3 thg 11, 2013

Hài ký : LẼ THỰC HƯ của BẠCH DIỆP




LỜI DẪN : Hổm rày có các vụ việc : nhà thơ lên đồng Hoàng Quang Thuận xuất hiện trên VTV trong lễ quốc tang đại tướng Võ Nguyên Giáp, cô Lê Thị Thanh Huyền đi sửa sắc đẹp không may lại mất mạng, được ông chủ Thẩm Mỹ viện Cát Tường mang đi mai táng dưới đáy sông Hồng…. các nhà ngoại cảm nổi tiếng đến gia đình nạn nhân (chồng cô Thanh Huyền) đề nghị dùng tâm linh siêu phàm của mình tìm thi thể của Thanh Huyền…. từ việc nầy lòi ra nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Thanh Thủy …. Từ cái đầu của tướng Phùng Chí Kiên … sự móc ngoặt giữa Nguyễn Chí Thủy với Ngân Hàng CSXH lượm đi của nhân dân Việt Nam ta gần 8 tỳ đồng ….


Bài viết :Nhà ngoại cảm Bích Hằng chuyển lời vua Quang Trung . theo Nguyễn Quang Lập :”Đọc để biết bà Hằng là ai và Nhà Phật VN đã tha hóa đến nỗi nào ?”

Hôm nay, soạn lại số sách, báo cũ thấy có bài viết của nhà văn Bạch Diệp trên 1 nguyệt san ở miền Nam năm 1965, thấy vui và hay, hay … hình thức thì na ná, nội dung lại khác hẳn, cũng viết về vua Quang Trung . Mời quí vị xem nhé !  (Trịnh Kim Thuấn)

Tôi đang ngồi đọc báo bỗng đầu như trĩu nặng, đôi mắt mờ dần, những dòng chữ từ từ chao động rồi biến hút vào một vòm sâu thẳm… Trời đất quanh tôi vùng sụp tối, khó mà phân biệt được không gian và thời gian. Tôi cảm giác như đang rơi vào một địa huyệt sâu vô tận hay bị treo lơ lửng ngoài lớp khí quyển của vũ trụ.

Quá kinh dị bởi trạng thái bất thường, tôi chống tay lên càm giữ thế và nhắm nghiền đôi mắt tự quan sát xem mình sống hay chết, có bị đứt gân máu bất ngờ ?

Ngọn gió Đồng Nai lồng lộng thổi vào phòng, gió vẫn mang mùi hoa bưởi , hoa cà lẫn mùi nước ngọt làm dịu cơn nắng cháy trưa miền Nam. Ngoài vườn khúc nhạc loài ve còn rền vang hòa tấu, âm thanh buồn thảm nhắc tôi ký ức một mùa hè. Con cưỡng bông của ông giáo già xéo cửa đang líu lo trêu ghẹo mấy thằng bán cà rem. Mầng quá ! tôi mở mắt nhìn qua cửa sổ, trên nền trời xanh ngắt hôm nay vẫn xê dịch mấy chòm mây trắng đục như hôm qua, hôm kia. Sự việc vẫn bình thường.

Tôi yên lòng ngã người ra thành ghế, rút gói Salem bật lửa rít một hơi dài rồi thong thả cầm tờ báo lên xem tiếp. Nhưng chưa đọc được hai dòng thì có tiếng chuông khua ngoài cổng, nhìn ra tôi thấy một khách lạ đang ung dung đi thẳng vào nhà.

Khách là một thanh niên gầy guộc, trán cao má cóp, đôi mắt lỏm sâu nhưng sáng quắt, đầu bịt khăn hoàng cẩm, mình mặc vương bào, chân mang hài thêu cánh trả, cốt cách khác phàm.

Tôi đứng lên kính cẩn vái chào, khách khẻ gật đầu đáp lễ, khách nói giọng miền ngoài :

Ta là Nguyễn Quang Thiệu, hoàng tử thứ ba của Thái Tổ Quang Trung, nhân buổi  nhàn du thấy trước sân nhà ngươi có bàn Thông Thiên, trang bày hương hoa thanh thủy, ta biết ngươi trong tôn phái Bửu Sơn Kỳ hương nên ghé vào cùng ngươi đàm luận cho rõ  THỰC và HƯ !

Nghe khách xưng là con thứ ba của hoàng đế Quang Trung, lòng mừng khấp khởi. Vì từ lâu tôi có đọc nhiều kinh sách về cuộc đời của Phật  Thầy Tây An , tôi không thấy tài liệu nào nói Ngài là người phương Bắc, có vợ con như người phàm, tôi cũng không gặp tài liệu nào ám chỉ sự liên quan huyết nhục  giữa ngài với Quang Trung Nguyễn Huệ. Thế mà gần đây một nhà văn đã viết sách, báo tự xưng là dòng dõi chính thống của Phật Thầy. Tác giả còn bảo Phật Thầy tên thật là Nguyễn Quang Thiệu tức Hồ Quang Thiệu, hoàng tử thứ ba của Nguyễn Huệ với Ngọc Hân, Ngài từ Bắc trốn vô Nam đến Cái Tàu Thương – Tòng Sơn ( . thuộc xã Mỹ An Hưng, huyện Lấp Vò Đồng Tháp  chú thích T.K.T.) đổi tên là Đoàn Minh Huyên. Giả thuyết nầy làm cho tôi thắc mắc. Sự thắc mắc của tôi đi đôi với mặc cảm : một phần ngại do những tài liệu không chính xác ấy sẽ làm rối loạn lịch sử, có tác hại cho việc khảo cứu của lớp người sau, một phần vì hoài nghi sự hiểu biết của mình, sợ cho mình đặt sai vấn đề, sợ cho một tiếng chuông đánh lên không nhằm lúc. Bởi lẽ ấy tôi hằng nguyện ước có một giấc mơ như nhà sư Hồng Hạc trong truyện “Phi Lạc sang Tàu” (của Hồ Hữu Tường . T.K.T.) để mình gặp các cụ Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim mà hỏi cho vỡ lẽ. Nay tình cờ không hẹn mà hoàng tử Quang Thiệu tìm đến gặp mình, biết đâu tiếng nói của người trong cuộc sẽ có giá trị hơn trăm ngàn tài liệu bá vơ !

Nghĩ như vậy tôi liền sụp quỳ lấy tư cách kẻ hậu sinh làm lễ ra mắt bậc tiền bối bốn lạy. Thấy tôi quỳ lạy, Quang Thiệu nhẹ nhàng bước tránh một bên, khoát tay nói :

- Không nên ! Không nên ! ta đang là kẻ có tội đâu phép để cho ngươi đãi ta theo lễ của thánh hiền.

Thoạt nghe người cho là có tội, tôi ngạc nhiên tự nghĩ : không lẽ dòng họ của Quang Trung cũng mặc cảm trước lịch sử về cái án của Tây Sơn ! không lẽ bao nhiêu quốc sách  tế thế an bang và chiến công oanh liệt của Nguyễn Huệ chưa đủ làm đảo lộn quan niệm của người trăm năm trước !

Chừng đọc được cảm nghĩ của tôi, Quang Thiệu liền vổ nhẹ lên vai tôi nói :

- Ta biết nhà ngươi đang ngạc nhiên về hai tiếng “có tội” của ta vừa nói. Nhưng ngươi làm sao biết được sự thật hơn ta. Đối với quốc dân tuy họ nhà ta đã có công to tác, nhưng riêng ta chưa đóng góp được phần nào. Anh em ta đã bất lực để quyền bính tiên triều lọt vào tay Bùi Đắc Tuyên, ta lại bất tài không bảo vệ được Bắc Hà phải qua sông Nhị  chạy về Phượng Nhởn, để rồi nông dân bắt nạp cho Nguyễn Ánh làm lễ hiến phù và hành quyết tại pháp trường, lúc ấy ta cũng không can đảm  mà tự tử như vợ chồng đô đốc Tú hoặc như Quang Thùy anh ta. Sống không bảo toàn được cơ nghiệp của Thế Tổ, nên mồ cha, mã bác bị quật cốt phân thây, ta thác đã trên trăm năm mà giả thuyết Quang Thiệu còn phạm lỗi với Phật Thầy !

Nghe nhắc đến vị khai sáng phái Bửu Sơn Kỳ Hương, tôi liền chụp ngay cơ hội, lễ phép mời Quang Thiệu ngồi rồi hỏi :

- Dám thưa ngài tiền bối : Ngài với Phật Thầy Tây An là hai nhân vật riêng rẻ thật sự, chứ không phải tuy hai mà một như có người đã bảo ?

Quang Thiệu cười một tiếng :

- Ai bảo ta là Phật Thầy Tây An thì chính người ấy muốn trào phúng !

Rồi nhìn lên bức “trần dà” đang tôn nghiêm trên bàn thờ Tam Bảo, Quang Thiệu tiếp :

- Phật Ma, Ma Phật hai thái cực khác biệt vực trời ! Ta chỉ là một sanh chúng thông thường, cát bụi trong luân hồi nhân quả, ta sanh không biết, chết chẳng hay làm sao sánh với Ngài là  Vô Lượng Kiếp Phật quãng pháp thần thông, Ngài có sứ mạng cùng các vị Phật khác chuyển kiếp xuống cõi trần để trợ duyên mà đổi đời Mạt Hạ. tằng hắn một tiếng, Quang Thiệu nhấn mạnh : - Hơn thế nữa, ta họ Nguyễn mà cũng họ Hồ, tên Quang Thiệu, ta đã thọ hình dưới gươm đao phủ tại Phú Xuân từ hồi tháng bảy, năm Nhâm Tuất (1802), còn Phật Thầy chỉ có một họ duy nhất là Đoàn Minh Huyên chứ không phải Lê Hướng Thiện như giảng Tòng Sơn có một bản đã chép lầm – Phật Thầy quê quán ở Tòng Sơn thuộc Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc. Ngài giáng sanh vào giờ ngọ rằm tháng mười, năm Đinh mão (1807), năm Tuất và năm Mão hai thời gian cách biệt những 5 năm và hai địa phương Nam, Bắc người dân đều có hai giọng nói khó có thể lầm nhau. Nếu ai còn nghi hoặc cứ lật tìm Sấm giảng và truyền ngữ của Phật Thầy, rồi sẽ thấy Ngài là người miền Nam chính thống.

- Nhưng thưa ngài, tôi hỏi , gần đây có người đã móc dính các khoản thời gian cách biệt ấy và hòa đồng địa phương cũng như tên họ của Phật Thầy với Ngài bằng nhiều giả thuyết ….

- Có phải ngươi ám chỉ một nhà văn chuyên viết trào phúng, kẻ thường xưng là hậu duệ của Phật Thầy, của Quang Trung, của Hồ Quý Ly và Đế Thuấn ?

- Vâng !

- Đó là công việc của ông ta! Làm người ai cũng có hoài bảo : muốn cho mình trưởng thành, ham có danh cùng sông núi – Phật Thầy , Quang Trung, Quý Ly, Đế Thuấn là những kẻ thành công, thiên hạ ai cũng muốn làm con của Khổng Tử, Thích Ca, Jésus chớ ai lại chịu làm cha của Bàng Quyên, Tần Cối …!

Hãy để cho ông ta làm việc theo thói quen, vì đó cũng là một lối hành nghề, một công việc viết trào phúng.

- Sao Ngài bảo đó là việc viết trào phúng ?

- Thì nó là trào phúng phải gọi nó là trào phúng, chớ không lẽ gọi nó là siêu lập ? – Quang Thiệu nhìn tôi cười bí hiểm rồi hỏi :

- Thật quả ngươi không thấy cái mùi trào phúng trong câu chuyện của tác giả hay sao ?

Tôi ngẩn ngơ đến thộn mặt, cố nhớ những truyện mà tôi đã đọc như : Kế Thế, Phân Trần, Thằng Thuộc con nhà Nông của Hồ Hữu Tường đăng trên tuần báo Hòa Đồng, tôi mong ngửi cho ra cái mùi trào phúng mà Quang Thiệu vừa nói, nhưng đánh hơi hoài mà không thấy có mùi gì. Tôi chịu thua

- Xin Ngài vui lòng dẫn chứng, chớ kẻ hậu sinh nầy quả thật như người mù rờ voi, đã hết sức rờ mà không đụng đến cái chân lý.

- Ta hỏi ngươi từ cổ chí kim, ngươi có thấy một cô dâu nào khi về nhà chồng còn ôm theo một quyển sách mà người Pháp thường gọi là “36… trang” để cho nhà chồng làm vật “truyền thế chi bảo” không ?

Tôi nghe “hồi một” như vậy cũng hơi mắc cở, nhưng cứ tình thật mà thưa :

- Thưa Ngài ! nói ra xin Ngài bỏ lỗi, tôi tin rằng cô dâu ấy dù là một cô “gái mới” ở bên Tây, bên Mỹ đi nữa cũng không bao giờ dám chơi như vậy, lựa là ở cái xứ thấm nhuần đạo đức Khổng Mạnh như xứ Việt Nam mình .

- Ấy thế mà tác giả bảo truyện có thể xảy ra giữa triều đình nước ta vào năm Bính Ngọ (1786) cuối đời Hậu Lê mới là trào phúng. Càng trào phúng hơn, vẫn theo lời tác giả, quyển sách ấy có tên là “Hoa Dinh Cẩm Trận”, người Anh dịch là “Vove’s battles” mà cô dâu kia là bà sơ của tác giả.

Tôi “À” lên một tiếng rồi lặng thinh. Quang Thiệu tiếp :

- Cũng như ngươi đã thấy, dân Việt Nam là một dân tộc ưa chuộng điều đạo nghĩa, từ một kẻ ăn mày thất học, họ cũng biết kiêng sợ việc loạn luân. Huống gì Phật Thầy đã là một vị Vô Lượng kiếp Phật. Ngài giáng sanh có sứ mạng chấn hưng đạo đức, phục hồi giá trị của con người, quê Ngài ở Tòng Sơn, tuy không vợ con, nhưng Ngài có 2 người anh chú bác tên Đoàn Văn Thuyên và Đoàn Văn Điểu, việc đã rành rành ghi trong sách vở như vậy mà tác giả đặt giả thuyết cho rằng Ngài từ Bắc vào Nam không có bà con cật ruột (?) Vì không bà con cật ruột nên sợ không kẻ nối dòng mẹ Ngài là Ngọc Hân công chúa mới buộc Ngài ăn ở với Nguyễn Thị Phượng, con gái của bà dì ruột, để có sanh ra ông nội của tác giả ! Như vậy có phải tác giả có ý trào phúng hay không ?

- Nếu đã là trào phúng, tôi cải, sao tác giả lại “phân” một cách quá đứng đắn, trang trọng gần như một pho khảo cứu ?

Quang Thiệu cả cười nói :

- Càng trang trọng, đứng đắn bao nhiêu lại càng trào phúng cao độ bấy nhiêu. Nếu Đông Phương Sóc, Cống Quỳnh trước khi vào đề để lộ nét “gàn” của mình thì còn phỉnh gạt được ai ? Nếu câu chuyện của ông Thầy Quảng về hai chữ “Kế Thế” cũng như về quyển “Hoa Dinh Cẩm Trận” và “Ngọc Hân công chúa”… tác giả không khéo tạo một bầu không khí trịnh trọng để phân trần thì bây giờ nhà ngươi đâu đã mắc vào “Tru tiên trận” ?

Nghe đến đây, lòng tôi như cởi mở được một phần, nhưng một phần khác lại băn khoăn tọc mạch :

- Dám thưa tiền bối ! xin Ngài dạy cho kẻ hậu sinh được biết : Khi tác giả sáng tạo một truyện trào phúng quá mức – Nếu không gọi là vô lễ - như vậy có dụng ý gì hay không ?

- Có chứ ! Phàm làm một công việc gì cũng phải có dụng ý. Đào giếng uống nước, đi buôn phải có lời, trồng cây cốt chờ ngày ăn trái. Nhưng ở đây, tác giả không nhằm vào cái lợi vật chất, tầm thường mà kẻ phàm phu như ngươi dễ thấy. Muốn phân tích cái dụng ý thâm sâu của tác giả trong truyện nầy cần phải tốn nhiều thì giờ, mà ta thì không thể ngồi lâu được. Vậy xin hẹn cùng ngươi dịp khác, hoặc có khi nào về ngang Long Xuyên, ngươi có thể ghé nhà của cố học giả  Tân Phương Nguyễn Xuân Tăng tức Ngô Văn Hai, người ấy là anh ruột của thi sĩ Việt Châu (là người anh chú bác ruột với nhà văn  Nguyễn Hiến Lê  chú thích T.K.T.), lúc sanh tiền người đã bỏ công 7 năm nằm tại đường Dumortier Saigon góp tài liệu viết ra quyển MINH ĐẠO TÂN BIÊN, ta tin rằng trong mớ tài liệu quý báu ấy ngươi sẽ đọc được nhiều giải đáp bất ngờ.

Nói xong Nguyễn Quang Thiệu đứng lên từ giã. Tôi còn luyến tiếc, nên hỏi thêm :

- Dám thưa Ngài, theo thiển ý của kẻ hậu sinh, lịch sử là bài học thiêng liêng của dân tộc, nếu để các nhà văn diễu cợt, chép sai thì e cho kẻ sanh sau đến muộn phải lạc lầm mà mất gốc !

Quang Thiệu nói như trào phúng :

- Một vở hát phải có hề giễu mới vui. Nếu cấm không được giễu thì anh ta phải đóng vai gì cho kham ? Vả lại từ Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Học Lạc với Tú Xương đồng rủ nhau chui xuống lổ đến nay, trường phái của họ vẫn chưa có tay thượng thủ để kế nghiệp. Hãy nghe lời các nhà bác học mà nuôi dưỡng nụ cười hài hước trong văn chương ! Còn việc về sau ngươi đừng lo cho mệt, bất chiến tự nhiên thành ,mà rồi ngươi sẽ thấy lũ hậu sinh chúng nó có những bộ óc còn tinh vi hơn điện tử. Cứ để yên cho chúng nó phân loại được thực hư ! Nè, ngươi có tin Mao Trạch Đông là cháu nội của Trần Hưng Đạo hay không ?

Tôi khó nín cười vì một câu hỏi quá trào phúng nên lắc đầu lia lịa :

- Không ! Ai mà mà tin được cái chuyện kỳ cục như vậy ?

Quang Thiệu đấm mạnh vào vai tôi một cái :

-Ngươi đã hiểu được cái lẽ THỰC HƯ rồi đó !

Tôi giật mình thức dậy, thấy mình đang ôm đầu ngồi gục trên tờ báo. Đồng hồ trên vách thong thả gỏ 12 tiếng… Tôi bàng hoàng nhớ lại những lời hư hư, thực thực của Quang Thiệu trong giấc chiêm bao mà lòng phân vân nghi hoặc : Không biết có đáng tin chăng ?

Trong phòng mùi hoa bưởi, hoa cà còn thơm theo gió. Ngoài kia con cưỡng bông cũng đang líu lo huýt sáo, thỉnh thoảng nhại giọng ông giáo già mà chưởi :

- Nói láo là sự phải chừa !

                                                           BẠCH DIỆP    1965





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog