1 thg 3, 2016

Bác Khóa Ký của Nguyễn Ngọc Dương


 

Cụ Nguyễn Trinh Cán là một nhà nho uyên thâm, học hành nhiều nhưng đỗ đạt không cao, không làm quan, cụ được bổ nhiệm làm Hương sư, dạy học ở Thái Bình. Cả làng và cả vùng lân cận ở quê tôi huyện Vĩnh Bảo đều gọi cụ là “cụ Hương”. Nếu không có gia phả, chắc lớp con cháu như chúng tôi khó mà biết được tên thật của cụ. Ngày xưa, khi một người được xã hội kính trọng thì người ta không bao giờ gọi tên tục, tức là tên thật (tên cúng cơm), chỉ đến lúc về Giời, phải cúng cơm mới đọc tên thật. Cụ Hương là anh ruột của cụ Hội, còn gọi “cụ Hội Đông”, tên thật là Nguyễn Tất Tố. Cụ Hội Đông chính là ông ngoại tôi.

Cụ Hương sinh hạ được 5 người con giai và một người con gái út. Bác Khóa là cả, trưởng nam. Vì ông ngoại tôi – cụ Hội Đông –  không có con giai, nên tất cả những người con giai của cụ Hương là các bác tôi, thì bu tôi đều coi là anh ruột. Vì thế ngay từ khi còn bé tí, tôi vẫn nhớ thày bu tôi suốt ngày nhắc đến các bác tôi ở xóm Đông. Động nhà có công có việc nhớn bé là đều chạy đến nhờ vả các bác.

Bác Khóa tôi tên thật là Nguyễn Văn Ích, bác nối nghiệp cha làm nghề dạy học, dạy chữ Nho. Ngày bé nghe thày bu tôi gọi là bác Khóa, tôi cứ nghĩ tên bác là Khóa. Sau này khi hiểu ra chữ “khóa” nghĩa là thầy đồ, thầy giáo, tôi mới vỡ nhẽ. Trong 5 ông bác, bác Khóa là người mà thày bu tôi kính trọng nhất, bởi vì bác không chỉ là con trưởng của cụ Hương, mà còn là người “có chữ” nhất vùng. Thày tôi cũng học chữ nho bác dạy.

Khi tôi ra đời (9/3 năm Mậu Tý – 17 /4/1948), thày tôi chạy ngay lại xóm Đông, xin bác Khóa đặt tên. Sau này thày kể: “Thày phải nhờ bác Khóa đặt tên cho con, vì cái tên phần nào cũng dính dáng đến tính cách suốt đời của một người. Bác Khóa bảo, tên chú là Du thì đặt tên thằng cháu là Dương, không phải chỉ là cho vần vè mà còn có ý nghĩa. Đó là sự mô tả một thứ âm thanh đẹp. Còn tên đệm của nó phải là Ngọc. Tôi muốn cả cuộc đời của nó sau này luôn trong sáng như ngọc, quý như ngọc…”. Ở trong làng, trong xã không thiếu gì người đặt tên con cái rất vần vè, thậm chí vần từ tên bố đến tên đứa con thứ ba thứ bốn, nhưng hầu như không có ý nghĩa gì sâu sắc. Kiểu như ông Cọt đặt tên con là Kẹt, mẹ là Lê đặt tên con là La… Nhưng thày tôi nhờ bác Khóa đặt tên cho tôi với một niềm hy vọng sự tốt đẹp cho con trong tương lai là “đúng địa chỉ”. Thế là cái tên của tôi, cuộc đời của tôi gắn liền với một một kỷ niệm sâu sắc với bác Khóa ngay từ khi tôi mới lọt lòng. Nếu hôm nay không nói ra điều này, chắc hẳn không ai có thể biết, ngoài thầy bu tôi và tôi.

Bác Khóa không phải chỉ dạy học, bác còn làm nghề bốc thuốc trị bệnh cứu người. Tôi còn nhớ, 7 gian nhà gỗ lim, lợp rạ của bác quay hướng Bắc, trong đó gian chính giữa đặt bàn thờ gia tiên, bên dưới là tủ chè, sập gụ. Bốn gian tiếp theo ở hai bên để bà con khắp nơi trong vùng đến ngồi chờ bác xem mạch, kê đơn, bốc thuốc. Cứ đến đầu ngõ nhà bác Khóa là đã nức mùi thuốc Bắc. Con dao cầu của bác liên tục hoạt động để cắt các vị thuốc như cam thảo, quế chi, hoài sơn, thổ phục linh…Còn lại hai gian đầu hồi bưng kín bằng vách gỗ làm buồng. Đó là một ngôi nhà rất cổ. Vào cuối những năm 50, khi tôi biết thì những cây cột lim, những cánh cửa, những tấm gỗ lịa gian buồng đã xuống mầu rất sẫm. Trước cửa nhà là một cái sân gạch, phía ngoài cùng của cái sân ấy là một cây hương để thờ giời đất, thần linh. Tiếp theo là mảnh vườn nhỏ sum xuê cây trái, rồi đến một cái ao cá mè khá rộng… Bên trái ngôi nhà chính, là nhà bếp quay hướng Đông. Bên phải hình như có một nhà ngang quay hướng Tây (?) Đầu nhà hướng Đông là một cây rơm rất to để làm thức ăn nuôi trâu, bò…

Từ sau cách mạng tháng Tám đến cuối những năm 50 của thế kỷ trước, nền y học (Tây y) của nước ta chưa phát triển, người dân ốm đau chủ yếu vẫn phải dựa vào thuốc Nam, thuốc Bắc. Ốm đau thì ai cũng có thể, còn học hành thì nếu không có điều kiện, không được học cũng chẳng sao. Người nông dân Việt Nam xưa vốn ít được học hành. Hơn nữa đến thời kỳ này người ta không học chữ Nho nữa mà đã chuyển hẳn sang nền giáo dục mới dạy quốc ngữ. Vì thế, nghề bốc thuốc của bác Khóa trở thành ‘nhiệm vụ nặng nề’ và công việc dạy học tạm lắng xuống. Sau này tôi mới hiểu ra, khi phải ngừng dạy học, bác Khóa cũng rất tâm tư. Có lần bác kể chuyện với mấy ông bạn về cuộc cách mạng Tây học thay thế Nho học trước kia khiến một số nhà Nho sợ rằng bị lệ thuộc lâu dài Pháp quốc, khó lấy lại được nền độc lập. Bây giờ học quốc ngữ, cái chữ loằng ngoằng như rau muống do người Pháp mang sang thay thế cho cái chữ “vuông hòm sắc cạnh” thì rồi không biết nền văn hóa dân tộc sẽ đi đến đâu ?!. Vì thế đã xuất hiện một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt không biết của ai, nhạo báng những người theo Tây học. Bài thơ được ông bác thứ 5 là Nguyễn Văn Năm có lần đọc cho tôi nghe như một câu chuyện vui:

Ba, bốn, năm mươi mới vỡ lòng
A, ơ, á, ớ khổ thân ông
Bê cu* thời cũng bê cu cả
Nấp đít** sau cùng nấp đít chung.

Như vậy, cả đời bác Khóa gắn với nghiệp dạy học và lương y. Đó là hai nghề cao quý nhất mà cả xã hội luôn tôn trọng, gọi là Thầy. Cao quý nhất bởi nó phục vụ trực tiếp từng con người, vốn quý nhất của xã hội. Người thầy thuốc thì chăm sóc phần xác, người thầy giáo thì chăm sóc phần hồn. Bác Khóa hai tay nắm giữ hai người Thầy của xã hội. Hai người thầy đó, đúng nghĩa là hai tấm gương sáng về nhân cách. Đó là những nghề vị tha, nhân ái vào bậc nhất, những nghề không bao giờ có mục đích làm giầu hay mục đích nào khác, ngoài việc trị bệnh cứu người và xây dựng nhân cách, trí tuệ. Anh Nguyễn Trần Dật, nguyên giảng viên trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, trưởng nam của bác Khóa viết trong hồi ký của mình: “Cha tôi là người  dễ tính và giầu lòng nhân ái. Ai đến dù có tiền hay không, ông đều ân cần, tận tình cứu chữa. Dù nắng mưa, rét mướt, dù phải đi bộ rất xa, ông vẫn đến tận nhà người bệnh, để thăm khám. Ông là thầy thuốc giỏi, chữa được nhiều bệnh…”. Còn nhớ có lần thày tôi bị bệnh nặng, sốt rất cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bu tôi vừa khóc vừa chạy đi tìm bác Khóa. Bác lại nhà bắt mạch, rồi về bốc thuốc bảo bu tôi sắc ngay cho thày tôi uống. Bác còn dặn: đây là bệnh thương hàn, không được ăn chất gì rắn, chỉ được uống cháo loãng, nếu không là không cứu được đâu. Nếu không có bác, chắc thày tôi không qua được cơn nguy kịch ấy... Số bệnh nhân nghèo, không có tiền, bác Khóa chữa cho họ hằng năm rất nhiều, cứ đến dịp năm hết, tết đến, anh Dật giúp cha đi đòi nợ cũng chỉ thu được một phần, bù vào tiền mua dược liệu. Có trường hợp người ta nghèo quá thì cũng thôi…

Bác Khóa là đời thứ ba làm nghề dạy học. Bác có ước nguyện con cháu sẽ nối nghiệp cha. Trước lúc lâm chung, bác dặn anh Dật là sau này con cố gắng vào ngành sư phạm để ra dạy cấp 1. Khắc sâu tâm nguyện của cha, anh Dật đi học sư phạm và cuối cùng đã bước lên bục giảng trường đại học.


Khi không dạy chữ Nho nữa, với tâm huyết nghề nghiệp của một thầy khóa, bác lại tiếp thu quốc ngữ, chuyển sang dạy vỡ lòng cho con cháu trong họ, trong làng. Tôi vẫn nhớ có lần bác Khóa dạy mấy anh em chúng tôi đánh vần chữ quốc ngữ. Đó là vào khoảng những năm 1953 – 1954, thực hiện phong trào Bình dân học vụ do Chính phủ cụ Hồ phát động. Bác viết lên cánh cửa những chữ cái rồi đọc “O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội nón, ơ là thêm râu”.

Theo hồi ký của anh Nguyễn Trần Dật thì bác Khóa có nhiều bạn bè là những người có học. Họ thường hay lui tới nhà bác để đàm đạo văn chương, thế sự. Anh Dật còn nhớ ba người. Đó là ông Ký Hiến, một nhà Nho, cũng là anh rể của bác, quê ở xã Đồng Minh; ông Khóa Vận ở xã Hiệp Hòa và ông cụ Côi ở xã Vĩnh An. Các cụ ấy đều là Nho học, thường quan tâm đến thời cuộc. Nghe đâu các cụ cũng có nhiều thơ phú, câu đối, nhưng không lưu truyền được bài nào. Sau này một người học trò của bác Khóa còn giữ lại được duy nhất một bài thơ song thất lục bát, bác viết sau trận lụt do vỡ đê tháng 8/1945. Bài thơ của bác Khóa được chép lại trong Hồi ký của anh Nguyễn Trần Dật như sau:

Năm Ất Dậu mùa thu tháng Tám
Mới qua hè cày cấy chưa xong.
Đang khi xanh tốt đầy đồng
Dân tình vui vẻ những mong được mùa
Trận gió đâu xa đưa ngọn sóng
Mấy quãng đê phút chốc tan tành.
Than ôi nước thác trôi ghềnh
Nước non man mác dân tình ngẩn ngơ,
Vắt tay nghĩ cơ đồ ngán quá
Nào cỏ cây lúa má còn đâu
Nằm ngồi ngẫm nghĩ trước sau
Trên trời dưới đất một màu xa xa.
Nào trong nhà bèo trôi, sóng vỗ
Nào dọc đường thuyền đỗ lênh đênh
Sàn cao mấy ả buông mành
Dưới đầm mấy kẻ học sinh cưỡi bè.
Ai tạc cảnh éo le như thế
Quãng đường xa như bể mênh mông
Tấc riêng lo nghĩ khôn cùng
Tay không chia sẻ tìm vùng ấm no.
Thôi đành vậy trời cho lúc khác
Lại thái hòa hưởng lạc như xưa.

Thế rồi, đầu năm 1956, cuộc Cải cách ruộng đất được tiến hành ở quê tôi, gia đình bác Khóa bị quy là Phú nông. Lý do chính bởi bác có hoàn cảnh khá giả hơn những người xung quanh. Bác là con trưởng nên được thừa hưởng ông cha hơn hai mẫu ruộng***. Bác Khóa xưa nay làm nghề dạy học và thày thuốc thì không thể làm ruộng, bác gái cũng là con cụ Đồ, từ bé chưa từng lao động chân tay… Vì thế số ruộng đất hằng năm đều phải thuê mướn người cày cấy, trả công bằng thóc. Hồi ký của anh Nguyễn Trần Dật ghi rằng:“Mỗi khi mùa thu hoạch đến, công việc thật dồn dập, tấp nập. Thợ gặt đông vui. Tôi thường mang nước ra đồng cho thợ và buổi trưa thợ về ăn cơm, tôi ở lại trông lúa. Sau vụ gặt nhà đầy ắp những thóc, mà toàn thóc ngon như Tám thơm, Dự, Gi hương. Những năm tháng đó, gia đình tôi sống khá giả, sung túc…”. Hơn nữa, khẩu hiệu lúc ấy là “Trí, phú, địa, hào – đào tận gốc, trốc tận rễ”!, nghĩa là những người không “chân lấm tay bùn”, không “nhọ nhem dầu mỡ”, kể cả trí thức, đều nằm trong đối tượng phải “đào”, phải “trốc”. Cứ như thế mà suy ra thì bác Khóa tôi không tránh được phải bị lên thành phần, trở thành lực lượng đối lập.

Vì vậy, gia đình bác Khóa bị quy là Phú nông. Khi một người bị Đội cải cách quy là địa chủ, phú nông thì đã là “kẻ thù giai cấp”. Cuộc Cải cách ruộng đất đã làm thay đổi quá nhiều những mối quan hệ trong nông thôn, trung tâm là vùng Đồng bằng sông Hồng. Thày bu tôi hằng ngày đi làm đồng về thầm thì với nhau là thương bác Khóa lắm nhưng không thể làm gì được. Tôi năm ấy mới 8 tuổi nên không hiểu gì, chỉ thấy vài hôm lại được thầy bu dắt ra bãi tha ma làng Đợn để dự những cuộc đấu tố địa chủ, phú nông. Cuộc đấu tố được diễn ra dưới một cái kỳ đài cao ngất dựng bằng tre, gỗ cho những người Đội cải cách ruộng đất ngồi ở ghế quan tòa, được gọi là “Tòa án đặc biệt”…

Bác Khóa tôi có bị bắt bớ, giam giữ, đấu tố không thì tôi không còn nhớ. Nhưng có một chi tiết đến khi sửa sai (1958), thày tôi nói lại thì tôi không bao giờ quên. Ở một cuộc họp mặt nào đó của anh Đội với mấy bà con tại nhà cốt cán, trong đó có cả thành phần phú nông. Anh cốt cán là một người gọi bác tôi bằng Ông. Anh Đội ngồi xếp bằng trên sập gỗ, anh cốt cán ngồi trên sập nhưng bắc chân chữ ngũ, một chân thò xuống đất. Trên sập có ấm nước chè xanh và cái điếu bát. Bác Khóa kéo cái chổi rơm ngồi bệt xuống nền nhà. Chờ cho “ông cháu” của mình hút xong điếu thuốc lào nhả khói mù mịt, thì bác khom lưng đứng dậy, xin phép ông Đội và ông cốt cán, bê cái điếu đặt xuống đất rồi chìa tay xin cái đóm đang cháy. Nhưng ông cháu cốt cán thay vì đưa cái đóm cho ông, lại buông tay thả xuống đất, mắt nhìn đi đằng khác. Cái đóm rơi dọc xuống đất như một mũi kiếm đâm thẳng vào trái tim người ông! Tắt ngấm. Bác Khóa nhẫn nại nhặt lên rồi hai tay run rẩy với lên sập, châm vào ngọn đèn dầu lấy lửa hút điếu thuốc lào… Xét cho cùng, hành vi của anh cốt cán không đáng trách. Bởi vì, anh ta thuộc thành phần khố rách áo ôm, không được học hành gì, lại được nhồi sọ bởi tư tưởng Maoit, trước mặt anh Đội anh ta còn sợ nữa…thì trách anh ta khác nào trách… con bò!

Cái chi tiết này thày tôi theo dõi từ đầu chí cuối và ông rơm rớm nước mắt mỗi khi nhắc lại. Rồi tự hỏi, không hiểu sao con người bây giờ chóng thay đổi đến thế! Cuộc cải cách ruộng đất vừa đưa vào làng vào xã mấy tháng mà tự nhiên mất hết cả nền nếp gia phong. Chẳng may bố mẹ, ông bà trở thành Địa chủ, Phú nông thì con cháu nhìn họ như kẻ thù, thậm chí chỉ mặt đấu tố bằng những lời lẽ điêu toa, bịa đặt, xúc phạm chưa từng thấy. Trong cơn “giông tố” này, một bà thím họ của tôi, do bị quy là địa chủ, bị đuổi cả bầu đàn thê tử xuống ở chuồng trâu, để lấy ngôi nhà gỗ 5 gian làm quả thực chia cho nông dân, nên bà đã quá uất ức, phải tìm đến cái chết bằng một sợi dây thừng oan nghiệt!

Có lẽ sau sự khủng hoảng tinh thần, như một cơn ác mộng, bác Khóa tôi đã yếu đi nhiều, hai năm sau ông lâm bệnh trọng, nhưng “dao sắc không gọt được chuôi”, ông không tự chữa được cho mình. Thế rồi đến ngày 24/4 (ta) năm Canh tý (1960) , bác Khóa về với Tổ Tiên !...

Tôi còn nhớ đám tang bác Khóa, cả làng và nhiều người trong vùng đi đưa. Anh Dật và anh Tuynh, hai “tế tử” của bác, mặc áo xô, đội mũ nùn rơm, chống gậy, đôi mắt luôn ngấn lệ, trên đầu thắt dải băng tang trắng toát…  

Tháng 2/2016 - NND
Ghi chú:
* “Bê cu”: 2 chữ cái b & q, phát âm theo kiểu chơi chữ…
** “Nấp đít”: cũng là một cách chơi chữ, phát âm từ tiếng Pháp neuf, dix (chín, mười), ý nhạo báng những người theo Pháp.
*** Mẫu Bắc bộ, 1 mẫu = 3600m2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog