Đọc truyện nầy hay quá ! Lại là chuyện thật, làm nhớ đến tiểu thuyết "Nếu Còn Có Ngày Mai " của nhà văn Sidney Sheldon viết về nghề ăn trộm, một quyển tiểu thuyết thật hay. Trịnh Kim Thuấn .
Bà Doris Payne 83 tuổi. Sinh trưởng tại bang West Virginia, cha làm mỏ than đá, mẹ làm nghề thợ may.
Mộng của Doris Payne là trở thành vũ công ballet. Nhưng vào thập niên 1930, không một cô gái da đen nào dù đẹp và nhảy giỏi đến đâu được nhận làm vũ công ballet. Doris thất vọng vì kỳ vọng một ngày kia nổi danh và giàu sang sung sướng không thực hiện được.
Năm 15 tuổi, Doris cùng mẹ đi Chicago thăm thân nhân. Cô vào một tiệm đồng hồ định mua một chiếc hợp với túi tiền mẹ vừa cho.Trong lúc chọn, thừa lúc chủ tiệm không để ý bà bỏ một chiếc vào túi. Sau vụ lấy cắp thành công Doris nghĩ tại sao không dùng tài mọn đó để đánh cắp những món nữ trang đắt tiền. Và ý nghĩ đó đã biến Doris thành một tay đánh cắp nữ trang chuyên nghiệp.
Đánh cắp nữ trang không dùng sức mạnh , cũng không dùng súng uy hiếp hay bắn giết ai, nên nếu bị bắt tại trận thì trả lại, vài tháng tù là cùng. Nếu đã bán tiêu hết thì ở tù dài ngày hơn. Còn trót lọt thì có tiền ăn sung mặc sướng, mua sắm, du lịch thả dàn.
Không giống như những trường hợp giết người cướp của, hiếp dâm, Doris dù vào tù ra khám nhiều lần nhưng không ai tẩy chay bà. Ra tù, có tiền thì ở nhà cao cửa rộng, không tiền thì ở Motel, chẳng ai tránh né.
Cứ thế Doris sống cuộc đời của một kẻ đánh cắp nữ trang nổi tiếng thế giới. Và trong suốt 50 năm qua, Doris càng nổi danh về tài đánh cắp nữ trang đắt tiền thì càng ít người quan tâm đến bà.
Khoảng đầu thập niên 1970 sau khi làm ăn chán tại Hoa Kỳ, bà đi hành nghề tại các thành phố lớn trên thế giới: Paris, Milan, London, Tokyo …
Bẵng đi một thời gian, năm 2011 bà bị bắt quả tang 2 lần tại San Diego và San Monia, California . Bà được trả tự do vào mùa hè năm nay. Bà thề sống thề chết sẽ thôi hành nghề. Nhưng rồi ngựa theo đường cũ, cuối tháng 10 vừa qua bà bị bắt về tội đánh cắp một chiếc nhẫn nạm kim cương tại một tiệm kim hoàn ở El Paseo
Chủ tiệm Raju Mehta người Trung Đông kể lại, một bà khách dáng dấp sang trọng bước vào cửa tiệm cho biết vừa được tiền bảo hiểm bồi thường muốn mua một chiếc nhẫn. Đánh giá Doris là người khách lý tưởng ông Mehta lịch sự tiếp đón và không ngớt giới thiệu món hàng này đến món hàng khác. Mehta ngắm Doris ướm một chiếc vòng ngọc thạch lên cổ, khen lấy khen để, sau đó bà đeo thử một chiếc nhẫn nạm kim cương vào ngón tay búp măng của bà.
Thử chán, bà rời tiệm hứa sẽ trở lại.
Ngày hôm sau, một nhân viên an ninh của tiệm cho Mehta biết, hãng bảo hiểm các tiệm kim hoàn vừa báo động qua hệ thống TV kín (closed circuit TV) rằng người khách quý hôm qua không ai khác hơn là Doris Payne và bà ta đang đang có mặt tại cửa hàng Saks, Fifth street ở New York. Biết kẻ gian vừa viếng tiệm, ông Mehta kiểm tra lại và nhận ra chiếc nhẫn nạm kim cương giá 22.500 mỹ kim đã không cánh mà bay.
Ông Rahu Mehta nói với cảnh sát: “Bà ấy có tà thuật. Trong bao nhiêu năm hành nghề tôi chưa bao giờ thấy ai có khả năng lấy cắp hàng trước mắt tôi như vậy.”
Doris bị bắt hôm 29/10. Mehta là nạn nhân sau cùng của Doris trong một danh sách dài những nạn nhân của bà. Hồ sơ toà án của Doris dày cộm, trong đó Doris khai với cảnh sát nghề nghiệp của bà là “người đánh cắp nữ trang chuyên nghiệp”.
Paul Graupmann, thuộc sở Cảnh sát Liên bang, người bắt và điều tra Doris trong thập niên 1980 nói: “Cách làm ăn của bà Doris Payne rất đơn giản. Bà ăn mặc trang nhã và đóng vai một người từng sống trong nhung lụa rất khéo, chinh phục ngay lòng tin của các chủ tiệm, và hầu như lúc nào cũng nói bà đang có một số tiền cần tiêu.”
Điều lạ là chuyện đánh cắp của bà Doris Payne không phải là chuyện kín đáo. Cảnh sát biết bà, các hãng truyền hình từng làm phóng sự về bà, và có cả một cuốn phim tài liệu về Doris Payne với bàn tay ảo thuật.
Trong phim tài liệu, Doris nói bà “làm nghề đánh cắp” để trả thù xã hội kỳ thị không cho phép bà vươn lên.
Ông Matthew Pond người góp phần thực hiện cuốn phim tài liệu nhan đề: “The Life and Crimes of Doris Payne” (Cuộc đời và tội phạm của Doris Payne) nói bà Doris không làm gì khác hơn là thực hiện giấc mộng Mỹ (American dream) theo khả năng thiên phú của bà.” Ông nói tiếp: “Bạn có thể thương hay ghét bà Doris Payne, nhưng bạn không thể không phục cái quyết tâm thành công bằng mọi giá của Doris.”
John Kennedy (TBN: không quan hệ gì với gia đình tổng thống John F.Kennedy) giám đốc “Tổ hợp công ty bảo hiểm các cửa hàng nữ trang” trụ sở tại New York (New York-based Jewelers’ Security Alliance) cho biết trong mấy chục năm qua công ty ông không ngừng gởi tài liệu cảnh giác khách hàng của ông coi chừng Doris. Thế nhưng Doris vẫn có thể làm ăn.
Năm nay, tuổi quá bát tuần, bà có một quá trình hành nghề gần như công khai hơn nửa thế kỷ. Thời gian sau này thấy tuổi bà đã cao trong nhiều trường hợp bị bắt cảnh sát trả tự do cho bà sau khi lập xong hồ sơ nếu không ai bị thiệt thòi vật chất. Cảnh sát không xem bà Doris Payne là một đe dọa của xã hội.
Sau khi bà Doris bị bắt giữ ở New York, ông Maju Mehta trở thành nhân vật được bàn tán nhiều nhất trong thành phố El Paseo . Mehta phụ họa: “Tiệm của tôi tiếp nhiều khách tên tuổi thì kẻ cắp tài danh đến viếng cũng phải thôi. ”
Hôm Thứ Năm 31/10, một nhân viên của công ty UPS đến giao hàng hỏi chọc ông Mehta: “Ông đã lấy lại được chiếc nhẫn chưa?” Mehta trả lời: “Chưa! Nhưng nếu tôi được chọn đóng đoạn chót phim tài liệu về cuộc đời của bà Doris Payne thì tôi sẽ lấy lại được một số tiền nhiều gấp mấy lần giá trị của chiếc nhẫn bị đánh cắp!”
Cả hai cười thoải mái.
Nov. 7, 2013
Trần Bình Nam phóng thuật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét