ĂN CẮP VĂN .
Được
tin nhà văn Dương Nghiễm Mậu vừa qua đời, nhớ lại thời đi học tôi thích xem các
truyện của Dương Nghiễm Mậu…. có 1 số truyện sau nầy còn nhớ, nhưng lâu quá lại
quên của nhà văn nào, mấy năm trước nhớ lại cốt truyện, đành ăn cắp văn của Dương
Nghiễm Mậu, viết truyện ngắn nầy, năm rồi được biết ở Sài Gòn có tái bản lại
tập truyện ngắn Nhan Săc….. vậy là truyện được lấy ra từ đây. Hôm nay đăng lại
với lòng thành kính chia buồn cùng gia đình nhà văn Dương Nghiễm Mậu và xin ông
tha cho tội “ăn cắp văn” của kẻ hậu sinh nầy . Trịnh Km Thuấn .
Bí mật bên
sông Tần Hoài .
Trịnh Kim Thuấn
Thứ sáu ngày 2 tháng 8 năm 2013 5:36 AM
THÀNH PHỐ NAM KINH, vào năm . . . . . .
một đêm mùa Hạ.
Thương nữ bất tri vong quốc hận.
Cách giang do xướng hậu đình hoa .
Lời người kể chuyện : Tôi chỉ là người
giúp việc cho một Nhà Thuyền trên sông Tần Hoài (loại nhà hàng nổi có ca hát
…), nghe lóm được, xin kể lại :
Vầng ô vừa khuất phía Tây, không khí oi
nồng của một ngày mùa Hạ giảm xuống thấy rõ.
Phố thị vừa lên đèn, khu phố đông đúc
nhất của thành phố là các con đường dọc theo hai bên bờ sông Tần Hoài. Nam
thanh, nữ tú dập dìu, đi dạo, hít thở không khí trong lành từ gió sông thổi lên
… Các Nhà thuyền cũng bắt đầu tấp nập khách. Còn gì thú vị bằng : ngồi trên Nhà
thuyền, bập bồng sóng nước, uống 1 chung trà, hớp một ngụm rượu, ngồi nhìn và
nghe các nàng kỹ nữ hát, múa …
Cuộc vui nào cũng có lúc phải tàn….
Đêm đã khuya, giữa canh ba, trăng hạ
tuần vừa nhô lên khỏi ngọn liễu bên bờ sông, ánh trăng lưỡi liềm không sáng lắm,
nhưng tạo được ánh sáng mờ ảo, quyến rũ thêm. Các khách lần lượt ra về, các kỹ
nữ cũng vào trong, rửa sạch các son phấn, nghỉ ngơi ….
Tôi phải dọn dẹp cho xong các bàn ghế
trong Nhà thuyền. Tựa cửa sổ bên mạn thuyền còn ba người khách mãi mê tâm sự, giọng
nói nhỏ nhẹ … định mời khéo họ ra về, để quán còn đóng cửa, nghĩ lại công việc
cần làm cũng còn hơi lâu, cũng không vội tiễn khách, tôi dọn các bàn ghế kế
bên, ngóng tai nghe họ nói với nhau những gì ! (đây là tật xấu phải không quí
vị ?).
Cả ba đều là bậc trung niên, dáng dẽ oai
phong, trên vai đều có đeo gươm, trên bàn rượu có 1 cây sáo ngọc…..
Câu chuyện như thế nầy :
-Nghe danh đã lâu, hôm nay kỳ ngộ, nghe
nói dạo nọ : huynh đi thích khách Tần Thủy Hoàng, công việc không thành, bị băm
làm trăm mảnh kia mà, thực hư ra sao, xin cho đệ biết !
-Thưa huynh, ta đây là Kinh Kha, há chết
dễ lắm hay sao ?
(Từ đây là chuyện của Kinh Kha và Tần
Thủy Hoàng ).
-Vừa dâng đầu Phàn Ô Kỳ và tấm bản đồ
nước Yên , Tần Thủy Hoàng say sưa xem, thì lưỡi chủy thủ của ta đã
dí sát vào cổ của Tần Thủy Hoàng rồi .
Tấn Thủy Hoàng hỏi : Lý do nào mà ngươi
lại muốn giết ta ?
Kinh Kha : Tội của ngươi : đất không
dung, trời không tha, nào là đốt sách, nào là chôn sống học trò, đáng tội hay
chưa ?
Tần Thủy Hoàng : Lũ học trò ngu muội để
chúng nó sống làm gì ? học không đến nơi, đến chốn, chỉ biết ỷ lại vào cha mẹ
mình là đám tham quan, ô lại, là đám trọc phú thất đức, bỏ tiền, lấy quyền lực
lo lót, mua bán bằng cấp, chuyện phải không nên nói, chỉ việc viết bậy, nói bậy
mà thôi… ngươi thử suy nghĩ trong số các học trò ấy, ta có giết oan thằng nào
không ?
Kinh Kha : Còn tội đốt sách ?
Tần Thủy Hoàng : Các sách ta cho đốt đều
là các sách mê tín, dâm thư, bá láp, bá xàm …để mà làm gì ? Các sách quí như Tứ
Thư, Ngũ Kinh, Lão Tử, Trang Tử … ta có đụng chạm đến đâu ! Sau khi ổn định đất
nước, ta đã cho mở mang nông nghiệp, chỉnh đốn lại các chính sách thuế khóa bất
công, phục hưng lại ngành văn hóa, giáo dục, mở lại các trường học, trọng dụng
kẽ sĩ, hiền tài. Ta đã ra lệnh cho Thừa tướng Lã Bất Vi tập hợp lại các danh sĩ
giỏi trong cả nước biên soạn bộ “Lã Thị Xuân Thu”, nếu các sách xưa, sách hay
ta cho đốt hết, thì liệu nhóm biên soạn nầy có đủ các tư liệu phong phú để hoàn
thành bộ sách nầy hay không ? Sau khi hoàn thành, Lã Thừa tướng còn treo bảng :
“Nếu ai tìm được 1 lỗi sẽ được thưởng ngàn vàng” Ngươi xem từ ấy đến nay có ai
lãnh thưởng hay không ?
Sau khi ta chết rồi, với đất nước Trung
Hoa rộng lớn, vừa thống nhất , ngươi định đoạt ra sao ?
Kinh Kha : Đất của nước nào trả lại cho
nước ấy !
Tần Thủy Hoàng cười nói : Cả trăm năm
qua, 7,8 nước đua nhau tranh ngôi, đoạt vị, cha dành vợ của con, con giết cha
đoạt ngôi, anh em ruột tàn hại lẫn nhau vì cái ngai vị ấy, nước lớn xâm chiếm
nước nhỏ, ngày nào trên đất nước nầy mà không có chiến tranh, xương chất thành
núi, máu chảy thành sông. Có nơi người ta phải trốn vào rừng sâu, núi thẩm mà
ở, chẳng thà bị cọp ăn thịt, còn hơn bị bắt lính ra trận chết oan uổng. Có gia
đình 3,4 đời vào núi sâu bắt rắn cực độc để tiến cống, đời nào cũng có người
chết, chỉ vì mỗi năm dâng được rắn độc là được miễn sưu thuế. Ngươi thấy chưa :
sưu thuế còn độc hơn cả rắn độc kia đấy ! Ngươi muốn cảnh trạng nầy lập lại à ?
Kinh Kha : Ta suy nghĩ lời của Tần Thủy
Hoàng là thật, chẳng qua ta chỉ là con cờ quyền lực trong tay và lòng ham muốn
của Thái Tử Đan mà thôi. Ôi ! đôi bàn tay của người ngọc, lấy vàng ném cá …
Thật là một phút dại khờ .
Ta giắt con chủy thủ vào người, cùng Tấn
Thủy Hoàng và Tấn Vũ Dương bước ra khỏi điện, hai bên bái biệt !!!
Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén.
Ai kẻ dâng vàng, ai biếu tay.
Mơ gì ấp Tiết thiếu văn tự.
Giày cỏ, gươm cùn ! Ta đi đây !
(thơ Hành phương Nam
– Nguyễn Bính)
(Trở lại câu chuyện )
- À còn huynh, cũng nghe nói : Huynh bị
loạn tiễn của Hồ Tôn Hiến và chết đứng kia mà ?
À ! thì ra Từ Hải đây mà .
Từ Hải ngậm ngùi trả lời : Ta là người
dọc ngang trời đất, tài trí mưu lược hơn người, không lẽ mắc mưu và dễ dàng
chết dưới tay tên quan Hồ Tôn Hiến hay sao ! Nguyên là ta cùng các bộ tướng
chinh chiến mấy mươi năm ròng rã, chống chỏi với quan quân triều đình, từ trận
chiến nầy đến trận chiến khác, cũng chiếm được riêng cho mình một bờ cõi, nhưng
triều đình đâu có để cho mình yên ổn đâu ! Nên khi Hồ Tôn Hiến dụ hàng, hắn đã
lên LIST tên các bộ tưởng ta, phong chức tước, cấp biệt thự, xe cộ …
Chinh chiến nhiều năm, thấy vinh hoa phú
quí tự dưng mang đến, lại khỏi chết chóc vì chiến trận nữa, nên bọn họ đều ham,
tuy ta giải thích đây là gian kế của Hồ Tôn Hiến chớ nên tin, cả nàng Thúy Kiều
xinh đẹp của ta, tuy xinh đẹp nhưng nàng ta rất ngu, nàng ta cũng mê một chức
vị mệnh phụ phu nhân cùng đám bộ hạ hùa nhau kêu ta ra hàng
Lực bất tòng tâm, nếu ta không đồng ý
hàng, thì đám bộ hạ hám danh lợi nầy, bọn nó sẽ chờ cơ hội ta sơ ý là bắt trói
ta hoặc dám cắt thủ cấp đem dâng cho Hồ Tôn Hiến để lập công. Vì thế ta đành bỏ
trốn, tránh xa đường danh lợi, lang bạt giang hồ, hôm nay dừng chân bên bờ sông
Tần Hoài nầy, may mắn gặp được Kinh Kha huynh và Cao Tiệm Tiệm Ly huynh, thật
là hân hạnh.
Lúc nầy Cao Tiệm Ly (nảy giờ không nói
chi cả) nâng cây sáo ngọc lên thổi… Sóng nước sông Tần Hoài vẳng lặng, tiếng
sáo du dương, ai oán …
Xong khúc sáo, ba người bước ra Nhà
Thuyền lên bờ đi thẳng.
Kể từ ấy đến nay, tôi không còn gặp lại
ba người ấy nữa .
04/7/2013 TRỊNH-KIM-THUẤN.
CHÚ THÍCH : Trong toàn bộ 160 thiên của
cuốn sách Lã Thị Xuân Thu đã thể hiện quan điểm học thuật của chư tử, trong đó
chủ yếu có : Lão Tử, Trang Tử, Mặc Tử, Nho gia, Âm dương gia, Binh gia, Nông
gia….
Lã Bất Vi là thương gia, ông không thực
thi tư tưởng “trọng nông, ức thương” như Thương Ưởng trước đây mà là “Nhất
nông, nhì thương”. Tư tưởng nầy được thực thi thành chính sách có lợi cho sự
phát triển của xã hội.
Đây không chỉ là một kiệt tác của nhân loại
mà còn là một bộ sách mang tầm ảnh hưởng rộng đối với nhiều nhà văn học cũng
như là chính trị học nhất là đối với đất nước Trung Hoa.
Theo ý kiến của Cao Dụ thời Đông Hán :
“Bất Vi đã tập hợp những điều sở văn của Nho gia, nhưng sách nầy chủ
trương lấy đạo dức làm mục tiêu, lấy vô vi làm cương kỷ, lấy trung nghĩa làm
phẩm đức, lấy công bằng cởi mở làm chuẩn mực, như phối hợp cả Mạnh Kha, Tôn
Khanh với Hoài Nam, Dương Hùng vậy “ (Theo Bách Khoa Toàn Thư
WIKIPEDIA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét