29 thg 1, 2014

NHỮNG NẤM MỒ PHÍA SAU NGHĨA TRANG LIỆT SỸ CỦA TRỊNH KIM THUẤN.


Kính tưởng nhớ nhà văn Mai Ngữ với những tháng ngày được quen biết nhà văn ở Hà Nội năm 1988.

Riêng tặng anh Vũ Ngọc Tiến, anh Trần Nhương.

Trên đường gặp lại bao nhiêu mộ.
Của những người đi chẳng trở về . (Chính Hữu).

Đầu năm 2014 nghe Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ với những đổi mới, cải cách quyền làm chủ của nhân dân, về chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Rồi thông tin sẽ đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa, sẽ có lễ tưởng niệm 74 tử sĩ Hải quân tại Hoàng Sa ngày 19/01/1974. Rồi Chủ tịch UBND Huyện Hoàng Sa công bố sẽ tổ chức đêm ca nhạc, đốt nến vào đêm lễ tưởng niệm nầy…

Các tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên … liên tục đăng các bài viết và phỏng vấn  các chứng nhân trong trận hải chiến còn sống sót …. Đài truyền hình tỉnh Đồng Nai chiếu phim “Hải chiến Hoàng Sa” … Nhân dân cả nước lòng thầm mừng.

Nhưng đến ngày 17/01/2014 thì tất cả đều dừng lại, Chủ tịch UBND Huyện Hoàng Sa thông báo đêm biểu diễn ca nhạc và đốt nến … không thực hiện được vì chuẩn bị không kịp (?). Bài viết Chúng tôi và Hoàng Sa của ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ Tịch UBND Tỉnh An Giang gởi đến báo Tuổi Trẻ cũng dừng lại, đành gởi Blog Kim Dung – Kỳ Duyên.

Đến bài “Cần “Giải mật” cuộc biên giới Tây Nam “ của ông Nguyễn Minh Đào, cựu chiến binh ở tỉnh An Giang (theo Viet Studies- Tran Huu Dung), làm lộ ra những sự thật, thật sự đau lòng cho nhiều người … Như cấp lãnh đạo TW không tin vào dân, buộc di dời 70 ngàn dân Khmer với chặng đường dài hàng trăm cây số ( từ Tịnh Biên – Tri Tôn đến tỉnh Hậu Giang), để ngăn cắt không cho Khmer đỏ  lợi dụng móc nối tổ chức chống ta. Mặc dù lý lẽ nầy không thuyết phục, nhưng không ai dám có ý kiến khác … gây nên nỗi khốn khổ cho 70 ngàn người dân Khmer nầy,  hậu quả   vẫn còn … khiếu kiện đất đai đến ngày nay …

Trận chiến biên giới Tây nam nay được ông Nguyễn Minh Đào giải mã được phần nào, mong rằng sẽ có nhiều người tiếp thêm… kể cả trận chiến phía Bắc năm ấy, nhân dân chúng tôi đang chờ…

Tôi có ý kiến nhỏ về các Nghĩa trang liệt sĩ với những nấm mộ, theo sự hiểu biết của tôi .

Bàn giao đưa vào sử dụng Nghĩa trang người Trung Quốc tại thị xã Mường Lay 

Anh Thu – Đức Trung (Điện Biên TV)  Ngày 25/4 Ban Quản lý Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La tỉnh Điện Biên đã tiến hành bàn giao đưa vào sử dụng công trình Nghĩa trang liệt sỹ người Trung Quốc cho UBND thị xã Mường Lay .

Công trình Nghĩa trang liệt sỹ người Trung Quốc được khởi công vào năm 2009 với tổng số vốn đầu tư trên 25 tỷ đồng. Công trình bao gồm: Đài tưởng niệm, khuôn viên cây xanh, bãi đỗ xe và hệ thống tường rào xung quanh do Ban quản lý Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La làm chủ đầu tư .

Sau khi kiểm tra thực địa tại hiện trường, Đoàn nghiệm thu của UBND thị xã Mường Lay đánh giá cao chất lượng công trình Nghĩa trang người Trung Quốc đã đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn về kỹ thuật, mỹ thuật. Hiện nay, Nghĩa trang người Trung Quốc tại thị xã Mường Lay là nơi yên nghỉ của 52 liệt sỹ đã hy sinh trong thời kỳ Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng tuyến đường Hữu nghị 12 vào những năm 1967 – 1972.

Tại buổi nghiệm thu, UBND thị xã Mường Lay cũng đã kiến nghị và mong muốn chủ đầu tư cũng như nhà thầu cần sớm lắp đặt hệ thống nước để vứa phục vụ tưới cho cây xanh. Đồng thời, nghiên cứu, lắp đặt hệ thống điện, đảm bảo cho việc phục vụ khách đến thăm viếng và tiến hành kè thêm mái ta luy âm để chống sụt sạt vào mùa mưa .(Xem ở đây).

Và, xin mời cùng xem lại những trang viết của nhà văn Mai Ngữ

- Những khẩu đội cao xạ của Trung Quốc làm nhiệm vụ bảo vệ cho các đơn vị làm đường của họ lúc nầy theo hiệp định đã ký giữa hai nước, Trung quốc sang làm giúp Việt Nam một số con đường chiến lược dọc biên giới. Ngay sát thị xã (Cao Bằng) cũng có một đơn vị công binh Trung quốc đang làm nhiệm vụ ở đó , những người lính Trung quốc làm quần quật suốt ngày, họ không được phép giao dịch hay trò chuyện với dân địa phương. Họ làm và ăn ngay trên công trường, khi nghĩ ngơi thì rút cuốn sách đỏ ra đọc như đọc kinh cầu nghuyện…… (trang 12).

- Thị xã vẫn sầm uất, mặc dù nó đang chịu hai sức ép: thứ nhất là bom đạn Mỹ có thể từ trên máy bay bất thình lình trút xuống và thứ hai là luồng gió độc của đại cách mạng văn hóa từ bên kia biên giới thổi sang  ( trang 13 )

- Tổ phóng viên thường trú của anh Tư rời khỏi thị xã được hai ngày, thì máy bay Mỹ thường xuyên quần đảo trên bầu trời, các cở súng phòng không của bộ đội Trung quốc được dịp bắn lên không tiếc đạn. Máy bay Mỹ cũng phụt tên lửa xuống mấy trận địa pháo. Lính Trung quốc chết khá nhiều, nhiều đến mức ngạc nhiên, đến những người dân bình thường không hề biết việc quốc sự cũng không khỏi bàn tán. Những người lính chết được tổ chức mai táng rất linh đình, có lễ truy điệu, có các đoàn thể quần chúng trong thị xã đem vòng hoa đến viếng rồi mời người đua nhau đọc điếu văn, ca ngợi tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm, vì chủ nghĩa quốc tế vô sản, vô cùng trong sáng của các chiến sĩ Quân giải phóng Trung quốc. Những chiếc áo quan phủ đầy vòng hoa được những người lính Trung quốc chuyển lên xe và đưa ra nghĩa trang riêng xây dựng trong các cánh rừng gần đó hoặc trên các sườn đồi.

Một hôm , tôi thay mặt cơ quan đi dự đám tang của hai người lính Trung quốc, những người nầy chết không phải do chiến đấu với máy bay Mỹ mà chết vì bệnh tật. Chẳng hiểu ngành quân y  của họ làm ăn ra sao mà luôn để xảy ra những việc chết người : khi thì bệnh đường ruột, khi thì bệnh hô hấp, có lúc do tai nạn lao động : đá lỡ hoặc đất sụt … Thật tội nghiệp cho những người lính vì nhiệm vụ quốc tế phải bỏ xác nơi quê người. Tôi đứng trong nghĩa trang rộng bát ngát nhìn những dãy mộ chạy dài từng hàng nối tiếp nhau, những vòng hoa đã héo khô hoặc vàng úa nằm rãi rác bên mồ. Cảnh tượng thật làm não lòng người …… (trang 33 ).

- Người đàn bà nói :
Chắc đồng chí còn nhớ chương mở đầu pho sách : ba anh em Lưu – Quan – Trương kết nghĩa ở vườn đào chứ ?

-Dạ nhớ !
Đồng chí đã biết rằng , hiện nay tình hình Việt Nam đã xoay sang một chiều hướng khác. Cuộc kháng chiến của Việt Nam đã làm thất bại chánh sách của Pháp và như vậy nó sẽ nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam, kích động các dân tộc bị áp bức khác trên thế giới, nhất là ở khu vực Á, Phi… Chúng ta không muốn có một nước Việt Nam như thế ở sát nách chúng ta. Phải hạn chế nó ở mức độ nhất định, để bảo đãm cho sự lâu dài của chúng ta … Đây là một chính sách lớn của Đảng  và Mao chủ tịch và đây cũng là một vấn đề rất tế nhị và bí mật trong mối bang giao của hai nước. Ta là nước lớn, họ là nước nhỏ, trước đã thế, sau nầy cũng như thế …..

Tôi ngồi lặng đi trước những lời lẽ của người đại diện cho trung tâm, thì ra … thì ra … Đây là lòng dạ của họ ? Giá như một người nào đó nói với tôi những điều ấy thì không bao giờ tôi có thể tin được. Nhưng đây là tự miệng họ nói ra. Tất cả những điều tưởng như nghịch lý ấy lại rất hợp lý, lại là quốc sách của họ đối với các nước lân bang …(trang 61 – 62 )

- Anh Tư hỏi :
Cuối cùng thì nó phân công thế nào ?

- Tôi đáp :
Cắm Sềnh phụ trách các kho vũ khí của bọn làm đường để lại. Còn tôi phụ trách tổ chức các tổ cách mạng văn hóa ở các nơi … bề ngoài gọi là “Tổ cách mạng văn hóa” nhưng bên trong là các đội vũ trang bí mật …

- Anh Tư trầm ngâm một lát rồi nói :
Đây là một âm mưu khá nguy hiểm. Âm mưu nầy được thực hiện, nó sẽ khống chế toàn bộ vùng biên giới của chúng ta. Họ gài người ở khắp nơi trong vùng người Hoa và người các dân tộc khác. Họ còn nham hiểm ở chỗ những đơn vị công binh làm đường  sau khi rút khỏi đều để lại vũ khí đã được chôn giấu…. Làm sao biết được những kho vũ khí ấy đặt ở đâu ?

-Nhất định họ phải có sơ đồ và có thể lão Sềnh nắm bản sơ đồ đó …(trang 65 – 66 )

- Ông ta nói mà nước bọt sùi cả ra hai bên mép. Ông ta thật sự cay cú như một con bạc  đã cược cả cuộc đời của mình vào canh bạc lớn nầy và bị thua trắng tay. Ông ta luôn miệng chưởi Mỹ, chưởi bọn ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu đã thua chạy và làm cho sụp đỗ tan nát cả cái cơ đồ xây dựng hơn hai chục năm trời. Ông ta lại chưởi cà bộ đội và nhân dân Việt Nam, chẳng hiểu có động lực  nào thúc đẩy mà đánh nhanh thế , tiến nhanh thế và thắng nhanh thế… trong khi trên thế giới nầy thiếu gì nước vẫn đang bị chia cắt lâu dài như Đức, Triều Tiên… chẳng biết đến bao giờ thống nhất được tổ quốc của mình ?

Tôi ngồi im nghe lão Tạ gầm gừ, chưởi rủa. Thú thật lúc đó tôi không hề căm ghét Tạ mà chỉ thấy khoái lỗ tai, tôi có cảm giác như không phải trước tôi là gã tình báo Trung quốc họ Tạ, mà là một con thú khổng lồ dữ tợn vừa bị chọc huyết. Qua lời nói và thái độ của Tạ, tôi hiểu rằng ở bên kia biên giới có những người không thể hòa trong niềm vui lớn lao của dân tộc chúng ta, trái lại người ta bực bỏ, tức giận. Rõ ràng họ chẳng thú vị gì khi có một nước láng giềng nhỏ bé đang trở thành một điểm sáng của thế giới, một nước láng giềng thật sự ổn định sau cuộc chiến tranh suốt 30 năm và đã thắng trong cuộc chiến tranh ấy. Thế lực của họ, ảnh hưởng của họ sẽ bị một bức tường đá ngăn lại không tràn xuống các khu vực thuộc miền Đông Nam Châu Á nầy được …(trang 76 -77 ).

- Điều thứ nhất, Tôi hỏi : Các kho báu vật mà đồng chí phụ trách, hiện tình ra sao ?

Lão thợ ảnh hiểu ngay y muốn hỏi về các kho vũ khí mà bộ đội công binh chôn lại trước khi về nước, Lão nhanh nhẩu đáp :

- Báo cáo đồng chí, tất cả đều vẫn y nguyên. Từ ngày đồng chí trao lại, tất cả không hề suy suyển. Tôi luôn kiểm tra không có kẽ nào phát hiện được dấu vết khả nghi, mặc dù chúng nó ra sức sục sạo, đào bới và tìm kiếm. Những nấm mộ liệt sỹ của chúng ta vẫn được chăm sóc chu đáo …( trang 105 -106 ).

- Ông Woong Cẩm Sềnh ạ ! Ông diễn trò bi lụy nầy chưa đạt lắm đâu, bởi vì mọi chứng cớ đều chống lại ông, chúng ta nên nói nói thật với nhau, miễn phải đóng kịch nữa. Những tấm ảnh nầy đều là do chính tay ông chụp và chụp trong mấy ngày gần đây mà ông vừa đi công cán ở mấy huyện vùng biên về … Nội dung của nó là những nơi các ông đã chôn vũ khí, những ký hiệu ghi trong ảnh là các kho vũ khí được chôn dưới đất, kể cả những ngôi mộ giả nằm trong các nghĩa trang liệt sỹ…. Hơn mười năm trước, các ông bịa ra  những người lính chết và thay vào đó là những cổ áo quan chứa toàn súng đạn. Thế nào ? Ông Cắm Sềnh . Ông không chối cãi những trò chơi ma giáo nầy đấy chứ ?
Thưa ông !  Tôi chỉ là kẽ đáng thương …( trang 116).

(Theo Tiểu thuyết  THỊ XÃ VÙNG BIÊN  của nhà văn MAI NGỮ - Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân Hà Nội năm 1987) .

Những thông tin trên khiến tôi cứ băn khoăn: 25 tỷ đồng cho 52 ngôi mộ người Trung Quốc, còn  74 tử sĩ Hoàng Sa và 64 tử sĩ Trường Sa họ có được ngôi mộ nào hay chưa? Các cô nhi , quả phụ của các liệt sỹ  nầy đến ngày nay đã được nhà nước chăm sóc ra sao? Các  chiến sĩ hải quân còn sống sót trong trận Trường Sa bây giờ họ ra sao? Chưa biết, nhưng rất tiếc đêm 19/01/2014 đốt cho những vị anh hùng nầy những ngọn nến mà chúng ta vẫn không thực hiện được. Thôi thì đành chờ năm tới  vậy.

                                           Chiều 28 tháng Chạp năm Quý Tỵ   
                     TRỊNH KIM THUẤN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog