuộc họp của Thành uỷ do ông chủ trì bàn
về vấn đề “bài trừ văn hoá phản động đồi truỵ”. Nói cho thật đúng lúc bấy giờ
tôi chỉ thấy ông chứ không gặp vì thật sự tôi chưa hề biết mặt ông.
Tôi
được Bộ Thông tin Văn hoá miền Nam (lúc ấy chưa bị giải thể) chỉ định đi họp,
vào họp tôi thấy ông đang say sưa nói ở trên bàn chủ toạ, một lúc sau tôi đưa
tay xin phát biểu, và gọi ông bằng “đồng chí” trống không, tưởng như nói với
một cán bộ vô danh nào đó rồi cứ thế mà thao thao. Tôi đoán có lẽ ông cũng
không biết tôi là ai, nhưng nghe cái giọng tranh cãi có phần hung hăng của tôi
nên đã nghểnh tai, chăm chú tỏ vẻ hơi ngạc nhiên khi thấy tôi quyết liệt phản
bác hẳn ý kiến của Trần Trọng Tân bấy giờ đang phụ trách Ban Tuyên huấn Thành
uỷ. Đáng lẽ tôi im lặng vì không tin tưởng lắm vào những cuộc họp như thế này,
nhưng do đụng tới một chuyện bức xúc đã suy nghĩ từ lâu, tôi đã nói lại một ý
mà tôi đã phát biểu trong một cuộc họp liên tịch giữa Mặt Trận Dân tộc Giải
Phóng Miền Nam và Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình Việt Nam
ở ngoài Bắc khi thảo luận về “Chương trình hành động 10 điểm của CPCMLTCHMNVN”,
rằng nếu chúng ta không đặt giới hạn cho chính xác mấy khái niệm “phản động và
đồi truỵ” mà căn cứ vào đó làm tiêu chuẩn hành động thì sẽ vô cùng nguy hiểm, Kinh
thánh sẽ bị tịch thu cùng với tranh của Picasso, thơ của Beaudelaire, tiểu
thuyết của Remarque… còn mọi thứ sách nghiên cứu về khoa học nhân văn, khoa học
xã hội sẽ bị liệt vào hạng “tư sản thối nát” cần tiêu huỷ hết…
Ở một bài viết khác[1] tôi có nói qua điều này: tưởng như khi ở miền Bắc,
những phát biểu ấy sẽ bị gạt đi nhưng không ngờ sau đó tôi đã nhận được quyết
định do Lưu Hữu Phước ký, phân công tôi “chỉ đạo” hình thành bộ phận “đọc và
phân loại sách xuất bản ở miền Nam trước 30-4-1975”. Có một điều thú vị là cho
đến khi công việc nói trên đã gần hoàn thành, khi xem vô tuyến truyền hình tôi
mới biết cái người cán bộ nghễnh tai nghe tôi nói hôm đó chính là Võ Văn Kiệt:
ông đang diễn thuyết trước hàng hàng lớp lớp những thanh niên xung phong ở vườn
Tao Đàn! Hoá ra ông đã trở về công tác tại Sài Gòn (bí thư Đảng uỷ đặc biệt
trong Uỷ ban quân quản thành phố) trong thời gian tôi đi trị bệnh ở miền Bắc mà
tôi không biết. Trước đây tôi có nghe ông từng làm bí thư của khu Sài Gòn Gia
định, sau đổi về Khu 9, và cứ tưởng rằng người thay Trần Bạch Đằng vào năm
1970, nếu không phải là Nguyễn Văn Linh thì cũng là Mai Chí Thọ chứ không thể
là người khác. Và khi được biết chính ông là người đã nghe tôi phát biểu về
việc phân loại sách hôm đó, một câu hỏi bỗng loáng thoáng nẩy sinh mà cho đến
bây giờ tôi vẫn chưa có lời giải đáp: trong cái hôm ông nghe tôi trình bày đề
nghị mà tôi biết chỉ có một mình tôi phát biểu, và sau ngày giải phóng chỉ phát
biểu trong cuộc hội nghị mà ông chủ trì hôm ấy, ông có góp phần gì hay không
khi gác qua ý kiến của những người như Trần Trọng Tân để chấp nhận việc thành
lập bộ phận đọc sách mà tôi biết chắc chắn Lưu Hữu Phước không thể có vai trò
gì gọi được là quan trọng cả?
Dù sao thì trong chuyện
này, về mặt cá nhân, tôi vẫn coi là đã góp được một chút thắng lợi cho công
việc chung, ít nhất thì cũng tránh được một cách có ý thức sự tràn lan bừa bãi
trong chỉ đạo về đường lối. Nhưng tất cả công việc cũng chỉ như vậy thôi, ngoài
ra không có gì khác nữa. Trong lúc Thanh Nghị đuợc đưa về làm giám đốc Thư viện
quốc gia thì tôi lại được cho ngồi nhà chờ đợi; trong thời gian này ngoài việc
tập trung hoàn thành cuốn Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc
Mỹ tại miền Nam Việt Nam, thỉnh thoảng tôi cũng xuất hiện trên báo Sài
Gòn giải phóng, Tin sáng … với những bài ngắn viết về văn nghệ văn
hoá, nhuận bút chỉ đủ uống cà phê vài bữa. Công việc viết lách này tưởng cho
vui thôi nhưng không ngờ đã dẫn tôi đến một tai hoạ không lường được. Bực mình
vì những chuyện cải tạo gọi là “xã hội chủ nghĩa”, không biết do học một chỉ
thị nào đó về chủ đề chống lại sự sa sút về phẩm chất của đảng viên, tôi đã nổi
hứng lên viết ra hai bài đăng trên Tin sáng vào tháng 6/1979 (“Sức mạnh
của đất” và “Bản chất của Đảng”) và chính vì hai bài viết này, tôi bị Thuờng vụ
Thành uỷ lôi tên ra trong những cuộc học tập mùa hè năm đó với cái tội mà trong
chế độ mới này ai nghe qua cũng thấy rợn người: một loại “Nhân văn-Giai phẩm,
chống Đảng tinh vi”! Điều đặc biệt nhất của chiến dịch kết tội này là tôi không
hề được biết, không ai cho tôi biết mặc dù là trong Thành uỷ bấy giờ có những
người biết tôi rất rõ từ trong chiến khu: Mai Chí Thọ đã giăng võng nghỉ trưa ở
cái chòi của tôi tại rừng Tà Leeng sau hiệp định Paris, gần sông Thị Tín suốt
một tuần lễ khi ông đến giảng bài ở trường Đảng gần đó, còn Trần Trọng Tân thì
là người đã đại diện Thành uỷ dự lễ kết nạp tôi vào 1968 . Không ai nói với một
tiếng nào, cũng không cần hỏi chủ đích của tôi là gì, kể cả thông báo với chi
bộ nơi tôi sinh hoạt, và cứ như thế mà sự kết án công khai, ồn ào từ Sài gòn
lan về các tỉnh.
Tất cả những kết án đó chỉ
đến tai tôi một cách gián tiếp, qua lời thuật của bạn bè, nhất là qua những
giáo viên dự các lớp chính trị có quen biết với gia đình tôi. Tôi đã tổng hợp
tất cả những lời kết án ấy lại, làm một tường trình, nhờ Lê Duy Hạnh cùng sinh
hoạt một chi bộ, qua một đường quen biết riêng, gửi cho Võ Văn Kiệt như một thư
khiếu nại. Kết quả thật ngoạn mục: một thời gian sau không lâu, Trần Trọng Tân
đã tìm đến nhà tôi, cho biết chính “anh Sáu” đã đưa thư cho ông đọc và đề nghị
ông đến gặp tôi để giải quyết. Một cách xuề xoà, Trần Trọng Tân cho rằng
đọc thư tôi ông thấy không có gì trầm trọng lắm, chỉ do tôi “cầm đèn chạy trước
ô-tô thôi”, những gì Đảng chưa nói thì người cầm bút không nên nói trước, gây
ra những xôn xao không cần thiết. Trần Trọng Tân an ủi: không sao đâu, cần rút
kinh nghiệm là được. Tôi thật không thể nào hiểu nổi cái cách xử lý vấn đề lạ
lùng và đơn giản đến như vậy: không cần biết sự thật ra sao, không cần gặp gỡ
tìm hiểu về mặt động lực của con người mà chỉ căn cứ vào một số hình thức biểu
hiện để suy ra rồi quy chụp, bất chấp sinh mạng chính trị của đồng chí mình,
sau đó nghe phân bua thì lại nói là không có gì, không sao cả. Bất nhẫn trước
những lời giải thích ấy, tôi đã trả lời Trần Trọng Tân rằng tôi không thể nào
tiếp tục được một cuộc chơi ở đó người cầm bút được xem là một thứ cần vụ của
chính trị thô thiển đến như vậy. Những gì ông tiếp tục giải thích an ủi càng
làm cho tôi thấy công việc viết lách mà mình coi là một thứ lý tưởng đã trở
thành hết sức vô nghĩa, hết sức tầm thường. Sau buổi gặp mặt ấy, tôi tự nói với
mình rằng khi hoàn tất cuốn sách đã ký với nhà xuất bản Văn hóa, tôi sẽ đem bán
tất cả sách vở, gác bút đi làm một chuyện gì khác đỡ bạc bẽo hơn.
Tưởng mọi việc đã xong xuôi
nhưng một thời gian sau không lâu, tôi thật bất ngờ khi thấy Rum Bảo Việt (bí
danh Sáu Chiến, bấy giờ phụ trách Đảng uỷ Văn nghệ thành phố và cũng là một
người đã chủ trì cuộc kết nạp tôi ở vùng giải phóng vào năm 1968) một hôm ghé
nhà tôi cho biết ông Kiệt mời tôi đến dự buổi gặp mặt do ông chiêu đãi tại nhà
hàng Rex nhân dịp ông chuyển sang phụ trách văn nghệ, (trước đó tôi nghe dường
như để đối phó với một tình hình có phần lộn xộn do mấy thứ gọi là “văn nghệ
đồi truỵ” đang muốn ngóc đầu trở lại). Tuy rất có ấn tượng khi ông phụ trách về
kinh tế với chính sách tháo gỡ gọi là “ba lợi ích” nổi đình nổi đám lúc bấy
giờ, tôi tự hỏi trong lĩnh vực văn nghệ cực kỳ phức tạp này, ông biết gì mà dám
nhẩy vào để gọi là lãnh đạo. Nghĩ thế nhưng trước một sự mời mọc quá trân
trọng, thông qua một người thân quen là Sáu Chiến, tôi vẫn nhận lời. Nhà hàng
Rex hôm đó đông nghẹt đủ các thành phần văn nghệ sĩ trí thức ở Sài gòn thuộc đủ
các ngành, ồn ào chẳng có vẻ gì là một cuộc họp như thường gặp. Khi mọi người
đã ngồi vào chỗ rồi, tôi thấy ông Kiệt chỉ đứng lên nâng ly chúc mừng anh em mà
không hề có một bài diễn văn nào, rồi sau đó cũng chẳng có một bài tham luận
nào cả. Trong khi nhiều anh em bâu vào chỗ ông ríu rít thăm hỏi, nói chuyện thì
tôi chọn một bàn ở tận cuối phòng với một số người quen, uống bia lai rai.
Nhưng không ngờ trong cái không khí om xòm nhậu nhẹt đó, từ dãy bàn hàng đầu,
ông Kiệt xăm xăm đến đúng chỗ tôi ngồi, coi như đã quen biết từ lâu, cụng ly
rồi nói: “Lữ Phương! Bữa nào tới mình nhậu chơi!”.
Hơi lấy làm lạ với cách ứng
xử đó, nhất là khi biết rõ rằng tôi chỉ thấy ông một lần chứ chưa từng thực sự
gặp ông để ông có thể nhớ mặt, nhưng tôi nghĩ có lẽ ông đã nhờ Rum Bảo Việt chỉ
dẫn để ông đến gặp tôi hoặc là xã giao hoặc do ông đã đọc thư khiếu nại của tôi
về vụ hai bài báo trên Tin sáng, nên cũng cố ý làm vậy để bày tỏ sự an
ủi như Trần Trọng Tân đã làm. Nhưng lại một bất ngờ khác đã xảy ra: sau đó vài
hôm, vào một buối tối, tôi thấy Sáu Chiến đem xe hơi tới nhà tôi nói ông Kiệt
mời tôi tới chỗ ông chơi như tôi đã hứa. Xe đưa tôi tới chỗ mà ông hay tiếp
khách vào lúc bấy giờ là Văn phòng Thành uỷ ở đường Trương Định. Bước vào căn
phòng mà ông tiếp tôi, tôi có cảm giác đây là một buổi gặp gỡ riêng tư, đặc
biệt: quanh cái bàn bày biện sẵn các loại thức ăn, có cả rượu, bia, thuốc lá,
quanh bàn chỉ có hai chiếc ghế để ông và tôi ngồi đối mặt với nhau. Ông không
nói gì về mục đích của buổi gặp, chỉ niềm nở vui đùa, có ý nhường lời cho tôi,
cho nên sau vài ly bia vào tôi bỗng thấy hứng lên và huyên thuyên đủ thứ
chuyện, còn ông thì lâu lâu chỉ chêm vào mấy câu mà tôi loáng thoáng còn nhớ
khi đề cập qua về nghệ thuật, chẳng hạn như đi nghe nhạc giao hưởng hoặc xem
múa ballet ông không hiểu gì mấy. Lúc bấy giờ tôi cũng đã biết qua nhân thân của
ông nhưng lại không hề thắc mắc với câu hỏi đặt ra ban đầu về công việc phức
tạp mà ông sắp đảm nhận, bởi vì qua cuộc tiếp xúc ấy cái ấn tượng còn lại trong
tôi không có gì khác hơn là sự thoải mái được gần gũi với một người lãnh đạo dễ
thương, biết lắng nghe tôi nói, coi tôi là một người đối thoại không giống chút
nào với cung cách của một vài người lãnh đạo khác mà tôi đã từng tiếp xúc như
Trần Bạch Đằng và Tố Hữu.
Về Trần Bạch Đằng tôi đã
gặp nhiều lần hồi vào chiến khu từ Mậu Thân ở vùng ven. Vào năm 1970, trên đất
Kampuchia, khi từ bộ Thông tin Văn hoá trên R xuống công tác ở Y4, tôi đã từng
nghe ông hùng hồn thuyết minh về đường lối đấu tranh ở đô thị với luận điểm rất
táo bạo, đi ngược lại sách vở giáo khoa về chủ nghĩa Mác-Lênin; ông nóí rằng ở
miền Nam, giai cấp công nhân hơi bị “xệ d…” nên không thể đóng được vai trò
tiền phong của cách mạng, vai trò ấy đã thuộc về sinh viên trí thức: sinh viên
và trí thức lúc đó chẳng những là ngòi pháo mà còn trở thành thân pháo nữa! Bấy
giờ là lính mới, tôi rất thú vị với luận điểm ấy của ông và rất hào hứng khi
gặp ông riêng nhiều lần nghe ông kể chuyện vui, đọc thơ, đọc cả một chương nào
đó của một cuốn tiểu thuyết mà ông đang viết. Khởi đầu tôi nghĩ ông là một nhà
cách mạng “văn võ song toàn”, nhưng gặp ông nhiều lần nữa tôi bắt đầu nhận ra
cái cung cách “anh hai Nam bộ” nơi ông khá rõ: ông quá tự tin về mình, về ý
kiến của mình và rất thích đem niềm tin ấy truyền cho người khác dưới một hình
thức gần như áp đặt. Lần nào tiếp xúc với ông tôi cũng thấy ông nói liên tục và
không hề biết tôi nghĩ gì về điều ông nói. Sau này, qua giải thích của nhiều
cán bộ trên R tôi biết được ông đã bị Đảng xếp vào loại “thích nhảy cao đá
dài”, nhưng thiếu hẳn “căn cơ” nên rất dễ bốc đồng và vấp ngã. Nghe thông tin
ấy tôi đã hiểu tại sao khi đưa ra luận điểm nổi tiếng về sự “xệ d…” của giai
cấp công nhân, thật sự thì không có gì sai về mặt thực tế, ông vẫn bị Nguyễn
Văn Linh từ Trung ương Cục xuống Y4 lôi về R để kiểm điểm và ngưng công tác một
thời gian khá lâu.
Sau ngày 30-4-1975, tôi rất
ít khi gặp ông. Nhưng thấy ông viết nhiều trên Tin Sáng, Tuổi Trẻ, Thanh
niên… vẫn với giọng điệu của một đại ca, được một số đệ tử thần phục gọi là
“học giả” rất long trọng. Tôi cũng được tin sau một chuyến đi công tác ở Ba Lan
về, ông bị phê bình, bị công an theo dõi, phải đưa ra Bắc học trường Nguyễn Ái
Quốc … Cũng nghe sau một thời gian làm phó ban Tuyên huấn Trung ương thì ông về
hưu tập trung vào công tác văn hoá, văn nghệ với tư cách cá nhân: ngoài việc
viết báo, viết truyện, ông cũng đứng ra nhận lãnh hàng loạt những công trình
làm ăn gọi là “điạ dư chí” cho một số tỉnh, thành, mời một số cây bút hợp tác,
căn cứ vào những bài viết có sẵn ông đưa ra những nhận định tổng hợp. Lúc bấy
giờ quan điểm của tôi về chế độ mới đã bắt đầu hơi “lộn xộn” rồi, đọc những bài
ông viết tôi không còn thấy hào hứng như thời còn kháng chiến nữa, nên không hề
có ý định gặp ông. Nhưng dường như ông không biết điều đó, nghĩ rằng tôi vẫn là
một thứ “đệ tử” để ông phân công, nên có một lần ông đã gửi một cô thư ký đến
nhà tôi đưa cho tôi một đề cương nghiên cứu về lịch sử cách mạng mà ông đã nhận
làm cho tỉnh Sông Bé, trong đó gồm đầy đủ các mặt: kinh tế, chính trị, văn
hoá…có ghi tên một số người đảm nhận, riêng phần tôi thì trong bức thư riêng,
ông đề nghị tôi phụ trách nghiên cứu phần… quân sự! Đọc xong bức thư “phân
công” ấy tôi cười ngất và bảo cô thư ký về nhắn với ông là tôi … chịu thua hoàn
toàn!
Về ông Tố Hữu thì tôi chưa
bao giờ gặp riêng. Nhưng sau 30-4-1975 một thời gian, tôi có dịp đi nghe ông
diễn thuyết một lần ở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Được nghe một vị lãnh đạo cao cấp từ Trung ương vào nói chuyện, anh em đến dự
khá đông. Vì hội trường đã đầy nghẹt, tôi chọn một chỗ sát cửa ra vào, cho
thoáng mà cũng đề phòng trường hợp chán quá thì … rút lui sớm! Ngồi kế tôi là
một đạo diễn điện ảnh của Sài gòn cũ, tóc và râu rất dài. Khi Tố Hữu từ ngoài
bước vào, có Bảo Định Giang nối đuôi, ông dừng lại trước nhà đạo diễn này và
sau một câu hỏi thăm về nghề nghiệp, ông phát ra ngay mấy câu lên lớp làm tôi
ngượng đến chín người, đại khái: sao lại để râu tóc chi cho dài coi già và
buồn quá vậy…? rồi tay cầm cái quạt, thong thả lên bàn chủ toạ… Lập tức Bảo
Định Giang khúm núm bước theo: “Xin giới thiệu với các đồng chí người Anh Cả
trong làng văn nghệ của chúng ta mà mọi người đều biết: đồng chí Tố Hữu! Mặc
dầu bận trăm công nghìn việc, hôm nay đồng chí Tố Hữu cũng đến đây nói chuyện
với chúng ta về một số vần đề văn nghệ…..v.v…”. Sau khi Bảo Định Giang vừa
dứt lời thì bị Tố Hữu chỉnh ngay: “Anh Bảo Định Giang nói sai rồi! Làm chi
mà trăm công nghìn việc, người cộng sản lúc nào cũng thong dong, thoải mái… Và
có gì mà “Anh Cả” với “Anh Hai”, tôi cũng chỉ là một người làm thơ như các anh
em làm văn nghệ thôi…”. Ngừng một lúc rồi ngó quanh, ông chỉ cây quạt vào
một khẩu hiệu bên vách phòng họp: “Tất cả cho sản xuất”, cũng sai rồi, trong
văn nghệ tại sao không nói “tất cả cho sáng tạo”… mà lại nói “tất cả cho sản
xuất”?
Phải nói rằng cái cách mở
đầu câu chuyện như vậy cực kỳ gây ấn tượng với tôi, và đột nhiên tôi hơi lo cho
Bảo Định Giang: nói năng thế nào mà bị “chỉnh” trước mặt mọi người như vậy thì
kể như tiêu rồi. Lại còn ông Viễn Phương, nhà thơ mà tôi biết từ trong khu, nay
là chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố lúc ấy nữa: viết khẩu
hiệu tuyên truyền làm sao mà để bị “đì” như vậy! Với những niềm hứng thú đó,
quên vụ ông đạo diễn lúc nẫy, tôi lắng nghe Tố Hữu nói đủ thứ về văn nghệ, thế
nào là xã hội chủ nghĩa, thế nào là dân tộc , hiện đại… nhưng một chặp thì thấy
những điều ông nói chẳng có gì là mới, đã do người khác hoặc do chính ông đã
viết ra cả rồi nay chỉ lặp lại thôi. Duy có một hình ảnh mà tôi nhớ mãi khi ông
dùng để nói về tính dân tộc trong văn nghệ, đại ý: tại sao chúng ta cứ xem
cái mũi dài phương Tây là chuẩn mực của cái đẹp thể hình mà lại không phải là
mũi tròn của ta? …. Tinh thần dân tộc được đưa lên cao tột độ sau khi thắng
Mỹ để trở thành môt thứ chủ nghĩa dân tộc vẫn là đề tài chính yếu của Tố Hữu và
Lê Duẩn.
Sau buổi họp đó, anh em
chúng tôi tạt sang cái quán bia khá rộng nằm ngay trong khuôn viên của Hội và
đề tài của cuộc “toạ đàm” tiếp theo lại là cuộc thuyết trình của Tố Hữu lúc
nẫy. Vì quá ấn tượng với cuộc mở đầu của buổi họp, tôi bày tỏ ngay sự lo lắng
của mình về việc Bảo Định Giang bị “đì” thì lập tức một anh bạn cùng bàn ngắt
lời: “Ông chẳng biết gì cả. Tôi nói ông biết Bảo Định Giang chỉ là cái mõ, còn
người cầm đũa để gõ là Tố Hữu! Đưa đầu cho Tố Hữu gõ đó là cách lấy điểm đấy
ông à! Tố Hữu rất cần có những cái đầu cho ông nện để tỏ uy quyền lãnh đạo…
Trong tất cả những đệ tử của Tố Hữu, Bảo Định Giang là người trung thành triệt
để đấy! Ông không biết chuyện Bảo Định Giang đã nổi danh với câu tuyên bố hồi
đánh Nhân Văn-Giai Phẩm ở miền Bắc sau đây sao: Tôi chỉ là con chó
gác cổng cho Đảng, thấy cái gì lạ thì tôi sủa lên để Đảng tìm cách xử lý!”?
Anh bạn này vừa nói xong thì một anh khác đọc luôn hai câu vịnh về Bảo Định
Giang, không biết ai là tác giả, cho đến nay tôi còn nhớ mãi: “Thấy ‘trên’
lóm thóm lưng tôm bạc / Thấy ‘gái’ ngo ngoe đít cá vàng”. Thực hư như thế
nào không biết nhưng nghe xong mấy lời lẽ có vẻ tiếu lâm ấy, tôi đã phải cố kềm
để ngụm bia vừa uống khỏi vọt ra ngoài vì sặc!
Khi nhớ lại những nhân vật
trên đây rồi so với việc Võ Văn Kiệt nhẩy sang lãnh đạo trí thức và văn nghệ sĩ
tôi thấy ông “không giống ai” hết! Ông không phải là một văn nghệ sĩ, lại không
biết gì nhiều về lý luận văn nghệ, nhất là thứ lý luận văn nghệ mácxít-lêninít
vốn được xem là chính thống của chế độ đã có từ thời chống Pháp đến nay. Nhiều
lần tiếp xúc với ông, tôi thấy ít khi nào ông đi sâu vào những đề tài văn nghệ,
nhất là không bao giờ ông đụng chạm đến vấn đề lý luận mà hễ có dịp nào tôi
nhắc đến ông đều im lặng lắng nghe, không hỏi tiếp cũng không bắt chuyện. Tôi
nghĩ không phải ông không quan tâm đến các vấn đề này mà có lẽ ông biết rất rõ
rằng ông không có đủ trình độ để đề cập, có thể gây ra tranh luận không cần
thiết nhưng cũng có thể ông nghĩ rằng đó là lĩnh vực chuyên ngành của những bộ
môn khác nhau, để những vấn đề đó cho những nhà chuyên môn giải quyết, phần
ông, ông chỉ đến với văn nghệ sĩ, trí thức như những người bạn, thông cảm với
họ trong công việc, quan trọng nhất là tạo ra một tình cảm, một lòng tin của họ
với ông với tư cách là một người lãnh đạo Đảng, để họ cùng đi chung với ông
trong một mục tiêu chính trị nào đó. Khi tiếp xúc những người tiêu biểu có uy
tín ông đã tiếp đãi họ riêng rẽ từng người một chính là để biểu thị sự quý mến
và trân trọng của ông với cá nhân của họ. Tuy vậy khi cần thiết phải bộc lộ
tình cảm ấy ông cũng biết sử dụng cái khả năng nhà nước mà ông có được để chăm
lo thiết thực một số đối tượng (tiêu biểu như việc ông gửi tiền cho Sơn Nam sửa
nhà, gửi gạo cho Trịnh Công Sơn… ); cùng với những hành vi ấy là việc ông nhờ
người đem từ miền Tây về các thứ rắn rùa để đãi đằng anh em, tất cả đều có mục
đích biểu thị một quan tâm chân thành với mọi người, không phải chỉ với những
anh em từ chiến khu trở về, ở miền Bắc vào mà cả với những nghệ sĩ trí thức của
chế độ cũ đang ở lại cộng tác với chế độ mới nữa.
Do xuất thân từ phong trào
đô thị, tôi nhận thấy cái cách thức vận động trí thức văn nghệ sĩ nói trên rất
giống với cái cách dân vận của thời cách mạng chưa có chính quyền. Có thể nói
đó một thứ phương pháp chinh phục trái tim từng con người một, qua sự chinh
phục đó, lôi mọi người vào cuộc đấu tranh chung. Quyền lực của nhà nước mà ông
có được trong tay sau khi cách mạng thành công có thể giúp công việc ấy dễ dàng
hơn, nhưng không quan trọng lắm: ông không bao giờ bộc lộ quyền uy ấy với bất
cứ người trí thức nào mà ông làm việc hay tiếp xúc, khác hẳn với cái cung cách
lãnh đạo quan cách dựa trên những chế độ, những tôn ti về định chế, hình thức,
quan liêu hình thành ở miền Bắc sau 1954 tràn vào miền Nam sau ngày thống nhất,
biểu hiện rõ nhất nơi thái độ bề trên và mị dân của Tố Hữu mà tôi chứng kiến
tận mắt. Gần gũi ông một thời gian, tôi có cảm giác như phong trào do ông vận
động vẫn giữ được ít nhiều tính chất của một cộng đồng lý tưởng thời bí mật mà
mỗi thành viên tham gia đều được bảo vệ và đùm bọc lúc khó khăn. Thái độ của
ông đối với bà Ba Thi về chuyện “xé rào” thu mua gạo để cung cấp cho thành phố
và không để thiệt cho nông dân (“tôi sẽ thăm nuôi nếu chị ở tù”) là một
trường hợp, không khác gì trường hợp ông biết khoan dung với việc Nguyễn Trọng
Văn thách thức ông về chuyện “ra đi hay ở lại” hoặc trường hợp ông thường can
thiệp bảo lãnh nhiều trí thức bị bắt vì vượt biên trái phép…
Nghĩ lại trường hợp của
mình tôi cũng có cảm giác như ông đã đối xử với tôi như thế khi đọc xong bức
thư khiếu nại tôi gửi ông về vụ hai bài báo trên Tin sáng, bằng cách đưa
Trần Trọng Tân đến nhà tôi rồi sau này tự tìm đến tôi không phải chỉ như một vỗ
về mà còn tiến tới chỗ kéo tôi vào cái cộng đồng mà ông đang xây dựng. Qua tiếp
xúc một vài lần với ông, tôi đã nhận ra ngay mục đích ấy nhưng theo một thiên
hướng tình cảm như tất cả những anh em khác, tôi đã tham gia vào đó một cách tự
nhiên, không hề nghĩ rằng ông đã sử dụng mình. Ông tỏ ra rất thích thú khi biết
vào chính lúc ông khuyến dụ tôi tôi đã hoàn thành cuốn Cuộc xâm lăng về văn
hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam, đang giao cho Nhà
xuất bản Văn hoá ở Hà Nội ấn hành ở nhà in Trần Phú, và đã qua một trợ lý nào
đó đề nghị Hà Mậu Nhai lúc bấy giờ phụ trách Nhà xuất bản Văn nghệ Tp HCM in
thêm 1000 cuốn nữa để phổ biến rộng rãi hơn. Khi cuốn sách in xong tôi có gửi
biếu ông một cuốn, không biết ông có thì giờ đọc cuốn biên khảo nặng nề ấy hay
không, nhưng sau đó ông xin tôi vài cuốn nữa để cho người khác, trong đó có một
bản ông đề nghị tôi ký tên tặng ông Nguyễn Văn Trấn lúc bấy giờ hay gặp gỡ ông
rất thân thiết. Ngay trong khi ông còn sống, tiếp xúc với rất nhiều trí thức,
văn nghệ sĩ có dịp làm việc, quan hệ với ông, tôi thấy không ai là không giữ
được nơi ông ít nhiều kỷ niệm về sự ân cần, chăm sóc thật lòng của ông đối với
họ.
Gần gũi ông, tôi có cảm
giác như trở lại thời kỳ hoạt động bí mật ở đó ông là hình ảnh tiêu biểu của
một cán bộ còn đang sống trong một hoàn cảnh được người dân che chở mà nếu
không hiểu họ đang nghĩ gì, không biết họ sinh sống ra sao, bất mãn điều gì và
mong chờ điều gì thì cuộc cách mạng mà người cán bộ có nhân danh như thế nào đi
nữa cũng là vô nghĩa, tự cô lập và sớm muộn cũng sẽ tự diệt vong. Không phải
những cán bộ khác không biết cái bài bản ruột đó nhưng ở ông tôi thấy đã biểu
lộ một cách hồn nhiên như tính cách của ông, không hề tỏ ra cố gắng và đóng
kịch. Tôi nhận ra thật rõ điều đó trong một lần gặp gỡ có nhiều anh em, nhân
nhắc đến chuyện những trí thức vượt biên bị bắt, ông đã nổi hứng lên kể chuyện
Bác Hồ bỏ lăng nghìn năm ở Hà Nội vào Nam đi tìm đường cứu nước một lần nữa mà
vì không có hai cây vàng bỏ túi nên đành ngồi củ rủ ở Bến Nhà rồng! Kể xong câu
chuyện ấy ông cười hể hả. Nhưng không dừng lại ở đó, ông kể thêm một chuyện
khác, cùng một đề tài, có dính líu đến bản thân ông. Ông kể một hôm nào đó ông
về Củ Chi thăm một bà má cơ sở đã che chở ông thời kỳ chiến tranh và được bà
khoe với ông rằng số tiền bà dành dụm được bấy lâu bà đã lo cho một đứa cháu
nội vượt biên, thoát rồi! Nhưng chưa hết: ông chưa kịp có ý kiến gì thì sau khi
nhỏn nhoẻn chùi xong vết trầu ở miệng bà cho biết tới đây bà sẽ bán miếng đất
kế bên lấy tiền cho đứa cháu ngoại đi tiếp cho … nội ngoại công bằng!
Kể xong ông vẫn cười, tôi
cũng cười theo nhưng bỗng thấy lòng rưng rưng. Không biết ở đâu và làm sao mà
ông nhặt được câu chuyện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước lần thứ hai như vậy,
và làm sao ông có thể đem câu chuyện thật đau lòng về một bà má Củ Chi từng là
cơ sở của ông để kể ra cho chúng tôi nghe một cách tự nhiên đến như vậy! Với ai
thì có thể là một chuyện bình thường, nhưng với một người cộng sản lãnh đạo như
ông thì những câu chuyện đó đâu phải chuyện bình thường! Vậy mà ông vẫn kể
những chuyện đó cho chúng tôi nghe như chúng tôi đã từng kể cho nhau nghe. Ông
có khác gì chúng tôi đâu: trong thâm tâm tôi chắc ông đã hiểu rất rõ rằng những
chính sách từ miền Bắc đưa vào sau khi chiến tranh chấm dứt, ồ ạt gọi là “cải
tạo xã hội chủ nghĩa”, nghe rất cao siêu nhưng thực tế lại không mang đến hiệu
quả gì khác là đẩy người dân vào một tình trạng tuyệt vọng cùng cực đến phải bỏ
nước ra đi! Với sự nhạy bén của một cán bộ thời hoạt động bí mật, ông đã nhận
ra ngay sự nghiêm trọng của tình thế và trong cương vị của mình ông đã cố gắng
hết mực trong những khả năng có thể làm được, kể cả đi ngược lại đường lối
chính thống, để tìm cách làm vơi bớt đi nỗi khổ cho những con người mà không có
họ cuộc cách mạng của ông không thể có được một cơ ngơi như ngày nay!
Sau một thời gian tới lui
với ông trong không khí ấm áp hiếm có của những năm đầu sau chiến tranh cực kỳ
vất vả, một hôm tôi được nhà báo Thép Mới (lúc bấy giờ là người viết cho ông
những bài phát biểu về văn hoá, văn nghệ) đề nghị tôi chuyển biên chế về Văn
phòng Thành uỷ, cùng với anh và một cán bộ nữa thành lập một tổ trợ lý về văn
hoá cho ông. Tôi chấp nhận ngay nhưng về rồi mới nhận thấy cái hình thức tổ
chức mà ông lập ra như vậy mang tính chất có vẻ tình cảm nhiều hơn thực tế.
Thép Mới vẫn giữ công việc viết lách cho ông, còn tôi thì chẳng có sự phân công
cụ thể nào. Trong tình thế khó xử ấy, tôi đã tự tìm việc cho mình bằng cách làm
một báo cáo về quá trình tiếp xúc một số trí thức văn nghệ sĩ của Sài Gòn cũ hy
vọng giúp ông hiểu họ nhiều hơn về chiều sâu của tâm tư. Sau vài ba tháng bản
báo cáo ấy đã hoàn thành, ghi lại một cách trung thực những suy nghĩ của hơn 30
trí thức và văn nghệ sĩ về tình hình đất nước từ sau ngày 30-4-1975 đến lúc bấy
giờ (đầu năm1982), toàn bộ văn bản đó đã toát lên những phê phán, chỉ trích rất
nặng nề về những bất cập sai lầm do đường lối cải tạo của Đảng sau chiến tranh
trên rất nhiều phương diện. Tôi gửi Thép Mới nhờ Văn phòng Thành uỷ đánh máy
chuyển cho ông, không biết ông có đọc được hay không vì từ đấy về sau tôi ít có
dịp gặp ông, trong khi đó thì bên ngoài, báo cáo ấy không hiểu sao đã đến tay
rất nhiều người trong đó có Lê Ngộ Châu, Nguyễn Hiến Lê, còn ở bên trong thì
không hiểu sao Trần Bạch Đằng cũng có được một bản!
Tổ công tác đó tồn tại chưa
bao lâu và cũng chưa làm được gì thì chúng tôi được biết ông sẽ rời thành phố
Hồ Chí Minh ra Trung ương nhận nhiệm vụ mới. Chuyện trước khi ra đi của ông có
liên hệ đến cá nhân tôi cũng là một điều thật đáng nhớ. Vì ông không còn ở đây
nữa nên tổ công tác do ông thành lập bị giải thể cũng là lẽ tất nhiên. Thép Mới
là cán bộ cao cấp của báo Nhân dân và sẽ về với nhiệm sở của anh thì
không khó khăn gì, nhưng còn với tôi, ở biên chế Bộ Văn hoá, tôi đã là một món
hàng phế thải, về làm việc với ông như một sự vụ tạm thời, nay ông đi rồi, sẽ
làm việc ở đâu đối với tôi không có gì quan trọng, nhưng với một người tình cảm
như ông, tôi biết ông cũng nghĩ tới như ông đã lo cho nhiều cán bộ trợ lý của
ông. Và thực tế ông đã làm như vậy. Một hôm nào đó ông mời một số cán bộ khoảng
chục người gần gũi ông trong đó tôi nhờ rất rõ có Trần Bạch Đằng, và quan trọng
hơn nữa là Tám Hồ, bấy giờ đang phụ trách Văn phòng Thành uỷ, với một cán bộ tổ
chức nào đó tôi quên tên, vào chỗ ở của ông ở An Phú bên sông Sài Gòn, để sau
một bữa cơm, ông cho biết quyết định thành lập ra một bộ phận gọi là “Nghiên
cứu chủ nghĩa thực dân mới về văn hoá”, do Văn phòng thành uỷ quản lý và người
phụ trách bộ phận nghiên cứu này là… Lữ Phương!
Với tôi, điều này thật bất
ngờ! Tôi cảm nhận được ngay cái tính chất chênh vênh của một quyết định như
vậy: một bộ phận nghiên cứu nghiêng hẳn về phần chuyên môn rất khó phù hợp với
sự quản lý của một Văn phòng hoàn toàn mang tính chất hành chính, sự vụ và tác
chiến. Dù sao tôi vẫn cảm động về sự chu đáo của ông: ông cố tìm cách gài tôi
vào một hình thức tổ chức nào đó để tôi không còn lông bông và … lộn xộn như trước
nữa! Thấy không ai có ý kiến gì, ông có vẻ hài lòng, sau đó ông rủ tôi theo ông
đi khai mạc môt gánh hát Hồ Quảng đang ra mắt tại Nhà Hát Thành phố. Đi giữa
một hàng rào cán bộ đón chào, tôi bước theo ông giữa hai hàng ghế về phía sân
khấu, đến gần giữa rạp thì bỗng hàng loạt những tràng pháo tay nổi lên đón chào
ông, tôi giật mình vội vàng lùi lại để nhường ông đi tới, nhưng ông cũng đã vội
vàng ôm vai tôi kéo lên phía truớc đi cùng với ông rồi sau đó để tôi ngồi kế
bên ông cho đến hết buổi biểu diễn. Thực lòng tôi không thể không cảm thấy
ngượng nghịu khi được “ăn theo” cái niềm vinh dự của cá nhân ông, tuy vậy tôi
thấy cách ứng xử của ông hôm ấy thật tuyệt diệu vì thật tế nhị! Và đó là cái
cảm giác và cũng là hình ảnh ảnh cuối cùng tôi gần bên ông trước khi ông ra Bắc
cho đến 26 năm sau tôi mới có dịp gặp lại ông ở Sài Gòn.
Trong 26 năm đó ông đã trở
thành một nhân vật quốc gia, góp phần không nhỏ vào việc đưa đất nước sang một
khúc quanh phát triển và hội nhập mới, đẩy lui hẳn về quá khứ những ngày tối
tăm sau chiến tranh. Còn phần tôi thì sau cái hôm đi xem Hồ Quảng với ông, tôi
trở về Văn phòng Thành uỷ, không làm điều gì hơn là cứ mỗi tháng đến lãnh “sinh
hoạt phí” một lần. Cái tổ chức mà ông muốn lập ra như một chuyện đã rồi và gài
tôi vào đó như một chuyện đã rồi không thấy ai nói đến cả. Và cũng chẳng ai báo
cho tôi biết cái quyết định mà ông đã đưa ra đó đã bị huỷ bỏ như thế nào và tại
sao phải huỷ bỏ. Cũng chẳng ai nói gì đến chuyện công tác hay sinh hoạt Đảng
của tôi nữa. Đã quá quen với những chuyện như vậy hồi ở Bộ Văn hoá và cũng đã
có chút kinh nghiệm để lường trước tính chất bấp bênh trong thời gian làm việc
với ông, tôi đã tiếp nhận mọi việc xảy đến một cách bình thường. Tên tôi từ đó
được nhập vào danh sách của một số “anh hùng Lương sơn Bạc” của Ban Tổ chức
thành uỷ, hiểu như một số cán bộ thừa, không biết xử sự ra sao, không biết đưa
về đâu. Hồ sơ Đảng tôi xin rút từ Bộ Văn hoá định đem nộp cho Tổ chức thành uỷ,
trước tình hình ấy, đã bị tôi nhét vào xó tủ, sau đó thì quên luôn và các tổ
chức Đảng cũng chẳng ai quan tâm. Nhưng có lẽ có một ai đó ở thành uỷ sực nhớ
một thời gian tôi có dính dáng đến cái tổ chức mang tên là Liên minh các Lực
lượng Dân tộc, Dân chủ hồi trước chiến tranh, nên tôi đã được chuyển về Mặt
trận Tổ quốc thành phố, ở đây những người phụ trách hình như cũng không ai biết
quá trình công tác của tôi là gì nên cũng không biết căn cứ vào đâu để xếp
lương mới cho tôi. Tình trạng ấy kéo dài gần 20 năm.
Có một vài người thân biết
điều đó đã đề nghị tôi viết thư cho ông để làm thêm một cuộc “khiếu nại” nữa,
nhưng tôi không chú ý lắm: ông đã làm hết sức với tôi rồi và đã làm theo cái
cách riêng của ông mà không phải ai cũng hiểu được. Nếu tôi được ông quan tâm
một lần nữa và lại tìm cách “gài” tôi một lần nữa vào một hình thức tổ chức nào
đó thì cũng không có gì bảo đảm cuối cùng, do nhiều nguyên nhân, tôi sẽ không
bị hất ra một lần nữa. Một cuộc cách mạng đã trở thành một guồng máy rồi. Ông
vẫn xem guồng máy ấy là của mình để đi theo nó đến cùng và tìm cách chuyển hoá
nó và cũng gặp không ít khó khăn cho bản thân, không phải muốn làm gì cũng
được. Không khác gì tướng Trần Độ là một người quen thân với tôi, ông cũng tìm
cách phả vào cái guồng máy vô hồn sau cách mạng đó một chút hơi ấm của những
“ngày xưa”, nhưng nếu Trần Độ bị khai trừ vì nhiều lúc quá quyết liệt thì với
những đức tính của ông, ông đã có đủ kiên trì và bản lĩnh để vượt qua và thực
hiện được phần nào đó mục đích của mình. Nhưng với tôi thì lại khác hoàn toàn.
Tôi có nhiều điều rất cách biệt với ông về mặt tư duy lẫn tính cách: tôi chỉ
đến với cuộc cách mạng cộng sản như một sự gặp gỡ trên đường đi tìm một lời
giải chung cuộc cho đời sống, vì vậy tôi không hề muốn và cũng không thể trở
thành một người hoạt động cách mạng chuyên nghiệp như ông. Vì thế khi từ giã
ông rồi, như “ma đưa lối quỷ đưa đường”, tôi lại mon men trở về với cái tố chất
mang tính định mệnh của mình: mãi mãi đứng ra bên ngoài tất cả mọi guồng máy,
nhất là những định chế nhân danh những điều hào nhoáng để đè nén con người.
Thái độ ấy không phải lúc nào cũng có thể biện minh được trước thực tế nhưng
với tôi đó lại là một chọn lựa có tính chất nền tảng.
Sau ngày ông về hưu và tiếp
tục cuộc tranh đấu của mình trong hoàn cảnh mới, nhiều anh em đã khuyên tôi nên
đến thăm ông. Trong khi chưa có dịp thì do sự xếp đặt của Châu Tâm Luân, tôi đã
gặp được ông cùng với Võ Như Lanh ở một hiệu ăn bên khu Thanh Đa suốt một buổi
tối. Ông ôm tôi thật chặt và uống nhiều cốc rượu vang như ngày trước đã uống
nhiều ly bia với tôi. Ông vẫn nhường lời cho tôi và tôi vẫn huyên thuyên đủ
chuyện. Y như xưa, tiếng cười của ông vẫn thoải mái, hiền hậu, sự chân tình ấm
áp vẫn không có gì thay đổi. Mặc dù mọi thứ trên đất nước suốt 26 năm qua đã
thay đổi nhiều và riêng tôi thì sự thay đổi lại quá nhiều mà chắc chắn ông đã biết.
Tôi đã bỏ Đảng từ lâu, tôi đã phê phán chủ nghĩa Mác-Lênin, phê phán cả Hồ Chí
Minh và đủ thứ chuyện khác về cuộc cách mạng mệnh danh là “vô sản” làm nền cho
Đảng cộng sản Việt Nam. Không biết ông có đọc những gì tôi viết hay không,
nhưng tôi chắc ông không thể nào không nghe người ta tường trình về nội dung
những điều tôi đã viết. Bây giờ ngồi đây với ông, tuy thân tình như cũ, tôi vẫn
không thể biết ông đã nghĩ gì về những biến chuyển đó trong tôi, kể từ cái hôm
tôi từ biệt ông sau khi đã cùng ông đi xem chung một tuồng Hồ Quảng ở Nhà hát
Thành phố mà đến nay tôi hoàn toàn quên mất nội dung của nó.
Một chai vang đã cạn. Tôi
lấy trong bọc ra cuốn sách tập hợp một số bài viết gần đây, tất cả đã xuất hiện
ở các website hải ngoại, được đặt cho một cái tên chung: Tưởng nhớ một người
anh em, phổ biến trong nước như một tài liệu chuyền tay và ký tên tặng ông.
Lật qua vài trang, ông bỗng hỏi tôi một câu mà từ khi biết ông tôi thấy ít khi
nào ông hỏi: “nghe nói Lữ Phương nghiên cứu nhiều về chủ nghĩa Mác phải không?”.
Mặt đã hơi bừng bừng một chút, tôi đã nói với ông những lời bỗ bã sau đây: “Anh
Sáu biết tại sao tôi quan tâm đến chủ nghĩa Mác như vậy không? Đó là do tôi
nghe lời ông Đồng và ông Duẩn, hai ông này luôn khuyên nhủ cán bộ phải học tập
chủ nghĩa Mác vì không hiểu chủ nghĩa Mác thì không thể xây dựng thành công chủ
nghĩa xã hội. Nghe lời hai ông đó, tôi đã quay mặt vào tường trong suốt 10 năm
để tìm hiểu; anh có biết sau đó tôi đã kết luận như thế nào không?”. Ông nhướng
mắt lên và hỏi: “Sao?” Tôi nhớ đã trả lời ông một cách tỉnh queo câu sau đây: Tôi
nói hai cha nội đó chẳng biết Mác là con mẹ gì hết! Không tưởng tượng được!
Sau khi nghe câu nói báng bổ đó của tôi, ông đã cười phá lên, thoải mái như
chưa bao giờ thoải mái đến như vậy! Không biết có đúng hay không, nhưng cái bí
mật về chủ nghĩa Mác-Lênin mà ông không khi nào nói đến mỗi khi gặp tôi, dường
như đã bộc lộ qua những tiếng cười của ông hôm đó.
Đó là kỷ niệm cuối cùng tôi
nhớ về ông để chỉ mấy tháng sau tôi nghe tin ông mất. Hôm tang lễ của ông ở Hội
trường Thống Nhất, tôi chỉ đứng ờ ngoài đường nhìn vào bên trong, ở đó chắc hẳn
ông đã có quá nhiều vòng hoa, nhiều lời ca ngợi, nhiều sự tiếc thương và ông
xứng đáng với những điều trân quý đó. Tôi không mang theo vòng hoa nào cho ông,
cũng không định viết một điếu văn về ông. Tôi chỉ đứng đó nhớ tới ông như nhớ
tới một con người đi chân đất, một con người mà chỉ với một lời cam kết có tính
chất cội nguồn, đã vượt qua được sự vây ép và khống chế của cả một guồng máy
khắc nghiệt được bảo vệ bằng những giáo điều xơ cứng, để giữ mãi cho mình được
mối liên hệ hồn nhiên với đông đảo những con người làm nên cái mảnh đất ngàn
năm của ông. Cũng vì lẽ đó, không màng đến sự vo ve của các ý thức hệ chống
cộng, dù không còn là cộng sản nữa, tôi vẫn bầy tỏ ở đây nỗi tưởng nhớ đến ông
như một trong những người cộng sản chân chính còn sót lại trên đất nước hôm
nay.
Sài Gòn 17.7.2008
LỮ PHƯƠNG (theo VietStudies)
1 bài viết quý báu!
Trả lờiXóaCám ơn nhận xét . Qua bài viết nầy được biết thêm Bảo Định Giang, Viễn Phương ..... những cây đa , cây đề... nhưng không là gì cả . Thế thôi.
Trả lờiXóaquá hay
Trả lờiXóahạt điều mật ong