20 thg 3, 2016

Sự chuyển biến của bà Bộ trưởng của Ngọc Dương / PNTB - Trịnh Kim Thuấn .




Có lẽ Bộ trưởng Bộ Y Tế (BYT) qua các thời kỳ, chỉ có Bà Nguyễn Thị Kim Tiến là có vẻ “nổi đình đám”.

Xin nói ngay, không phải vì bà là một giáo sư – tiến sĩ, càng không phải là một nữ bộ trưởng xinh đẹp, ăn diện đúng mốt và thường xuyên xuất hiện trước ống kính truyền hình… 

Bà “nổi đình đám” có lẽ do cách ứng xử một thời của một chính khách thuộc hàng “thượng thư”.

Còn nhớ, năm 2013 có một vụ tiêm nhầm văc xin gây ra cái chết cho ba cháu sơ sinh ở BV Hướng Hóa, Quảng Trị. Sự cố nghiêm trọng do cán bộ trong ngành thiếu trách nhiệm gây ra, thì dù gì người đứng đầu ngành phải thấy trách nhiệm liên đới. Tuy nhiên, người dân cũng như dư luận công chúng có thể cảm thông, nếu việc ứng xử của người đứng đầu ngành hợp lý, hợp tình, có văn hóa. Nếu trung thực và cầu thị, tin rằng người dân cũng chẳng bao giờ cố chấp. Tuy nhiên, khi sự cố xảy ra, bà Bộ trưởng tỏ ra lúng túng trong cách giải quyết, rồi tuyên bố sẽ điều tra làm rõ, nhưng cứ lùm sùm mãi, cuối cùng lại phát một câu hớ, khiến dân mạng nhạo báng là bà Bộ trưởng sẽ trị tội “thằng…vắc xin”! Câu chuyện gây cười cho thiên hạ.


Nhưng một ứng xử khác đáng buồn nhất là Bộ trưởng đi dự lễ khởi  công xây dựng tháp chuông ở Nghĩa trang liệt sĩ Gio Linh đúng thời điểm xảy ra những cái chết của các cháu sơ sinh khi  tiêm nhầm vắc xin, nhưng bà đã vội vàng quay ra Hà Nội ngay, mà không dành một chút thời gian đến úy lạo những gia đình mất con vì y tế. Bởi vậy, trang blog của nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã trách móc như thế này:

THƯ GỬI O TIẾN  ( Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến).
Tôi và O sinh cùng năm. Tôi cũng đã ngồi nói chuyện với O tại nhà riêng của O ở khu biệt thự Thảo Điền về Đặng Thùy Trâm. Nói thế để O có cố tình quên cái bản mặt của tôi thì cũng khó. Và tôi nói với O như thế nầy, O vào Quảng Trị, cái nơi vừa xảy ra 3 cái chết thương tâm của 3 đứa bé do cán bộ ngành của O tiêm vắc xin gây ra, 3 cái chết làm chấn động dư luận cả nước và không ít người đã khóc khi đọc tin đau đớn nầy.

Chưa kết luận nguyên nhân. Nhưng O là Bộ trưởng, là mẹ, O vào, đi hết nơi nầy đến nơi khác mà không thèm ghé thăm, thậm chí ít nhất 1 gia đình có cháu bé tử vong thì O quá tệ O Tiến ạ! rất tệ. Cán bộ y tế - phẩm chất số 1 là không được vô cảm O ạ ! O né báo chí, O né dư luận? Sao phải né? Nếu chưa tìm ra nguyên nhân thì O cứ trả lời đang chỉ đạo tìm ra nguyên nhân. Còn chí ít O phải vấn an (dù là hình thức) với người nhà bệnh nhân do cán bộ ngành O gây ra chứ? Sao thế O Tiến ?  
NGUYỄN QUANG VINH  (Khoai Lang Cu Vinh 22/7/2013).

Tháng 4 năm 2014, hàng trăm ca trẻ em tử vong do bệnh sởi mà thực chất đã là một trận dịch, nhưng Bộ Y tế cứ lặng thinh, không công bố dịch sởi. Khi PTT Vũ Đức Đam do đọc facebook của ai đó, thấy tình hình nghiêm trọng, ông đã đích thân xuống bệnh viện Nhi trung ương kiểm tra thì mới tóe loe ra… Tuy nhiên, BYT không không công bố dịch đã khiến dư luận “nổi giận”. BYT và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra đủ lý do, nào là “chưa đủ căn cứ” công bố dịch, nào là nếu công bố dịch thì “ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập của học sinh”… Thực tế thì người dân biết rất rõ nguyên nhân im lặng của BYT, dưới sự lãnh đạo của “Tư lệnh” Nguyễn Thị Kim Tiến là vì sợ mất “điểm thi đua”, nên định cố giấu dư luận, đến nỗi các báo của nhà nước lúc đầu cũng không dám đưa tin. Thực ra thì chẳng riêng gì bà Tiến mà dưới “chế độ tươi đẹp” của chúng ta, hầu như ngành nào, địa phương nào cũng thích thành tích, muốn được ca ngợi, được tâng bốc, chứ không muốn nghe, muốn thấy những sự thật đau buồn. “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” vốn là một “truyền thống” đến nay được người ta triệt để áp dụng. Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật. Ít nhất như bà Bộ trưởng xuất thân từ một nhà khoa học, lẽ ra phải tôn trọng sự thực, nhưng trong trường hợp này bà đã sai lầm. Bởi để giữ cái danh hão, dùng một bàn tay thì sao che nổi mặt trời!

Trong vụ sập dàn giáo ở công trình Formosa - Hà Tĩnh bà Bộ trưởng có đến thăm. Nhưng điều đáng nói là sau khi thăm hỏi và tặng hoa, bà “lệnh” cho các bệnh viện miễn tất cả viện phí cho những người này. Những người am hiểu luật pháp và đạo lý nghe tin này rất bức xúc. Đơn giản là ai cũng hiểu rằng, các công nhân này họ đều có bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tai nạn lao động mà trách nhiệm của Doanh nghiệp phải mua bảo hiểm cho họ… Như vậy, BHYT phải chi trả hoặc nếu các nhà thầu coi thường pháp luật, không mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động cho công nhân thì giờ đây phải “nôn” ra, chứ sao nhà nước lại tùy tiện “miễn viện phí” cho họ? Nhà nước miễn viện phí cho những trường hợp này là thực chất đã móc tiền ngân sách, tiền thuế của người dân đóng góp nộp thay cho nhà thầu! Chẳng lẽ một “quan thượng thư” lại nông cạn đến thế?...

Và còn nhiều chuyện liên quan đến đời sống sức khỏe của người dân như tình trạng các bệnh viện tuyến trên bị quá tải, một giường bệnh phải chứa mấy bệnh nhân. Rồi chuyện phong bì phong bao của bệnh nhân khi phải vào nằm viện… Bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã rất đau đầu khi phải trả lời chất vấn trước Quốc hội hoặc trả lời phỏng vấn các nhà báo…

Phải thừa nhận, bà Tiến đã có những trăn trở suy tư để khắc phục những bất cập của ngành như trên và đặc biệt là đã cố gắng điều chỉnh, rút kinh nghiệm những chỉ đạo “chưa chín” của mình. Được biết, bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã lập “đường dây nóng” của Bộ trưởng, rồi lập Facebook cá nhân để tiếp cận thông tin, nhằm tích cực giải quyết những vấn đề phát sinh trong tầm tay có thể giải quyết được. Âu đó cũng là diều đáng ghi nhận.

Song phải nói rằng, có những “căn bệnh” thuộc loại “bệnh xã hội”, chẳng riêng gì ngành Y tế như tệ nạn “phong bì”, tham nhũng đủ các hình thức, hoặc nạn thuốc giả, nạn tăng giá thuốc vô tội vạ trong giai đoạn thấp của cơ chế thị trường…thì cũng không dễ gì khắc phục một chóng một chầy và công bằng mà nói một mình Bộ trưởng cũng chẳng thể làm chuyển biến rõ rệt được tình hình. Hãy nhớ, chính ông Nguyễn Văn An, một trong những “quan tứ trụ triều đình” đã phải thốt lên một câu nói nổi tiếng là những bất cập xã hội có nguyên nhân gốc rễ từ “Lỗi hệ thống”. Khi cái “lỗi hệ thống” chưa được khắc phục thì một bà Tiến chứ đến mười bà Tiến cho một Bộ Y tế, hay mười ông Đinh La Thăng cho một TP Hồ Chí Minh… cũng khó có thể làm được theo ý mình. Và thậm chí ngay cả những khuyết tật của những chính khách này cũng do “lỗi hệ thống” gây nên.

Gần đây, báo chí đưa tin một vụ do cán bộ y tế tắc trách mà bệnh nhân phải cưa chân. Đó là cháu Lê Thị Hà Vi, nữ sinh 16.
Bà Bộ trưởng đã chỉ đạo ngành Y tế Đăk Lắk xin lỗi, chia sẻ về vật chất và tinh thần với gia đình bệnh nhân.

Hôm 19/3/2016, trên tờ báo Thanh niên điện tử, tôi đã rất cảm động khi đọc bài: Bộ trưởng Y tế thăm nữ sinh bị cưa chân: “Bác hứa giúp con thi đậu ngành Y” (http://thanhnien.vn/thoi-su/bo-truong-y-te-tham-nu-sinh-bi-cua-chan-bac-hua-giup-con-thi-dau-nganh-y-682775.html/). Bà nói: “Cố gắng con ạ. Cái này không ai mong muốn cả. Bác sẽ tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm để các bác sĩ phải điều trị tốt hơn cho các trường hợp sau”. Và theo lời chị gái của cháu Vi thì Bộ trưởng Bộ Y tế hứa Bộ Y tế sẽ có văn bản chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk chịu trách nhiệm thực hiện yêu cầu của gia đình, gồm: chịu trách nhiệm về sức khỏe của em Vi trọn đời; chịu toàn bộ chi phí chữa trị cho em Vi và chi phí làm, thay chân giả cho Vi trọn đời; chịu chi phí giám định thương tật cho em Vi. Trong trường hợp Vi có nguyện vọng thi vào học ngành y, sau khi ra trường, sắp xếp việc làm phù hợp cho em Vi…

Vâng, hình ảnh bà Bộ trưởng đến tận giường bệnh để thăm hỏi, động viên và hứa hẹn… đã làm nguôi ngoai rất nhiều nỗi đau của người bệnh, một nỗi đau chủ yếu bởi cán bộ trong ngành Y tế do tắc trách mà gây nên.

Nói đến sự yếu kém của cán bộ y tế tuyến dưới đã diễn ra nhiều năm. Nó nằm trong “chiến lược con người”, trong việc “đào tạo nguồn nhân lực”, chẳng riêng gì ngành Y tế, khi mà cả xã hội trở thành một cái “chợ” mua bán bằng cấp, trở thành một phong trào “học giả bằng thật, học giả bằng giả” như một quốc nạn… thì bất kỳ một nhân vật nào làm Bộ trưởng Y tế, dù có mọc ra ba đầu, sáu tai cũng phải bó tay chấm com trước sự ngu dốt của cấp dưới.

Chỉ mong bà Nguyễn Thị Kim Tiến hãy cứ làm theo đúng lương tâm của một người đứng đầu ngành Y tế, một trong hai ngành mà cả xã hội gọi bằng Thầy.


  19/3/2016       Ngọc Dương - Trịnh Kim Thuấn .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog