16 thg 1, 2014

CHUM ẢNH SÀI GÒN NĂM 1967 và ĐÊM ĐÔ THỊ của TRỊNH KIM THUẤN.

Xem lại Chùm ảnh Sài Gòn 1967 (theo Reds.vn) trên Quê Choa : những ký ức ngày xưa xôn xao một Sài Thành hoa lệ, một hòn ngọc Viễn Đông , những đêm về sáng hiện về và cảm động khi đọc lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Lập :

NQL : Có điều nầy không mới nhưng phải nhắc lại : Dù không muốn nói ra, dù bây giờ ai nói ra đều bị coi là phản động, rằng đã có một cuộc giải phóng ngược trong ngày 30/4/1975, bên thắng cuộc đã được hoàn toàn giải phóng, trước tiên và trên hết là sự giải phóng về tư duy, ít nhất là đúng với mình.

Năm 1976, mình 20 tuổi, lần đầu tiên vào Sài Gòn, thấy người bán hàng niềm nở chào mời khách hàng , mình quá ngạc nhiên. Mua bất cứ thứ gì cũng được chủ hàng cho vào túi ni long lại càng ngạc nhiên tợn. Lần đầu tiên mình hiểu thế nào là thế giới tự do và điều mà cô, thầy mình hay nói về Sài Gòn là phồn vinh giả tạo là rất giả tạo.
Ngày ấy học Sống Như Anh, mình hỏi cô giáo, nói thưa Cô : Sao anh Trỗi nghèo thế mà có xe máy để đi ? Cô giáo trả lời , nói : Bọn tư bản nham hiểm lắm các em ạ, chúng bắt dân nghèo phải mua xe máy để chúng nó bán được xăng. Lúc đó mình khinh ghét bọn tư bản lắm, sau ngày 30/4/1975 mình mới hiểu ra đó là lối giáo dục nham hiểm, cô giáo mình chỉ là cái loa, không loa thế có mà ăn cám !

Cám ơn ngày 30/4/1975 đã giúp tôi giải phóng tư duy từ lúc đó, sau khi đứng trước vạn cuốn sách từ bé đến lớn chưa khi nào trông thấy.

Giả sử không có ngày 30/4/1975, thì đến nay rất có thể miền Nam là Hàn Quốc, còn miền Bắc là Bắc Triều Tiên về mọi phương diện, chắc thế .

Năm 1967, tôi học lớp Đệ Tam (lớp 10), lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn (quê ở An Giang), đi cùng người bạn, hắn là Võ Phước Triệu ( nguyên nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà thơ đã mất), hắn có nhà Ngoại và cậu ruột ở ngã ba Ông tạ, nên đường phố Sài Gòn khá rành rẽ, mục đích chính là đi mua 1 số sách học. Hắn là hướng dẫn viên, tôi là Tư Ếch đi Sài Gòn .Nơi đến đầu tiên là nhà sách Khai Trí đường Lê Lợi ( sau nầy kể cả sau 30/4/1975, khi đến Sài Gòn tôi đều ghé lại …) mua 1 số sách học và tiểu thuyết theo lời của thầy dạy môn Văn, mua xong, thời gian còn lại là hắn dẫn tôi vào Thảo Cầm viên xem các voi, cọp, sư tử … những con thú mà từ nhỏ đến nay chỉ biết qua sách vở cùng với các loại cây, hoa kiểng lạ , vào Viện Bảo tàng …. Buổi chiều và tối xuống bến Bạch Đằng hóng gió, xem đèn đuốc, ngắm nhà hàng nổi Mỹ Cảnh (chỉ ngắm chứ đâu dám vào ! ) xa, xa là Cảng Sài Gòn cùng những ánh đèn sáng choang của các chiếc tàu buôn nước ngoài …..

Học không lo học, ham đọc các báo chí đối lập, chuyên chỉ trích, đả kích nhà cầm quyền hiện tại kịch liệt như : báo Tin Sáng, nguyệt san Đất Nước, Đối Diện, Tự Quyết, thích và tìm đọc các bài viết của GS.Lý Chánh Trung, linh mục Nguyễn Ngọc Lan (Bọt Biển và Sóng Ngầm, Cho Cây Rừng Còn Xanh Lá …) . Khi nghỉ học thì chết nhác không dám vào chiến khu kháng chiến, ở nhà thì có giúp đỡ và nuôi chứa cán bộ cách mạng, cũng thầm mong chế độ hiện hữu sụp đổ, hầu xây dựng lại đất nước hoàn toàn mới : hòa bình, độc lập , tự do, hạnh phúc, giàu đẹp …. ( trong ý nghĩ cho rằng chế độ hiện thời quá thối nát, luôn mơ về 1 miền Bắc lý tưởng, không có bất công, không có giàu nghèo, một xã hội trong sạch không có tệ nạn tham nhũng, không có cảnh người bóc lột người …..)

Thế rồi , cái gì đến cũng đến : ngày 30/4/1975, chế độ Việt Nam Cộng Hòa buông súng đầu hàng, non sông liền một dãi, hết chết chóc rồi, lên Thị xã Long Xuyên (AnGiang) thăm các bạn ở chiến khu trở về… đồng thời tham gia chánh quyền ( người đời thường gọi là : loại Cách mạng 30/4)..

Hăng say công tác ( vì cũng có chút ít học vấn kia mà), có tham dự trận đánh tư sản mại bản (tháng 9/1975), tham gia đợt đổi tiền lần thứ 1, các đợt cải tạo Công Thương nghiệp ……

Tiếp cận nền báo chí miền Bắc : tiểu thuyết Bão Biển của Chu Văn, viết về xây dựng HTX nông nghiệp miền Bắc, tiểu thuyết kháng chiến như : Mẫn và Tôi của Phan Tứ, Mùa Gió Chướng của Nguyễn Quang Sáng, Hòn Đất của Anh Đức … số 1 vẫn là Thép Đả Tôi Thế Đấy của Liên Xô, nhân vật điển hình là chàng Paven Coócsigin …. Tiểu thuyết mới thì có : Những Khoảng Cách Còn Lại, Đứng Trước Biển của Nguyễn Mạnh Tuấn …. Những khoảng cách còn lại viết về việc đánh tư sản và cải tạo công thương nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, sau nầy có dựng thành phim tựa là Xa và Gần, bây giờ nhớ lại thấy việc làm nầy so với hiện nay sao trớt quớt hết …

Gần như thời trẻ ngày ấy, gần như ai cũng thuộc và thường hát bài Mùa Xuân Trên thành phố Hồ Chí Minh, bài hát hay về lời và cả điệu nhạc …
. . . . . . . . . . . . . . . . . . Thành phố Hồ Chí Minh năm nay .Mùa Xuân về rợp bóng cờ bay. Nước thêm trong dòng sông Bến Nghé. Chợ thêm đông chợ vui Bến Thành . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Ngày đi như trong đêm mơ, tuổi lớn rồi mà như ngây thơ. Ôi ta đang đi đi giũa rừng hoa hay ta đi giữa rừng cờ.
Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là mùa Xuân đẹp nhất quê mình .

Sau nhửng đợt đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp, mấy lần đổi tiền thì thành phố Hồ Chí Minh không còn giống như lời bài hát của Xuân Hồng nữa . Xơ xác, xác xơ vô cùng …..

Lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chẳng nói hay sao : Ngày 30/ 4/1975 có 1 triệu người vui thì cũng có 1 triệu người buồn… tiếc thay ông và chính phủ thời ấy không làm được việc hòa giải, hòa hợp dân tộc ( mà trong các hiệu triệu của Chánh Phủ Cách mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam đều có ghi) để làm vơi đi , bớt đi nổi buồn của bên thua cuộc, trái lại lại đào sâu thêm các nỗi đau, nỗi buồn khi bắt các sĩ quan, công chức thua trận đi cải tạo dài hạn nơi rừng sâu, nước độc …, con cái của họ khi đi học và tìm việc làm đều bị phân loại, phân biệt …

Nhà văn Nguyễn Quang Lập nói : Giả sử không có ngày 30/4/ 1975 thì đến nay rất có thể miền Nam là Hàn Quốc, còn miền Bắc là Bắc Triều Tiên về mọi phương diện, chắc thế !
Thực sự, trước 30/4/1975 thì miền Nam đã hơn Hàn Quốc về nhiều mặt rồi và nếu được yên bình như Hàn Quốc (tức là không có chiến tranh Nam – Bắc) cộng với thể chế tự do và năng động của miền Nam, ngày nay có lẽ miền Nam phải hơn Hàn Quốc và kém Nhật Bản chả bao nhiêu .
Trang 3Mấy mươi năm nay, hăng say xây dựng đất nước, các Đại hội, các Hội nghị nào cũng thành công tốt đẹp,  thắng lợi vẽ vang cả, nhưng cuộc sống người dân chả thấy đi lên …

Tôi có suy nghĩ : Giá như sau 30/4/1975, thống nhất đất nước, thực thi đúng nghĩa : Độc lập, tự do, hạnh phúc, công bằng … thực thi chánh sách việc hòa giải, hòa hợp dân tộc (đồng bào Việt Nam đều là ruột thịt cả mà !), ngụy quân, ngụy quyền không sử dụng họ trong bộ máy công quyền thì để cho họ tự do làm ăn, sinh sống, con cái họ vẫn có quyền đi học như các đứa trẻ khác… Với học thức sẳn có, tính năng động và vốn liếng , họ sẽ góp phần xây dựng đất nước, nhưng phải theo cách của miền Nam, rồi các nhà Công nghiệp, Thương nghiệp sẽ đầu tư, hổ trợ miền Bắc từ từ … cộng với sự phá bỏ thể chế làm ăn XHCN lạc hậu ở miền Bắc, thì nhân dân miền Bắc sẽ hoan nghinh , hồ hởi, tích cục xây dựng … Có lẽ hiện nay cả nước ta ( chứ không riêng miền Nam) không kém gì Hàn Quốc đâu !

Nhưng hỡi ôi ! Đã là Kinh tế thị trường mà sao vẫn còn Định hướng xã hội chủ nghĩa mãi 

Gần đúng 39 năm, mới xem bài : Đường sắt Việt Nam hiện nay không có gì mới , vẫn thải phân và nước tiểu xuống đường ray, khung đường vẫn từa thời Pháp thuộc, tốc độ tàu chạy không hơn gì . Tết, Lễ thì tệ nạn  phe vé …( nếu không nói là tệ hơn thời Pháp thuộc) và nợ công hiện giờ thì đã tới ngập cổ …tệ nạn xã hội, tham nhũng , văn hóa đạo đức xuống cấp … không tưởng nổi .
Miền Bắc, đọc lại bài thơ Nhất Định Thắng của Trần Dần :
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Tôi ở phố Sinh Từ.
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót.
Tôi bước đi
Không thấy phố
Không thấy nhà.
Chỉ thấy mưa sa
Trên màu cờ đỏ.
Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về.
- Anh ạ !
họ vẫn bảo chờ …..
Tôi không gặn hỏi, nói gì ư ?
Trời mưa, trời mưa
Ba tháng rồi
Em đọi
Sống bằng tương lai
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi.
Lũ lượt giắt nhau buồn bã …
Em đi
Trong mưa
Cúi đầu
Nghiêng vai
Người con gái mới mười chín tuổi .
Ở miền nam, cũng thời ấy có nhạc sĩ Y Vân, sáng tác bài hát “Đêm Đô Thị” phản ánh 1 Sài Gòn về đêm vui tươi, sôi động, mà điều chắc chắn là Y Vân sáng tác theo cảm hứng, chứ không có 1 động cơ chính trị hoặc định hướng nào :
Lời bài hát : Màn đêm xuống dần, muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng.
Kìa bao phố phường, bao mái lầu chìm trong bóng đêm
Lá lá lá lá la la, lá lá lá lá la.
Đường đi lối về cơn gió lùa ngã nghiêng bao tà áo.
Và bao mái đầu không vướng sầu kề vai bước mau.
Lá lá lá lá la, lá lá lá lá la.
Điệp khúc : Người em gái đương thì tròn trăng mới, như nhiều trang giấy .
Trong lòng còn trong trắng thơ ngây.
Người trai tráng, yêu cuộc đời tươi sáng, bước chân say sưa
Đi trên đường …
Tình yêu đón chờ, đêm tối về dìu nhau trên đường phố.
Dịu hương tóc thề, vai sát kề đời như giấc mơ .
Lá lá lá lá la, lá lá lá lá la .
Để lòng nhớ Ơ …. Thành đô .

Đến nay tuổi đã lớn, bồi hồi nhớ lại chuyện nay, chuyện xưa, có lẽ không còn dịp hưởng được sự trong lành và phồn vinh của đất nước như ước mong bài hát Xuân về trên TP. Hồ Chí Minh hay Những khoãng cách còn lại …. Còn như ngày xưa thì không được rồi .

Đêm 10/01/2014, lên TP. Hồ Chí Minh dự tiệc cưới con của người bạn ( thời làm việc chung ở TX Long xuyên) gặp lại 1 số bạn cũ, trong số nầy có Nguyễn Hồng Nam (trưởng phòng thương nghiệp) Đặng Hoàng Hải ( đội trưởng B4 Công An TXLX), Mai Quý Đông, Văn Công Thi …. anh Hải cũng là tổ trưởng của tôi trong đợt kiểm kê đánh tư sản ở tiệm tạp hóa Tường Hưng, năm nào, buì ngùi nhớ lại, nhắc lại … tự hỏi việc làm năm xưa sao thấy ác quá nhỉ ?

Chỉ tự biết trả lời : Âu cũng là số phận, cái đất nước mình, nó là thế !

12/01/2014 TRỊNH KIM THUẤN.

1 nhận xét:

Tìm thông tin blog