14 thg 3, 2016

Những Cánh Bèo Trôi Ở Bangkok của Tưởng Năng Tiến .

Những Cánh Bèo Trôi Ở Bangkok


Đối với lao động từ các nước như Lào và Miến Điện được đăng ký hợp pháp, mỗi người được cấp một thẻ bảo hiểm sức khỏe để được điều trị tại bệnh viện chính phủ với những quyền lợi tương đương với công dân Thái. Tuy nhiên đối với công nhân Việt Nam thì mỗi khi lâm bệnh hoặc gặp tai nạn và đi điều trị tại bệnh viện thì phải tự túc hoàn toàn.
Thỉnh thoảng (trên bàn nhậu) tôi vẫn góp vui bằng câu chuyện sau, sau khi nghe những bạn đồng ẩm bàn luận về hiện trạng tôn giáo ở Việt Nam:
– Thưa cha con muốn xưng tội.

– …
– Trước năm 75, có mấy nguời cán bộ cộng sản nằm vùng bị truy lùng đến xin tá túc, và con có chứa họ dưới hầm nhà …
– Giúp đỡ tha nhân khi họ kêu cứu trong lúc bị hiểm nguy không phải là một cái tội.
– Nhưng thưa cha…
– Con cứ yên tâm. Ðiều con làm hoàn toàn hợp với tinh thần bác ái của Chúa Ky Tô và văn hoá của dân tộc Việt. “Thương người như thể thương thân. Rét thời cho mặc, đói thời cho ăn.” Gia Huấn Ca cũng có dậy như vậy. Chúng ta không thể vì chính kiến hay lòng thù hận mà bỏ nguời ta đói khát trong cơn hoạn nạn; hoặc tệ hơn nữa là tố giác những kẻ ở bước đường cùng.
– Thưa vâng nhưng thưa …
– Cha hiểu …đó không phải lỗi của con. Nếu những kẻ được cứu giúp trong cơn hoạn nạn – sau này – trở mặt, lấy ân báo oán hoặc lại tiếp tục con đường tà đạo thì đó là tội lỗi của họ…

– Dạ vâng nhưng điều khiến con áy náy là…
– Là gì nữa?
– Là vì họ… vẫn còn dưới hầm nhà…
– Con nói sao?
– Thưa cha, qúi vị cán bộ cộng sản trốn dưới hầm nhà con vẫn còn sống ở duới đó cho mãi đến bây giờ.
– Ối, Giêsu Ma… lậy Chúa tôi! Sao lại thế, hả con?
– Vì con vẫn chưa cho họ biết là “cách mạng” … đã thành công!
– Nhưng… sao… sao… con lại … lại … đãng trí đến như thế được?
– Tại con rút kinh nghiệm hồi kháng chiến chống Tây. Thuở ấy, bố con cũng chứa cán bộ cộng sản trong nhà; sau này, chính những nguời này đã “dàn dựng” để “nhân dân” mang ông cụ ra … đấu tố cho đến chết! Bởi vậy nên con sợ…
– Kể thì cũng như nuôi rắn trong nhà, đáng sợ thật chứ chả phải chuyện đùa!
– Xin cha giúp con…
– Thôi thế này con ạ, về lấy xi măng lấp luôn cái hầm nhà lại cho… xong! Ðỡ được đứa nào hay đứa đó. Tội nghiệt này, xin Chúa nhân từ chứng giám, ta xin chịu thay con.
– Con xin lĩnh ý cha; tuy nhiên, cũng xin Chúa nhân từ chứng giám đây là chuyện “riêng” của con chứ không liên hệ gì đến cha hoặc bất cứ ai.

Tôi không phải là tác giả của “tiểu phẩm” vừa ghi. Đây chỉ là sáng tác chung của người dân xứ Việt, nơi mà “… giữa cảnh đèn nhang nghi ngút của chùa Quán Sứ, giữa bao nhiêu cụ bà thành tâm cúng vái, lại thấy một vị sư tuổi còn thanh niên, có nét mặt trông như một trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng nào đó, mà tôi từng thấy ở các mặt trận” – theo như nhận xét của một nhân chứng thế gía, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn.
Ủa, chớ mấy ổng “nằm vùng” trong chùa làm chi vậy cà? Blogger Bùi Quang Vơm lý giải: “… bây giờ, nhìn vào đâu, đảng cũng thấy có kẻ thù, ở chỗ nào, cũng có âm mưu lật đổ. Đảng đang hoạt động trong lòng địch. Dân đã thành địch rồi.”
Giới tu sĩ cũng vậy (chắc) cũng hoá thành địch hết trơn hết trọi nên Đảng phải “gài” người vào tu viện, thiền viện, chùa chiền, thánh thất, giáo đường… cho nó chắc ăn – đúng như lời cảnh báo của những vị tai mắt:
– Đại Biểu Quốc Hội Nguyễn Kim Khoa: Hiện có 3 vấn đề nổi lên hiện nay trong đó có tình hình xu hướng hoạt động tín ngưỡng tôn giáo ngày càng tăng lên đặc biệt là các địa bàn chiến lược, trong đó có các loại đạo tín ngưỡng trái phép gia tăng và diễn biến phức tạp.
– Phó Chủ Tịch Quốc Hội Tòng Thị PhóngKhông được lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để chống phá nhà nước.
Mối lo ngại về “các loại đạo tín ngưỡng trái phép gia tăng và diễn biến phức tạp,” cùng chuyện “lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để chống phá nhà nước” – dường như – chỉ có tại Việt Nam. Ở những quốc gia láng giềng, nhiều sinh hoạt tôn giáo còn “phức tạp” hơn nhiều nhưng không thấy chính phủ, cũng như những vị đại diện dân cử, của họ bầy tỏ sự “quan tâm” tương tự.
Ở Thái, hằng năm, vào tháng 12 đều có hàng chục ngàn tu sĩ cùng lượt đi khất thực. Riêng năm vừa qua, vào hôm 27 tháng 12 năm 2015: “Mười nghìn vị Tôn đức Tăng già trang nghiêm pháp phục, đắp Ca sa ôm bình bát, thứ tự tuần hành khất thực quanh thành phố Chiangmai, Thái Lan.”
1 banglok
Ảnh: Jonathan Look
Nếu cùng ngày này, ở thành phố Hải Phòng, cũng có chừng vài trăm vị sư xuống đường khất thực thì Thiếu Tướng Giám Đốc Công An Đỗ Hữu Ca chắc phải mừng hết lớn. Ổng dám huy động luôn đến cả trực thăng vũ trang để chuẩn bị thêm một “trận đánh đẹp có thể viết thành sách” (nữa) chớ chả phải chuyện đùa đâu.
Tôi không có mặt tại Chiangmai vào hôm 27 tháng 12 năm 2015 nhưng có đến tham dự lễ tạ ơn ở Bangkok, vào hôm 28 tháng 2 vừa qua, với Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, OP.
Hơn nửa số giáo dân Việt Nam ở Vọng Các, nghĩa là khoảng ít nhất cũng phải đến một ngàn năm trăm tín đồ đã tập họp lại để chào đón và dâng thánh lễ tạ ơn với vị Mục Tử của họ, tại giáo đường St Joseph (Bangkok). Tất cả họ đều còn trẻ, rất trẻ, chỉ độ khoảng tuổi từ 18 đến 30.
2 bangkok
Ảnh chụp hôm 28 tháng 2 năm 2016 tại giáo đường St. Joseph, Bangkok.
Tôi chưa bao giờ được dịp đặt chân ra đến miền Trung nên có cảm tưởng là mình đang lạc giữa một rừng người ngoại quốc vì cách phát âm tiếng Việt của các bạn trẻ hơi nhanh, và cũng hơi lạ nữa. Tuy không nghe rõ những mẩu đối thoại, chuyện trò của họ nhưng tôi vẫn cảm nhận nỗi an bình trên nét mặt của từng em. Sự bình an mà chưa chắc đã có thể tìm thấy tại quê nhà, nơi mà có những ông “tiểu đoàn trưởng/ trung đoàn trưởng” (đóng đô) ngay giữa cửa thiền, và những vị “đại biểu quốc hội” luôn bị ám ảnh bởi chuyện “lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để chống phá nhà nước!”
Vì nhà thờ không còn đủ chỗ (kể cả chỗ đứng) và vì là một người ngoại đạo nên thay vì chen chân vào bên trong giáo đường, tôi lặng lẽ tìm một bóng cây ngồi nghe Giám Mục Nguyễn Thái Hợp nhỏ nhẹ tâm tình qua hệ thống phát thanh. Tuyệt nhiên, không có lời lẽ “phản động” hay “chống phá nhà nước” nào ráo trọi. Ông chỉ chia sẻ với hàng ngàn những tín đồ trẻ tuổi những khó khăn của họ nơi đất lạ xứ người: văn hóa, đạo lý, đức tin. Ông cũng rất tế nhị khi nói đến những trở ngại về pháp lý, kinh tế, xã hội … mà di dân Việt đang phải đối đầu.
3 bangkok
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp tại giáo đường St Joseph, Bangkok. Ảnh: vietcatholic
Trước đây chưa lâu, vào hôm 3 tháng 7 năm 2014 – trên trang Nation – ký giả Petchanet Pratruangkrai cũng có đề cập đến những di dân Á Châu tại Thái, trong số này có khoảng năm mươi ngàn người Việt đang làm việc “chui” ở đất nước này. (Among the roughly 2 million Myanmar workers, 300,000 Cambodians and 50,000 Vietnamese in Thailand, many are working illegally…)
Theo tiểu luận (“Những Cơ Hội & Thách Đố Cho Lao Động Di Dân Việt Nam Tại Thái Lan”) của Linh Mục Antôn Lê Ngọc Đức, SVD, lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan có một số những đặc điểm chung:
Thứ nhất, hầu hết đến từ các tỉnh miền bắc và miền trung, trong đó Hà Tĩnh và Nghệ An chiếm phần đa số. Ngoại trừ một số trường hợp, hầu hết xuất thân từ những gia đình nông thôn…
Tính chất của một số công việc mà các lao động di dân Việt Nam làm tại Thái Lan lệ thuộc phần nào về tuổi tác và giới tính. Những công việc như xây dựng (cọ xang), trông bãi xe (rắp rốt), tẩm quất trong phòng vệ sinh nam (nuad hong nám) chỉ dành cho lao động nam. Các công việc giúp việc nhà (mae ban), chăm sóc người già trẻ con trong gia đình chủ thuê, bán hoa hồng dạo…thường dành cho lao động nữ. Ngoài ra những công việc như may quần áo (yep pha), bán dạo (kem, trái cây, nước giải khát), mở quầy hàng (áo quần, thức ăn, hoa quả…), bán hàng trong các cửa tiệm bán lẻ… thì cả lao động nam và nữ đều tham gia.
Tất cả đều là những công việc nặng nhọc, bấp bênh, và thu nhập rất thấp chỉ dành cho đám di dân Miến, Miên, và Việt. Việt Nam ra sao mà những thanh niên thanh nữ, rường cột và tương lai của đất nước, phải chấp nhận một cuộc sống tủi cực đến thế ở nước láng giềng?
Xin nghe qua đôi lời tâm tình của họ với Trà Mi, qua phóng sự (“Người Việt Ở Thái Vẫn Chọn Mảnh Đất Này Bất Chấp Bạo Động, Nổ Bom”) nghe được vào vào hôm 24 tháng 8 năm 2015:
– Ngọc Hưng: Tới Thái Lan ngay từ lúc đặt chân tới sân bay, họ rất vui vẻ, niềm nở, lịch sự. Mình qua đây làm ăn sinh sống với mong muốn thay đổi một môi trường sống khác. Từ những người thấp nhất trong xã hội Thái như xe ôm cho tới cảnh sát, họ đều giúp đỡ mình hết mình.
– Nhung: Qua đây từ 2008 thấy Thái Lan cũng có một thời rất là xáo trộn nhưng rồi họ vượt qua mạnh mẽ. Nhung muốn sống ở đây nên luôn hy vọng nơi này sẽ bình yên trở lại. Mình không thấy thất vọng về đất nước Thái Lan.
– Tâm: Mình thấy thật ra không phải là Việt Nam yên bình đâu. Ở Thái, bạn có thể cầm hai tay 2 smart phone đi ngoài đường mà cũng chẳng bị sao hết, chứ ở Việt Nam bạn có dám hé ra một tí xíu không? Sẽ bị giật mất liền… Ở Việt Nam chỉ cần sơ hở một chút là bị giật liền chứ đừng nói là bỏ quên. Không phải mình nói xấu đâu. Mình nói về độ yên tâm, về sự ổn định trong cuộc sống.
Cái giá mà kẻ tha hương phải trả để có được “độ yên tâm” và “sự ổn định trong cuộc sống” – tất nhiên – không rẻ. Tại sân giáo đường St Joseph, chiều nay, lần đầu tôi mới được chứng kiến “cả rừng” đồng hương của mình tề chỉnh với áo trắng/quần bò hay với những tà áo dài thướt tha (và lạ mắt) trên đất Thái.
Trước đó, tôi chỉ thấy các em nhẫn nại và lầm lũi sau những xe kem, xe nước dừa, xe trái cây loanh quanh trên khắp nẻo đường của thủ đô Vọng Các. Đôi khi, tôi cũng bắt gặp các em tất bật trong những quán ăn bình dân hay nhễ nhại mồ hôi nơi các công trường (cháy nắng) ở Thái Lan.
4 bangkok
Ảnh chụp vào mùa mưa năm 2015,
không nhớ ngày nào
Xin cảm ơn những giọt mồ hôi, cũng như nước mắt, tảo tần/thương khó của tất cả những người bạn trẻ – những con dân Việt tha hương đang góp phần (không nhỏ) để để giữ cho dân tộc này chưa đến nỗi phải bị bị diệt vong.
Tưởng Năng Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog