Ðất nước
bị xâm lược, hàng trăm ngàn người dân Việt và chiến sĩ đã bị giặc ngoại xâm Tàu
Cộng sát hại thảm khốc trong cuộc chiến tranh bảo vệ các tỉnh biên giới phía
Bắc. Ngày 17 tháng 2 năm 2016 vừa qua là ngày có đông đảo người dân tại Hà Nội
và Sài Gòn đến dâng hương tưởng niệm những đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh
trong cuộc chiến bảo vệ biên giới năm 1979 này. Thế nhưng, tình cảm tốt đẹp của
những người dân này đã bị cấm cản và đàn áp thô bạo tại chân tượng đài Ðức Trần
Hưng Ðạo, quận 1, nơi nhân dân Sài Gòn đến dâng hương tưởng niệm. Tại sao lại
như thế và ai phải chịu trách nhiệm chính về chuyện này nếu không phải là người
lãnh đạo cao nhất thành phố hiện nay: Bí Thư Thành Ủy Ðinh La Thăng?
)Vậy mà thay vì phải
giải thích trả lời ngay cho công luận về sai lầm nghiêm trọng này, Ðinh La
Thăng đang lẩn tránh trách nhiệm và đang cố “lăng xăng” với những công việc rất
bình thường khác. Lạ một điều là những vụ việc rất bình thường khác trong trách
nhiệm của anh lại đang được báo chí tập trung tôn vinh như là những “đột phá
lớn,” những đỉnh cao trí tuệ... Bài viết này ra đời như để thử tìm câu trả lời
cho trách nhiệm của anh Thăng và phân tích thêm về những điều đang được xem là
đột phá lớn của anh.
Trước hết
xin hãy cùng nhìn vào những chuyện mới nhất mà Ủy Viên Bộ Chính Trị (UVBCT),
tân Bí Thư Thành Ủy (BTTU) Ðinh La Thăng vừa làm ngay khi vừa nhậm chức ở Sài
Gòn và đang rất được các báo đài lề đảng tung hô, với nhiều ý kiến khen ngợi,
tung lên mây và cho là đột phá (!?).
Ðầu tiên
đó là chuyện ông Thăng công bố công khai số “điện thoại nóng” với lời hứa sẽ
lắng nghe mọi ý kiến phản ảnh, yêu cầu... từ mọi người dân. Mới nhìn vào thì dễ
lầm tưởng đây chính là đột phá khi mà một ông vua trong 19 ông vua của BCT nay
dám công khai số điện thoại nóng để tiếp dân, để trực tiếp lắng nghe ý dân.
Nhưng khi nhìn vào thực tế, bản chất sự việc, thì sẽ thấy ngay đây là một việc
mà ông Thăng không thể nào thực hiện hiệu quả, lâu dài vì công việc của một
UVBCT, một BTTU, cho dù ở không nhất, cố gắng nhất, thực tâm nhất cũng sẽ không
thể nào có được thời gian để lắng nghe, tiếp điện thoại người dân của một thành
phố lớn đang có cả chục triệu người cư ngụ, sinh sống và làm việc. Hay lắm rồi
thì Ðinh La Thăng cũng chỉ sẽ cố duy trì được một thời gian ngắn ban đầu, mỗi
ngày cố bỏ ra chút thời gian tượng trưng nghe điện thoại của dân và chọn ra vài
vụ việc ăn khách nhất để giải quyết và cho báo đài khuấy động lên để tuyên
truyền, sau đó sẽ lặng lẽ để 99% các cuộc gọi đến sẽ phải chịu cảnh “ò í e số
điện thoại mà quý khách đang liên lạc hiện tắt máy hay ngoài vùng phủ sóng...”!
Thực tế
thì mới qua vài ngày, số điện thoại riêng để “diễn” của ông Thăng đã quá tải.
Báo lề đảng đưa tin dân (dân oan, dân khổ, dân bức xúc, dân phá?!) gọi đến suốt
ngày và thậm chí có nhiều cuộc gọi còn được gọi đến vào lúc 0 giờ! Ông Thăng có
lường trước được việc này hay không? Câu trả lời xin thưa là có và không.
Nếu bảo
là ông không lường trước được thì xem thường ông quá, không lẽ ông Thăng lại
quá “lăng xăng và dại khờ” đến vậy; còn nếu có, ổng đã biết trước một việc mình
đưa ra làm sẽ thất bại, không duy trì thực hiện được mà vẫn đưa ra nhằm mục đích
mị dân, tuyên truyền thì anh chính là loại đột... phá gì đây!?
Thôi thì
hãy vẫn cứ nghĩ tốt về ông Thăng, hãy cứ cho là ông có thiện chí muốn lắng nghe
dân, duy chỉ có cách nghe qua điện thoại do ông đưa ra là không tưởng, không
thể thực hiện được thì xin được giới thiệu vài cách thông thường nhất mà các
chính khách trên thế giới hàng ngày vẫn đang làm rất hiệu quả.
Xin thưa
đó là cách họ nắm bắt cuộc sống, lòng dân thông qua báo chí tự do và các trang
báo mạng, qua các cuộc thăm dò các kênh thông tin đa chiều, qua các tổ chức xã
hội dân sự và qua cả các hoạt động tự do biểu tình của người dân nhằm nói lên
nguyện vọng, ủng hộ và phản đối những điều luật, sự kiện cụ thể nào đó, mà họ
đang quan tâm và bức xúc nhất. Vậy liệu ông có thực lòng muốn và có đủ sức, đủ
tầm và có dám thử sẽ làm những điều rất bình thường mà thực sự rất vì dân, rất
lắng nghe dân này hay không?
Viết đến
đây xin lại nhắc đến một việc vừa xảy ra vốn rất được dân Việt Nam quan tâm và
trực tiếp dính đến ông Thăng trong cương vị trách nhiệm BTTU. Ðó là chuyện
những người dân tham gia sự kiện này ở Sài Gòn dưới quyền cai trị trực tiếp của
ông đã bị đàn áp thô bạo. Trong khi cùng một sự việc dâng hương tưởng niệm ngày
17 tháng 2 vừa qua, tương tự như vậy nhưng ở Hà Nội lại diễn ra rất bình
thường. Tại sao lại như vậy và tại sao lại có việc nhiều người dân tham dự
tưởng niệm các chiến sĩ đồng bào đã bị giặc Tàu giết hại trong cuộc chiến tranh
xâm lược mà chúng đã xua quân tấn công vào các tỉnh biên giới phía Bắc ngày 17
tháng 2 lại bị an ninh cấm cản và khủng bố? Không thể không xét đến trách nhiệm
ông Thăng vì đây là việc lớn, không thể nói rằng do ông không biết, thậm chí
đang có dư luận cho rằng chính ông Thăng là người đã chỉ đạo, chịu trách nhiệm
chính trong việc ra lệnh ngăn chặn, cấm đoán nhiều người, nhốt họ trong nhà,
không cho họ đến dự, và lệnh cho an ninh đàn áp thẳng tay, xé bỏ, chà đạp lên
các băng rôn, vòng hoa... của những người dân đến tham dự tưởng niệm ngày 17
tháng 2 ở chân tượng đài Trần Hưng Ðạo ở quận 1, Sài Gòn.
Thực hư
từ chuyện này và quan điểm của ông Thăng như thế nào về chuyện cụ thể này, và
về các cuộc xâm lăng trong quá khứ xưa và nay của giặc Tàu, về tội ác của giặc
Tàu trên Biển Ðông hiện nay là như thế nào, cũng là những chuyện mà người dân
Sài Gòn đang rất nóng lòng muốn biết từ câu trả lời chính thức của ông. Trước
hết cũng là cách để Ðinh La Thăng tự giới thiệu, và cũng để “giải oan” cho
chính ông. Còn nếu ông lờ đi, không thèm trả lời dân Sài Gòn về vụ việc nóng
sốt này thì người dân xem như cũng đã hiểu được Ðinh La Thăng chính là ai và ai
là thủ phạm!
Một việc
ông Ðinh La Thăng vừa làm và cũng được lăng xê rất dữ trên báo đài mấy ngày
qua, đó là chuyện ông đã chỉ đạo, tìm cách tác động giám đốc Vinamilk, giúp mua
sữa bò cho dân Củ Chi. Nói nghe hơi kỳ chứ nếu quản lý xã hội mà chỉ đơn giản
tác động, lệnh này lệnh kia thì ai làm lãnh đạo mà không được, cứ có chức quyền
thì ra lệnh, buộc phải làm cái này cái kia thì quá dễ. Nhưng nếu như vậy, rồi
xã hội cũng sẽ quay lại giống y như vào thời bao cấp, sẽ xóa luôn kinh tế thị
trường cho dù đã có gắn thêm đuôi định hướng XHCN. Bởi vì trong thực tế ai cũng
biết việc mua bán sữa bò giữa người dân Củ Chi và Vinamilk là mối quan hệ thuận
mua vừa bán hai bên đều có lợi theo quy luật cung cầu của thị trường, và sẽ chiếu
theo luật pháp mà xử nếu có các cam kết mua bán theo hợp đồng kinh tế hoặc các
cam kết khác giữa hai bên. Không thể vì là bí thư thành ủy thì có thể ra lệnh,
dùng biện pháp hành chánh, ép cho bên này hay bên kia phải mua hay phải bán
sữa. Xin hãy cứ ví dụ như nếu Vinamilk vì bị ép phải mua sữa cho một số nông
dân theo lệnh ai đó, hay vì để được lòng ông Thăng mà lỗ vốn, mà mất uy tín vì
sữa không bảo đảm, hoặc có vấn đề... gì đó về hiệu quả kinh tế, về uy tín
thương hiệu chẳng hạn, thì lúc đó liệu ông Thăng sẽ làm gì, có bồi thường lại
được uy tín, tiền bạc... cho Vinamilk hay không?